Kỷ lục: 271.000 tài khoản cá nhân mở mới trong tháng 3, chứng khoán tiếp tục "sốt"

Nguyễn Thị Thùy Dung 17:42 | 07/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Số liệu của Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy trong tháng 3, lượng tài khoản cá nhân mở mới lại lập kỷ lục mới khi đạt hơn 270.000 tài khoản.

Kỷ lục: Nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 270.000 tài khoản trong tháng 3

Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) mới đây ra thông báo về số lượng tài khoản giao dịch (TKGD) của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tính đến hết tháng 3, theo đó tổng số tài khoản giao dịch trên thị trường là 4.986.827 tài khoản.

Trong đó, số lượng TKGD trong nước hiện là 4.946.316 tài khoản, tương đương khoảng 5% dân số. Trong đó, 4.932.805 tài khoản của nhà đầu tư cá nhân và 13.511 tài khoản của nhà đầu tư tổ chức.

Ngoài ra, số lượng TKGD nước ngoài là 40.511 tài khoản, bao gồm 36.313 tài khoản của nhà đầu tư cá nhân và 4.198 tài khoản của nhà đầu tư tổ chức.
Cũng theo số liệu từ VSD, trong tháng 3, nhà đầu tư trong nước mở mới 270.217, mức cao nhất từ trước tới nay và cao hơn 60.000 tài khoản so với tháng 2. Riêng nhà đầu tư cá nhân mở mới 270.011 tài khoản, còn lại 206 tài khoản mới là của nhà đầu tư tổ chức.

Trong tháng, nhà đầu tư nước ngoài mở mới 419 tài khoản, ước tăng 60% so với tháng 2. Tuy nhiên, khối ngoại quay đầu bán ròng mạnh trong tháng 3, trị giá bán ròng ước 4.000 tỷ đồng trên HoSE. Nguyên nhân bán ròng được cho là do tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang (FED) đã tiến hành tăng lãi suất với lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ, qua đó hút dòng tiền về nước.

Nhìn chung toàn thị trường, sau những tháng sụt giảm vào đầu năm, lượng tài khoản mở mới đang có xu hướng tăng mạnh trở lại. Cùng lượng tài khoản tăng, thanh khoản thị trường cũng có sự cải thiện đáng kể. Giá trị giao dịch bình quân trên cả 3 sàn ước đạt 31.530 tỷ đồng/ phiên, tương đương tăng 61,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là những dấu hiệu cho thấy chứng khoán vẫn là kênh hút tiền trong bối cảnh lạm phát mặc dù VN-Index đang giao dịch gần vùng đỉnh.

BSC kỳ vọng VN-Index hướng tới 1.600 điểm trong tháng 4

Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng thị trường chứng khoán tháng 4 tiếp tục đối diện nhiều thông tin tiêu cực. Căng thẳng Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt rõ rệt, các biện pháp trừng phạt nặng nề mà phương Tây áp đặt với Nga dự kiến cũng gây ra những tác động đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Giá cả hàng hóa thế giới biến động theo tình hình xung đột, việc Trung Quốc kiên trì lập trường Zero COVID có nguy cơ kéo dài tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Tất cả những điều này đều tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến tăng trưởng kinh tế trong nước nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.

Mặt tích cực là trong nước, nền kinh tế tiếp tục phục hồi, công tác kiểm soát lạm phát và bình ổn giá đến nay vẫn tốt, nền tảng vĩ mô ổn định. Chính phủ cũng đang gấp rút thúc đẩy triển khai các gói hỗ trợ còn lại thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 350 nghìn tỷ.

Trên cơ sở đó, BSC đưa ra hai kịch bản cho thị trường chứng khoán tháng 4.

Ở kịch bản tích cực, khi kinh tế trong nước phục hồi khả quan, hoạt động mở cửa du lịch, các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh được mở rộng; trên thế giới căng thẳng giữa Nga và Ukraine hạ nhiệt, giá cả các hàng hóa có tín hiệu tích cực; VN-Index được dự báo vượt ngưỡng tâm lý 1.500 điểm; quay trở lại kiểm tra lại vùng đỉnh 1.530 và hướng tới 1.600 điểm.

Ở kịch bản xấu hơn, nếu căng thẳng Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài, chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu gián đoạn trầm trọng hơn do sự bùng phát dịch tại Trung Quốc, áp lực lạm phát tăng trong nền kinh tế tác động đến các chính sách hỗ trợ của Chính phủ thì BSC dự báo VN-Index thoái lui sau nhịp tăng điểm và tích lũy lại trong khoảng 1.470 +/- 30 điểm.

Dự báo cho cả quý II, BSC cho rằng VN-Index tiếp tục giao dịch tích lũy trong kịch bản 1,470 +/- 30 điểm khi các doanh nghiệp công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý I cũng như kế hoạch kinh doanh cả năm 2022. Thanh khoản thị trường dự báo tiếp tục duy trì ở mức khoảng 1,3 tỷ USD (khoảng 30 nghìn tỷ) mỗi phiên.

Ngoài ra, trong quý II, khối ngoại tiếp tục duy trì đà bán ròng trước những diễn biến địa chính trị phức tạp của thế giới cũng như xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của FED, tuy nhiên giá trị bán ròng có thể giảm dần.