Kỳ tài kinh tế giúp nước Thục giàu nhanh, Gia Cát Lượng cũng phải kính nể

16:06 | 26/04/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chỉ vài tháng sau khi thực hiện các biện pháp mới của kỳ tài Lưu Ba, khó khăn tài chính của nước Thục đã được giải quyết, ngân khố lại dồi dào. Lưu Bị vì vậy rất quý trọng vị tiên sinh này.

Căn cứ "Hậu Hán Thư" ghi chép, năm Vĩnh Hòa thứ 5 (Hán Thuận Đế trị vì), tổng số hộ thuộc quyền quản lý của Ích Châu là 1.517.319 hộ và tổng số dân là 7.204.877. Trong khi đó, tổng dân số của Tào Ngụy vào năm 236 chỉ là 4,43 triệu người, điều này cho thấy dân số của Ích Châu trong thời kỳ hoàng kim là cực lớn.

Lưu Bị cuối cùng cũng chiếm được Ích Châu, nhưng vừa chiếm được đã gặp rắc rối về kinh tế. Bởi trước khi vào thành, nghe tiếng Ích Châu dồi dào trù phú, Lưu Bị đã hạ một mệnh lệnh hồ đồ, cho phép quan quân sau khi vào thành được lấy những thứ mà mình cần. Kết quả quân dụng chi dùng không đủ tạo thành khó khăn nghiêm trọng về tài chính.

Thực tế, Lưu Bị làm chính trị, ra chiến trường thì không sao nhưng trong lĩnh vực kinh tế lại chỉ là kẻ mù mờ. Bí thế, Lưu Bị hỏi Gia Cát Lượng phải làm sao, Gia Cát Lượng nhân cơ hội này đã tiến cử Lưu Ba, một kẻ sĩ mà ông luôn kính trọng và coi là nhân tài hiếm có.

Lưu Bi nghe lời Gia Cát Lượng, thu dùng Lưu Ba thế nhưng Lưu Ba quả thực không phục Lưu Bị, rất không hài lòng khi phải làm việc dưới trường của vị quân chủ này. Lưu Ba tính tình kỳ quái, kiêu căng, luôn tỏ ra coi thường người khác lại không hề khách sáo.

Kỳ tài kinh tế giúp nước Thục giàu nhanh, Gia Cát Lượng cũng phải kính nể - ảnh 1

Ảnh minh họa.

Có lần cùng một chỗ với Trương Phi nhưng Lưu Ba không thèm nói bất cứ câu gì, khiến Trương Phi mất hết mặt mũi, cực kỳ tức giận. Gia Cát Lượng biết chuyện liền tìm đến khuyên giải Lưu Ba.

Gia Cát Lượng nói với Lưu Ba rằng: "Trương Phi tuy là võ tướng nhưng vẫn luôn ngưỡng mộ tiên sinh. Chủ tử bây giờ tập hợp tinh anh văn võ, đồng mưu đại nghiệp. Tiên sinh tuy rằng tính tình thanh cao, cũng nên để ý một chút đến thái độ của mình".

Mặc dù Lưu Ba biết rõ ý tốt của Gia Cát Lượng, nhưng ông vẫn luôn không cam lòng khuất phục, ông nói: "Đại trượng phu đối nhân xử thế, giao du anh hùng bốn biển, sao có thể cùng giới vũ phu nói chuyện?"

Lưu Bị nhìn ra Gia Cát Lượng luôn bao dung với Lưu Ba, nhưng thái độ của Lưu Ba khiến Lưu Bị ngày càng khó chịu. Lưu Bị tức giận nói với Gia Cát Lượng: "Ta muốn bình định thiên hạ, nhưng tên tiểu tử này lại gây chuyện. Trong lòng hắn vẫn muốn lên phương bắc đầu quân cho Tào Tháo, ở đây chỉ là để mượn đường, đâu thể giúp ta hoàn thành đại nghiệp".

Trong mắt Lưu Bị, thái độ của Lưu Ba đã leo thang thành lập trường chính trị. Nếu Lưu Bị định tính như vậy, Lưu Ba sẽ bị nguy hiểm đến tính mạng. Thấy vậy, Gia Cát Lượng vội vàng giải thích: "Bàn về tài thao lược, ta kém xa Lưu Ba". Sau đó, vị quân sư này khiêm nhường nói, làm việc gì cũng cần nhân tài, làm việc lớn lại càng cần những tài năng kiệt xuất.

Trong mắt Gia Cát Lượng, Lưu Ba là nhân tài hàng đầu cả về mưu lược và trí tuệ, là người đáng để dùng. Chỉ cần người này chịu xuất ra năng lực, những chuyện khó khăn có thể giải quyết, vì vậy không nên để tâm những chuyện vặt vãnh, đối với người như Lưu Ba thì nên kính trọng, nhẫn nhịn, chịu đựng.

Nhìn thấy sự kiên trì của Gia Cát Lượng, Lưu Bị không thể nói gì hơn, đành nhịn xuống để dùng người tài trí tuyệt luân này. Ông đề nghị Lưu Ba đưa ra cách giải quyết vấn đề kinh tế mà nước Thục gặp phải.

Đây quả nhiên là điểm mạnh của Lưu Ba. Ngay khi Lưu Bị nêu ra vấn đề, Lưu Ba đã trả lời chẳng khó khăn gì. "Đúc ngay tiền trị giá một trăm, điều hoà giá trị mọi vật, dùng thư lại làm quan kiểm soát", ông nói

Nói một cách đơn giản là bình ổn giá cả. Khi đó, kinh tế của Ích Châu tạm thời bị thiệt hại, giá cả tăng vọt, dân chúng rất khốn khổ, muốn lấy được lòng người thì trước hết phải bình ổn được giá cả.

Lưu Ba đề xuất thêm các biện pháp cụ thể, thực ra rất đơn giản: đúc một loại tiền mới có giá trị cao hơn tiền cũ, lưu hành loại tiền mới này bằng biện pháp hành chính cưỡng chế.

Lạm phát đồng nghĩa với việc tiền tệ bị giảm giá trị, giải pháp đầu tiên được đưa ra là tăng cung để ổn định giá cả và đưa giá cả hàng hóa trở về mức hợp lý. Cách khác là giảm giá theo mặc định và không tăng nguồn cung, nhưng đổi tiền và đổi giá theo trật tự mới.

Phương pháp đầu tiên giải quyết vấn đề triệt để hơn, nhưng cần thời gian, phương pháp sau giải quyết vấn đề nhanh hơn, nhưng nó không thể khắc phục được vấn đề cơ bản. Trong tình hình lúc đó, vấn đề nổi cộm là tiền không đủ, thì đơn giản là phát hành tiền mới để giải quyết vấn đề quân dụng không đủ, đó là quan điểm của Lưu Ba.

Lưu Bị thông qua gợi ý của Lưu Ba đã ra lệnh cho quan phủ phát hành các loại tiền có giá trị lớn để tăng lượng cung tiền. Theo ghi chép của "Nam Sử", để thực hiện chính sách tiền tệ mới, Lưu Bị đã ra lệnh thu gom tiền đồng cũ để đúc tiền đồng mới.

Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến tài phú của những người giàu có bấy giờ. Đây thực chất là một hình thức cướp bóc của cải một cách trá hình. Tuy nhiên, biện pháp này mang lại hiệu quả cao nhất vì có sự hậu thuẫn của các phương tiện quân sự và chính trị mạnh mẽ. Đồng thời, nó cũng có tác dụng nhanh chóng và rõ ràng.

Theo ghi chép, chỉ vài tháng sau khi thực hiện các biện pháp mới, khó khăn tài chính của nước Thục đã được giải quyết, ngân khố lại dồi dào. Lưu Bị vì vậy rất quý trọng Lưu Ba. Thế nhưng chẳng bao lâu sau, năm thứ 2 Lưu Bị xưng đế, Lưu Ba qua đời vì bạo bệnh khi mới 39 tuổi.

Xem thêm: Bật mí loạt bài học kinh doanh đắt giá ít người biết ẩn sau siêu kinh điển Tam Quốc Diễn Nghĩa

Tùy Ý