Kỳ vọng hút đầu tư FDI vào lĩnh vực công nghiệp ô tô

Thúy Hiền 11:31 | 25/08/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Với những lợi thế sẵn có và việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên thế giới và được đánh giá là điểm đến an toàn của các nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, thời gian tới, Việt Nam định hướng thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có công nghệ cao, công nghệ nguồn. Đồng thời, ưu tiên các dự án đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy kinh tế số; đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp ô tô...  tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị.

Cơ hội cho các nhà đầu tư Ấn Độ

Trong bối cảnh thế giới và khu vực đang ảnh hưởng lớn tới nhiều ngành sản xuất nói chung và ngành sử dụng chip bán dẫn và ngành công nghiệp ô tô nói riêng, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam rất mong muốn có thêm những đối tác, nhà sản xuất linh kiện lắp ráp tại Việt Nam.

Là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới nhưng tổng vốn đầu tư (FDI) của Ấn Độ vào Việt Nam chỉ chiếm 0,2% tổng vốn FDI mà 139 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam. Cơ hội để thúc đẩy hợp tác và đầu tư giữa hai bên là rất lớn nhất là trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh thu hút dòng vốn FDI vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ô tô...

Mới đây, tại buổi “Gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ trong lĩnh vực công nghiệp ô tô”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, hợp tác đầu tư giữa Việt Nam - Ấn Độ vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Tính đến nay, Việt Nam có quan hệ đầu tư với 139 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng 35.367 dự án đầu tư và tổng vốn đăng ký đạt hơn 429 tỷ USD. Trong đó, các doanh nghiệp Ấn Độ đã đầu tư vào Việt Nam 334 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 1 tỷ USD, đứng thứ 24/139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Hướng ngược lại, Việt Nam cũng đã đầu tư 10 dự án sang Ấn Độ với tổng số vốn đạt 6,2 triệu USD.

Ông Nguyễn Anh Tuấn nhận định, là nền kinh tế đứng thứ 6 thế giới và trong tương lai được dự báo có thể vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 châu Á nhưng tổng vốn đầu tư của Ấn Độ chỉ chiếm 0,2% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Con số này cho thấy hợp tác đầu tư giữa hai nước còn rất nhiều tiềm năng để khai phá và chưa tương xứng với mối quan hệ đặc biệt thân tình giữa hai nước.

Ngài Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam nhấn mạnh: “Hiệp hội các nhà sản xuất phụ tùng ô tô Ấn Độ (ACMA) là hiệp hội hàng đầu tại Ấn Độ với số hội viên hơn 800 thành viên đóng góp vào 85% doanh thu trong ngành phụ tùng ô tô Ấn Độ. Thông qua chuyến thăm Việt Nam, ACMA mong muốn tìm hiểu cơ hội đầu tư, thương mại và kinh doanh tại Việt Nam. Đây là cơ hội tốt cho doanh nghiệp hai nước kết tìm kiếm đối tác, trao đổi cơ hội hợp tác kinh doanh, tìm hiểu công nghệ và thiết bị phụ tùng mới trong ngành ô tô”.

Tiềm năng phát triển

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Tổng giám đốc Invest Global, với dân số gần 100 triệu dân, có điều kiện tự nhiên và địa lý thuận lợi, Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng lớn trong phát triển ngành công nghiệp ô tô. Đây là ngành công nghiệp được Chính phủ Việt Nam đặc biệt ưu tiên phát triển, với kỳ vọng xây dựng một ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam lớn mạnh và đóng góp quan trọng vào nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo Tổng giám đốc Invest Global, so với các nước trong khu vực, số lượng nhà cung cấp của Việt Nam trong ngành công nghiệp ô tô vẫn còn rất ít, chỉ một vài nhà cung cấp trong nước có thể tham gia vào chuỗi cung ứng cho các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam.

Còn ông Đặng Hoàng Mai, đại diện Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (VIOIT) cho rằng, Việt Nam có tiềm năng phát triển thị trường xe ôtô điện (EV) trong tương lai bởi hiện tại tỷ lệ sở hữu ôtô của Việt Nam ở mức 23 chiếc/1.000 người dân. Con số này chỉ bằng 1/10 của Thái Lan và 1/20 của Malaysia.

Với mức thu nhập ngày càng tăng, cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện, doanh số, sản lượng bán ra của ngành công nghiệp ôtô được dự báo sẽ ngày càng tăng trong giai đoạn 2021-2030. Tuy nhiên, theo ông Đặng Hoàng Mai, trái ngược với xu hướng tăng tiêu dùng ô tô, doanh nghiệp hoạt động trong trong ngành công nghiệp ô tô, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ sản xuất tô tô lại không tăng như kỳ vọng.

Nhiều hãng sản xuất ôtô lớn trên thế giới như: Toyota, Honda, Ford, Hyundai… đã đầu tư nhà máy lắp ráp tại Việt Nam, kéo theo chuỗi các nhà sản xuất nước ngoài cung ứng linh kiện phụ tùng cho ngành công nghiệp ôtô đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, số lượng nhà cung cấp của Việt Nam trong ngành công nghiệp ôtô vẫn còn rất ít, chỉ một vài nhà cung cấp trong nước có thể tham gia vào chuỗi cung ứng.

Tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp dưới 20%, trong đó THACO đạt từ 15-18%, Toyota Việt Nam cao nhất đạt 37% (đối với dòng xe Innova). Con số này thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Malaysia.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, thời gian tới, Việt Nam định hướng thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có công nghệ cao, công nghệ nguồn, ưu tiên các dự án đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy kinh tế số…, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị. Vì vậy, đây là thời điểm vô cùng thích hợp để các nhà đầu tư Ấn Độ tham gia vào lĩnh vực công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam.

Tổng giám đốc Invest Global cho rằng, trong ngành công nghiệp ô tô, Việt Nam và Ấn Độ có sự bổ trợ cho nhau rất lớn. Hiện, một số doanh nghiệp Ấn Độ đã hiện diện tại Việt Nam với các dự án đầu tư như: Uno Minda, Spark Minda và Star Engineering và đang hoạt động rất hiệu quả.