La Nina là hiện tượng gì và tại sao La Nina khiến thời tiết Việt Nam trở nên cực đoan?
La Nina là trạng thái bề mặt nước biển lạnh hơn một cách bất thường. La Nina xuất hiện khiến cho thời tiết trở lên cực đoan và tác động gây ra mưa bão dồn dập ở Việt Nam.
La Nina là hiện tượng gì?
La Nina (theo tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là đứa con của Chúa hay bé Hài Đồng nữ). Đây là từ được dùng để chỉ hiện tượng lớp nước biển bề mặt lạnh đi dị thường, xảy ra với chu kỳ tương tự hoặc thưa hơn El Nino. Để thể hiện sự ngược nhau giữa hai hiện tượng này có khi người ta sử dụng khái niệm Anti-El Nino (đối El Nino).
Hiện tượng La Nina có thể xuất hiện ngay khi hiện tượng El Nino suy yếu, nhưng có khi không phải như vậy. Hiện tượng La Nina xuất hiện sẽ gây nhiều bão ở khu vực Đại Tây Dương nhưng lại làm giảm nguy cơ gây bão ở Thái Bình Dương.
Hai hiện tượng này được nghiên cứu để hiểu biết về cơ chế vật lý, đặc điểm và quy luật diễn biến cũng như những hậu quả tác động của chúng, chúng ta có thể cảnh báo trước sự xuất hiện của hai hiện tượng trên, những ảnh hưởng của nó đến thời tiết, khí hậu, kinh tế - xã hội. Để từ đó có biện pháp phòng, tránh hiệu quả, hạn chế và giảm nhẹ thiệt hại do El Nino và La Nina gây ra.
Bề mặt nước biển Thái Bình Dương vào tháng 11/2007
Hiện tượng El Nino và La Nina thể hiện sự biến động dị thường trong hệ thống khí quyển - đại dương với quy mô thời gian giữa các năm, có tính chu kỳ hoặc chuẩn chu kỳ. Hoạt động của El Nino từ 2 đến 7 tháng, có khi lên đến 10 năm. Thời gian xuất hiện trung bình của El Nino là tháng 11, dài nhất 18 tháng (El Nino 1982 - 1983).
Thông thường, chu kỳ của La Nino thường kéo dài hơn chu kỳ của hiện tượng Elo Nino. Thời gian trung bình một lần xuất hiện hiện tượng La Nina là 14 tháng, nhiều nhất là 24 tháng.
Sau năm 2019 - năm hiện tượng El Nino diễn ra khiến nhiệt độ nhiều nơi trên Trái Đất cao kỷ lục - thì giờ sang năm 2020, Trái Đất hứng chịu La Nina. La Nina năm nay tại Bắc bán cầu hình thành từ tháng 8 đến tháng 10 và dự kiến kéo dài đến năm 2021. Lần gần đây nhất La Nina xảy ra là vào năm 2017 và 2018.
Theo dự báo, tại Đông Nam Á, Nam Á và nhiều nơi ở Australia có khả năng xuất hiện mưa lớn hơn bình thường. Các trận bão cũng có khả năng xuất hiện nhiều hơn về số lượng và mạnh hơn về cường độ.
Hiện tượng thời tiết cực đoan do La Nina gây ra khiến nhiều quốc gia lo ngại về ngành công nghiệp. Bởi thời tiết này có thể gây bão lũ ảnh hưởng đến sản xuất ngũ cốc, lúa gạo. Trước đó, do tình trạng lượng mưa thấp, thời tiết khô hạn và tình trạng tích trữ lương thực dưới tác động của COVID-19 đã khiến nguồn cung gạo nội địa của Australia giảm dần.
Tại sao La Nina khiến thời tiết Việt Nam trở nên cực đoan?
Trước đó, ông Nguyễn Duy Chinh - Viện phó Viện Khí tượng thủy văn cho biết, La Nina khiến nước biển ở trung tâm Thái Bình Dương lạnh dị thường và khi đó mưa sẽ nhiều hơn, ẩm nhiều hơn ở vùng lục địa. Hệ quả, Việt Nam và các nước trên bán đảo Đông Dương sẽ xuất hiện mưa và lũ nhiều hơn bình thường.
Bão số 8 ngoài biển Đông
Ông Chinh cũng cho biết, La Nina xuất hiện sẽ ảnh hưởng đến cơ chế của bão. Thông thường, đợt La Nina thường kéo dài từ mùa thu năm nay đến mùa hè năm sau. Trên thực tế, vẫn có những năm Việt Nam không xuất hiện La Nina, thậm chí có năm xuất hiện El Nino hoặc hiện tượng trung gian nhưng vẫn mưa lụt nhiều.
Phó Viện trưởng Chinh cho biết thêm, không phải cứ La Nina là có mưa và lụt nghiêm trọng ở Việt Nam. Vì hệ thống thời tiết của Việt Nam chịu tác động từ các khu vực lân cận. Những tác động của La Nina có thể yếu đi. Nhưng theo dự báo, La Nina xuất hiện gây mưa to, lũ lụt chỉ xác suất đúng 70%.
Năm nay miền Trung mưa bão dồn dập là do La Nina
Trong lần trả lời phỏng vấn Zing, ông Trần Quang Năng - Trưởng phòng Dự báo Thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia), nguyên nhân Biển Đông liên tục đón bão và áp thấp nhiệt đới trong thời gian qua là do ảnh hưởng của La Nina.
Trong những năm có La Nina, mưa bão xuất hiện dồn dập vào cuối năm. Ngoài ra, tác động của biến đổi khí hậu cũng khiến các hiện tượng thời tiết trở nên cực đoan.
Đồng quan điểm, bà Lê Thị Xuân Lan - nguyên Phó phòng Dự báo, Đài khí tượng Thủy văn Nam Bộ cho rằng, miền Trung hứng lũ lịch sử năm 1999 cũng là một năm có La Nina. Hình thái này năm đó còn hoạt động mạnh hơn so với năm này.
Thế nhưng trong thời gian qua, Trung bộ còn chịu ảnh hưởng bởi một dải hội tụ nhiệt đới từ vịnh Bengal ở Ấn Độ Dương vắt qua Thái Bình Dương và đi qua đất liền Trung Bộ.
La Nina khiến thời tiết trở nên cực đoan dẫn đến các các cơn bão đổ vào lục địa, gây mưa lũ ở miền Trung
Các chuyên gia ví dải hội tụ này là một chuỗi hạt, những cơn bão và áp thấp nhiệt đới là những hạt cườm đính trên đó. Hết hạt này đến hạt khác nối đuôi nhau vào biển Đông.
Các chuyên gia nhận định, bão hình thành và ngày càng khó lường. Trước kia những cơn siêu bão rất ít xuất hiện ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Nhưng nhiều năm trở lại đây, bão càn quét qua Philippines hoặc đổ bộ Nhật Bản ngày càng nhiều. Điều này xảy ra là hệ quả của biến đổi khí hậu.
Tính đến thời điểm hiện tại, biển Đông đang chịu tác động mạnh của bão số 8. Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, bão có dấu hiệu suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trước thời điểm tiến vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị vào ngày 25/10.
Khi bão số 8 kết thúc, biển Đông tiếp tục đón một áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh thành bão số 9. Ảnh hưởng của hình thái này tiếp tục gây mưa cho các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ trong các ngày từ 28 đến 31/10.
Hương Quỳnh (t/h)