Lãi ròng 9 tháng vượt 6.700 tỷ, Vinamilk (VNM) sắp chi 2.900 tỷ tạm ứng cổ tức đợt 2 năm 2022
Ngày 12/12, HĐQT của Vinamilk đã đưa ra thông báo về ngày cuối cùng để thực hiện quyền nhận tạm ứng cổ tức đợt 2 của năm 2022 bằng tiền. Theo đó, Vinamilk sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 23/12 với tỷ lệ thực hiện tạm ứng là 14%/mệnh giá (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1.400 đồng).
Như vậy, với hơn 2 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, doanh nghiệp ước tính sẽ chi khoảng 2.926 tỷ đồng để trả cổ tức đợt 2. Ngày thanh toán dự kiến là 28/2/2023.
Năm 2022, Đại hội đồng cổ đông thường niên của Vinamilk đã thông qua kế hoạch trả cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ là 38,5%, tương ứng 3.850 đồng/cổ phiếu. Trong tháng 8, Vinamilk tạm ứng cổ tức đợt 1 của năm 2022 với tỷ lệ 15% bằng tiền và phần cổ tức còn lại của năm 2021 (9,5%) với tổng tỷ lệ 24,5% bằng tiền mặt, tương ứng 2.450 đồng/cp.
Như vậy, tổng hai đợt này, Vinamilk chi trả khoảng 8.000 tỷ đồng cho các cổ đông.
Cổ đông lớn nhất là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) dự kiến nhận về hơn 1.000 tỷ đồng; nhóm F&N có gần 600 tỷ đồng và quỹ Platinum Victory nhận về hơn 300 tỷ đồng tiền cổ tức.
Ngoài ra, 2 cổ đông lớn đến từ nước ngoài là F&N Dairy hiện nắm giữ khoảng 370 triệu cổ phiếu (tỉ lệ 17,7%) và Platinum Victory Pte. Ptd có 222 triệu cổ phiếu (tỉ lệ 10,6%). 2 nhà đầu tư này sẽ nhận về lần lượt 518 tỷ và 311 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 28/11,công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC (mã: SIC) - công ty con của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) - đã đăng ký thoái toàn bộ vốn tại Vinamilk. Theo đó, doanh nghiệp này dự kiến bán 1,1 triệu cổ phiếu đang nắm giữ, dự kiến giao dịch từ ngày 1/12 đến ngày 30/12.
Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III, tổng doanh thu thuần của Vinamilk trong quý đạt 16.079 tỷ đồng, giảm gần 1% so với cùng kỳ. Trong khi đó, doanh thu của công ty mẹ tăng nhẹ 0,2% so với quý III/2021 và 10,5% so với quý II. Biên lãi gộp giảm 3,4% do VNM vẫn đang sử dụng bột sữa nguyên liệu và đường nguyên liệu được thu mua với mức giá cao từ quý trước, dẫn tới giá vốn cao.
Thị trường nước ngoài ghi nhận doanh thu thuần 2.304 tỷ đồng, doanh thu thuần của các chi nhánh nước ngoài đạt 1.117 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Trong đó, 2 công ty con Driftwood ghi nhận mức tăng gần 30% nhờ nhu cầu từ các trường học đã phục hồi hoàn toàn và Angkormilk tăng trên 20% nhờ hoạt động phát triển thị trường hiệu quả. Xuất khẩu trực tiếp ghi nhận doanh thu thuần 1.187 tỷ đồng.
Đáng chú ý, chi phí tài chính của Vinamilk ghi nhận mức tăng kỷ lục 125% lên 143 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí bán hàng giảm nhẹ xuống 3.261 tỷ đồng.
Sau khi trừ chi phí, lãi ròng quý III của doanh nghiệp ghi nhận 2.323 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước.
Luỹ kế 9 tháng, Vinamilk ghi nhận doanh thu thuần đạt 44.888 tỷ đồng, giảm 0,2% và lãi ròng 6.708 tỷ đồng, giảm 20% so với 9 tháng 2021. Như vậy, tính đến tháng 9, doanh nghiệp đã hoàn thành 70% chỉ tiêu doanh thu và 69% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế.
Đến 30/9, tổng tài sản của Vinamilk đạt 51.199,9 tỷ đồng, giảm 4% so với đầu năm. Trong đó, tổng tiền mặt và tiền gửi các kỳ hạn của doanh nghiệp đạt 22.402 tỷ đồng, tương đương khoảng 44% tổng tài sản; bao gồm: 1.904 tỷ đồng tiền mặt, 963 tỷ đồng tương đương tiền (tiền gửi có kỳ hạn gốc dưới 3 tháng tại các NHTM) và 19.533 tỷ đồng đầu tư tài chính nắm giữ đến ngày đáo hạn (tiền gửi có kỳ hạn gốc từ trên 3 tháng đến 12 tháng). Hàng tồn kho của Vinamilk ghi nhận 5.777 tỷ đồng, giảm gần 15% so với đầu năm.
Vinamilk ghi nhận nghĩa vụ nợ 17.356 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Vay và nợ thuê tài chính cả ngắn hạn và dài hạn ghi nhận gần 9.478 tỷ đồng, chiếm khoảng 55% tổng nợ. Vốn chủ sở hữu ghi nhận 33.844 tỷ đồng.
Kết phiên giao dịch ngày 13/12, cổ phiếu VNM giảm 500 đồng xuống mức 78.000 đồng/cổ phiếu.