Lãi suất tăng có nguy cơ gây khủng hoảng nợ hộ gia đình ở Thái Lan

Ngọc Quang 20:47 | 28/06/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cơ quan nghiên cứu KKP Research nhận định với việc lãi suất dự kiến tăng trong nửa cuối năm 2022, gánh nặng nợ gia đình có thể "giáng một đòn nặng" vào nền kinh tế Thái Lan, làm suy yếu sức mua của người tiêu dùng và giảm tốc độ phát triển kinh tế.

 

Theo số liệu của KKP Research, nợ hộ gia đình hiện đã vượt 90% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thái Lan và đưa nước này trở thành nước có tỷ lệ nợ hộ gia đình cao thứ 11 thế giới.

Phần lớn trong số 20% các hộ gia đình nghèo nhất Thái Lan chỉ có mức thu nhập trung bình khoảng 10.000 baht (285 USD)/tháng, trong khi mức chi tiêu trung bình hàng tháng ở Thái Lan là 12.000 baht. Những hộ gia đình này phải tìm cách vay mượn để đáp ứng những nhu cầu thiết yếu hàng ngày và làm tăng tỷ trọng nợ tiêu dùng ngắn hạn trong tổng nợ hộ gia đình.

KKP Research đánh giá, thu nhập bình quân đầu người của Thái Lan cũng rất thấp so với các quốc gia có mức nợ tương đương. Điều này cho thấy nền kinh tế của Thái Lan dễ bị ảnh hưởng bởi tình trạng mắc nợ hơn các quốc gia khác.

Còn theo Credit Suisse, Thái Lan là một trong những quốc gia có độ phân hóa giàu nghèo cao nhất thế giới, và các khoản nợ có xu hướng tập trung vào những hộ thu nhập thấp, có tỷ lệ tài sản trên nợ thấp hơn. Và kết quả là, khi lãi suất tăng cao, những hộ gia đình này buộc phải giảm tiêu dùng để trả nợ, từ đó góp phần làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Các hộ gia đình có thu nhập thấp cũng phải chịu gánh nặng lớn hơn từ lạm phát khi chi phí mua thực phẩm và năng lượng chiếm một phần lớn trong chi tiêu của hộ gia đình và khiến họ giảm khả năng trả dần các khoản nợ.

KKP Research cho rằng mức nợ hộ gia đình cao hơn sẽ khiến Thái Lan phải đối mặt với một chu kỳ suy thoái kinh tế kéo dài. Gánh nợ sẽ gia tăng khi lãi suất tăng và tỷ lệ nợ hộ gia đình cao hơn sẽ làm chậm tăng trưởng tiêu dùng. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm thúc đẩy tiêu thụ thông qua nợ sẽ đi vào ngõ cụt bởi nợ đã ở mức cao, điều đó có nghĩa là các chương trình kích thích tiêu dùng dựa trên nợ không thể tạo ra sự tăng trưởng.

Theo cơ quan nghiên cứu này, nếu nền kinh tế bước vào giai đoạn trả nợ hoặc xóa nợ, động lực tiêu dùng sẽ giảm khoảng 1,3%, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ chậm đi khoảng 0,7%, gây ra suy thoái kinh tế kéo dài.

Tuy nhiên, KKP Research tin rằng các tổ chức tài chính Thái Lan sẽ vẫn duy trì được sức mạnh với nguồn dự trữ ngoại hối cao. Những rủi ro cần giám sát bao gồm việc Thái Lan mất khả năng cạnh tranh và có thể dẫn đến cán cân vãng lai âm, sự yếu đi của đồng baht, nợ quá mức có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng kinh tế và sự hồi phục của ngành du lịch yếu hơn so với dự báo.

Các yếu tố rủi ro bên ngoài bao gồm kế hoạch dài hạn của các ngân hàng trung ương toàn cầu đối với chính sách tiền tệ của họ trong trường hợp lạm phát đình trệ, cũng như chương trình quảng bá du lịch trong nước của Trung Quốc có thể gây ra sụt giảm tài khoản vãng lai của Thái Lan.

KKP Research khuyến cáo Chính phủ Thái Lan không nên kích thích nền kinh tế thông qua các khoản nợ và thay vào đó là tăng lãi suất một cách dần dần.