Lãi suất tiếp tục tăng, tiền nhàn rỗi tìm về ngân hàng
Cụ thể, tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng vừa được điều chỉnh tăng thêm 0,5%/năm lên mức 7,3%/năm, cao nhất toàn hệ thống đối với tiền gửi 12 tháng. Lãi suất này áp dụng cho cả 2 hình thức gửi tại quầy và online.
Chưa dừng ở đó, lãi suất kỳ hạn 1-3 tháng tại SCB cũng thêm 0,15%/năm và kỳ hạn 6-9 tháng thêm 0,3%/năm. Đối với tiền gửi online, SCB cũng tăng 0,4%/năm cho lãi suất tiết kiệm 6 và 9 tháng, lên mức 6,85-7%/năm.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) công bố tặng đến 1,1%/năm lãi suất cho khách hàng gửi tiết kiệm. Hiện lãi suất cao nhất áp dụng tại SHB là 7,4%/năm dành cho chứng chỉ tiền gửi Phát lộc kỳ hạn 8 năm và 7,2%/năm cho kỳ hạn 6 năm.
Đối với tiền gửi tiết kiệm thông thường nhận lãi cuối kỳ, lãi suất tiết kiệm dao động từ 3,6-4%/năm cho kỳ hạn từ 1-3 tháng, lãi suất đến 5,5%/năm cho kỳ hạn dưới 9 tháng. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn từ 9-12 tháng dao động từ 5,6-6,2%/năm; kỳ hạn trên 12 tháng từ 6,2-6,6%/năm.
Đối với tiền gửi tiết kiệm online, lãi suất các kỳ hạn cao hơn tiền gửi tại quầy từ 0,1-0,2%/năm, lãi suất niêm yết cao nhất là 6,7%/năm.
Cũng tăng nhẹ lãi suất nhiều kỳ hạn, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) điều chỉnh tăng 0,1-0,3%/năm với các kỳ hạn 1, 3, 6, 12 tháng. Riêng với kỳ hạn 9 tháng, ngân hàng này đã tăng tới 0,5%/năm.
Xu hướng tăng lãi suất liên tục được ghi nhận trong vài tháng trở lại đây với mức tăng dao động từ 0,1-0,4%/năm tại nhiều ngân hàng như Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB)...
Dù vậy, lãi suất huy động chủ yếu tăng ở các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ, còn ở khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, mặt bằng lãi suất vẫn chưa có nhiều thay đổi. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cao nhất vẫn ở mức 5,5-5,6%/năm.
Xét về mức lãi suất huy động cao nhất, không ít ngân hàng đã vượt 7%/năm, thậm chí là gần 8%/năm.
Việc lãi suất huy động liên tục nhích tăng khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng lãi suất cho vay sẽ bị đẩy lên trong khi không ít doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại, lãi suất huy động nhích tăng là do nhu cầu tín dụng tăng mạnh từ đầu năm và nhằm mục đích thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trở về với ngân hàng, chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, với chính sách tiền tệ linh hoạt, ổn định, giới chuyên gia nhận định mặt bằng lãi suất sẽ không xảy ra "cuộc đua", thay vào đó là xu hướng đi ngang và chỉ nhích tăng nhẹ với một vài kỳ hạn.
Song song với mặt bằng lãi suất huy động tăng, việc nhiều kênh đầu tư khác vàng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, tiền ảo… đang có dấu hiệu chững lại cũng đang giúp dòng tiền nhàn rỗi quay về tìm ngân hàng.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước tính đến cuối tháng 2/2022 cho thấy, tiền gửi dân cư duy trì đà tăng với 5,46 triệu tỷ đồng, tăng hơn 159.000 tỷ đồng so với hồi cuối năm 2021; tiền gửi của tổ chức doanh nghiệp cũng tăng gần 60.000 tỷ đồng, lên mức 5,63 triệu tỷ đồng.