Nhân viên ngân hàng nào có thu nhập hậu hĩnh nhất trong quý I/2025?

Đông Bắc 09:49 | 09/05/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tính đến thời điểm hiện tại, 27 ngân hàng niêm yết đã công bố báo cáo tài chính quý I/2025. Nhiều ngân hàng cho thấy thu nhập bình quân của nhân viên tiếp tục khởi sắc.

 

Top 10 ngân hàng chịu chi cho nhân viên nhất quý I/2025

Nhiều ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý I/2025, trong đó thể hiện mức chi trả thù lao cho nhân viên trong 3 tháng đầu năm. So với cùng kỳ năm ngoái, mức thu nhập này đã tăng 7,5% và cao gấp hơn 3,5 lần thu nhập trung bình của lao động Việt Nam (9,4 triệu đồng/tháng). Khoản chi này bao gồm lương, thưởng, phụ cấp và các khoản phúc lợi khác.

Thống kê từ BCTC cho thấy, TPBank lần đầu tiên vượt mặt Techcombank, vươn lên top 1 về mức độ chịu chi cho nhân viên trên bảng xếp hạng Top 10 ngân hàng có thu nhập bình quân nhân viên cao nhất. Trung bình mỗi nhân sự tại TPBank nhận về 53,5 triệu đồng/tháng, tăng mạnh 6,2 triệu đồng/người so với cùng kỳ năm ngoái.

 TPBank đứng đầu danh sách chịu chi cho nhân viên nhất quý I/2025. Ảnh TPB.

Sau TPBank, VietinBank cũng có cú bứt tốc ngoạn mục để leo lên vị trí thứ hai với chi phí nhân viên đạt 45,3 triệu đồng/người/tháng, tăng thêm 5,5 triệu đồng so với quý I/2024 và tăng nhẹ so với quý IV năm ngoái. Đây cũng là ngân hàng có mức chi trả bình quân cao nhất trong nhóm các nhà băng có vốn Nhà nước (Agribank chưa công bố báo cáo tài chính 2024 nên chưa được so sánh). Tính đến cuối quý I, ngân hàng này đang vận hành bộ máy gần 25.000 nhân viên, tăng thêm 183 người so với đầu năm.

Vietcombank dù bị vượt mặt nhưng vẫn giữ vị trí cao trong bảng xếp hạng Top 10 với chi phí bình quân cho nhân sự đạt 44,5 triệu đồng/tháng, tăng 2,5 triệu đồng so với quý IV/2024, đứng thứ 4 trên bảng xếp hạng. Tổng số tiền mà Vietcombank chi trả cho đội ngũ hơn 24.000 người trong quý I năm nay lên tới 3.243 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng 12% so với năm ngoái.

Từng nhiều lần dẫn đầu bảng, BIDV lùi về vị trí thứ 9 với chi phí bình quân cho nhân viên là 37,4 triệu đồng/tháng, giảm 7,3 triệu đồng so với quý cuối năm ngoái. Tuy nhiên, số lượng nhân sự tại BIDV tiếp tục mở rộng, với 29.352 người, tăng 354 người trong ba tháng đầu năm nay.

Agribank chưa công bố tài chính quý I/2025, nhưng từ số liệu năm 2024 cho thấy ngân hàng này luôn có thu nhập nhân viên thấp nhất trong nhóm Big4. Đáng chú ý, trong vài năm gần đây, nhóm ngân hàng quốc doanh đang dần đánh mất vị trí quán quân về đãi ngộ nhân sự. Thay vào đó, các ngân hàng tư nhân không ngừng nâng cấp chính sách chi trả, thậm chí "vượt mặt" những ông lớn Big 4.

Xếp thứ 3 ngay trên bảng xếp hạng là MBBank. Ngân hàng này có cú bứt phá mạnh mẽ, trong quý I/2025, trung bình mỗi nhân viên MB nhận về 45,1 triệu đồng/tháng, tăng 2,7 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước. Tính đến cuối quý I, MB có 18.658 nhân viên, nhích nhẹ 19 người so với đầu năm.

Ngược lại, Techcombank từng là quán quân nhiều quý liên tiếp lại bất ngờ rớt xuống vị trí thứ 5 với mức chi bình quân còn 42,2 triệu đồng/người/tháng. So với quý I/2024, thu nhập nhân viên Techcombank sụt giảm tới 7 triệu đồng. So với quý IV/2024, nhân viên Techcombank cũng hưởng mức thu nhập 48 triệu đồng/người.

Vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng thuộc về ACB, với mức thu nhập bình quân đạt 40,1 triệu đồng/người/tháng, tăng nhẹ 1 triệu đồng so với cùng kỳ. Sacombank giữ vững vị trí thứ 7 trên bảng xếp hạng ngân hàng chi mạnh tay cho nhân viên trong quý I/2025. Trung bình, mỗi nhân sự tại đây nhận mức thu nhập 39,3 triệu đồng/tháng, tăng thêm 3,9 triệu đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, cái tên gây bất ngờ nhất có lẽ là KienlongBank, khi vươn lên vị trí thứ 8 với mức chi bình quân 37,7 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ lọt top 10, KienlongBank còn lập kỷ lục về mức tăng mạnh nhất toàn ngành trong quý I khi tăng tới 12,7 triệu đồng/tháng so với cùng kỳ năm trước.

SeABank cũng góp mặt trong top 10 khi giữ vị trí thứ 10 với mức chi bình quân 36,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 5,5 triệu đồng so với quý I/2024. Dù không tăng đột phá như KienlongBank, nhưng SeABank cho thấy xu hướng "mạnh tay chi" đang lan rộng trong khối ngân hàng tư nhân.

Bức tranh thu nhập ngành ngân hàng quý 1/2025 cho thấy sự phân hóa ngày càng sâu sắc giữa các “ông lớn” sẵn sàng mạnh tay chi cho nhân sự và nhóm ngân hàng đang siết chặt hầu bao. Khoảng cách giữa ngân hàng chi nhiều nhất và ít nhất đã nới rộng từ 26 triệu lên đến 34 triệu đồng/người/tháng chỉ sau 1 năm.

Dù phần lớn các nhà băng đều ghi nhận mức tăng chi phí nhân sự so với cùng kỳ, vẫn có tới 7 cái tên “bơi ngược dòng”, điều chỉnh giảm chi phí, bao gồm: Techcombank, Viet A Bank, VietBank, SHB, LPBank, Bac A Bank và Nam A Bank…

Top 10 ngân hàng biến động nhân sự nhiều nhất quý I/2025

Cũng trong quý đầu tiên, ngành ngân hàng cũng chứng kiến sự cắt giảm nhân sự mạnh đến từ nhiều nhà băng. Theo khảo sát của Ngân hàng Nhà nước, tình hình việc làm trong ngành tài chính ngân hàng đầu năm nay "cải thiện" so với quý cuối năm 2024, nhưng mức độ chưa được như kỳ vọng. Hơn 32% tổ chức tín dụng tuyển thêm người, đồng thời có 21% cho hay đã cắt giảm lao động.

Từ thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, việc làm có sự phân hóa mạnh khi làn sóng cắt giảm vẫn xuất hiện ở những ngân hàng đang và có kế hoạch đẩy mạnh số hóa, trong khi một số tổ chức khác vẫn tuyển người dù quy mô không lớn.

Tiêu biểu như Ngân hàng Lộc Phát (LPBank) là nơi biến động nhân sự mạnh nhất khi giảm hơn 1.600 người trong quý đầu năm, thu hẹp quy mô còn 9.570 nhân sự. Trong 3 tháng cuối năm ngoái, ngân hàng này cũng giảm hơn 600 người. Tuy nhiên, sau khi cắt giảm, thu nhập bình quân của nhân viên tăng mạnh từ 22,8 triệu đồng lên 24,6 triệu đồng một tháng.

Sacombank đứng thứ 2 về quy mô tinh gọn nhân sự khi giảm 930 người, xuống khoảng 16.100 người. Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank, cho hay xu hướng tinh gọn nhân sự đã có từ năm ngoái và dự kiến tiếp tục trong năm nay lẫn năm sau. Theo đó, ngân hàng sẽ cắt giảm nhân sự tại các phòng giao dịch truyền thống và tăng giao dịch trên không gian số.

VIB và TPBank cũng thu gọn bộ máy trong 3 tháng đầu năm. Cụ thể, VIB giảm 4% nhân sự, tương đương khoảng 500 người. TPBank giảm gần 130 nhân sự, xuống khoảng 7.750 người.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 vừa qua, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho rằng đặc điểm chung của những vị trí được tinh giản là tính chất công việc thủ công, lặp lại, có thể tự động hóa cao như vận hành và giao dịch viên tại quầy. Đây không phải quyết định mang tính ngắn hạn mà nằm trong lộ trình phát triển dài hạn, theo đuổi chiến lược số hóa từ nhiều năm trước...

Một số nhà băng khác cũng tinh gọn, nhưng quy mô nhân sự biến động chỉ vài chục người bởi đã tuyển thêm những vị trí khác. Ví dụ, ACB giảm 75 nhân sự, còn SeABank và ABBank lần lượt giảm 25 người và 11 người.

Vietcombank là ngân hàng quốc doanh duy nhất nằm trong danh sách giảm nhân sự. Tuy nhiên, số giảm không đáng kể so với quy mô nhân sự hơn 23.500 người.

Ở chiều ngược lại, một số ngân hàng vẫn tăng quy mô nhân sự trong những tháng đầu năm. Techcombank có thêm 300 nhân viên mới, nâng tổng số lên 11.282 người. Đây tiếp tục là ngân hàng nằm trong nhóm đầu về thu nhập bình quân của nhân viên với khoảng 42 triệu đồng một tháng.

Một số ngân hàng tư nhân khác như Eximbank, OCB, HDBank, VPBank đều cho biết năm nay có kế hoạch tinh gọn quy trình và bộ máy nhân sự, nhưng thực tế vẫn tuyển thêm 100-200 người mới trong giai đoạn đầu năm. BIDV là ngân hàng quốc doanh có quy mô tuyển dụng lớn nhất với hơn 250 người, nâng tổng số lao động lên trên 26.300 người, chỉ xếp sau Agribank trong nhóm Big4 về nhân sự.