Lãi vay đang 'ăn hết' lợi nhuận của doanh nghiệp, tiếp cận vốn vẫn là bài toán khó

07:54 | 01/03/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết lợi nhuận mang lại từ sản xuất đang không thể bù đắp được cho lãi suất đi vay của ngân hàng hiện nay kể cả khi ngân hàng đó giảm lãi suất.

Sau động thái điều chỉnh lãi suất huy động, mới đây, nhiều ngân hàng trong đó có cả ngân hàng quốc doanh và các ngân hàng tư nhân đều đồng loạt thông báo giảm lãi suất và tung ra các gói vay hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh.

Đây được đánh giá là một động thái tích cực trong bối cảnh lãi suất ở mức cao trong thời gian qua. Tuy nhiên, mặc dù lãi suất giảm nhưng việc tiếp cận các gói vay này vẫn là lo lắng của nhiều doanh nghiệp.

Lãi suất chỉ thấp ở kỳ đầu

Nhiều chương trình giảm lãi suất ở các ngân hàng đưa ra là ưu đãi lãi suất ở những kỳ đầu tiên, sau đó lãi suất sẽ được điều chỉnh cộng theo biên độ (thường 3 tháng một lần) sẽ lên mức rất cao.

Chia sẻ tại Hội nghị đối thoại kết nối ngân hàng - doanh nghiệp diễn ra sáng 28/2, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội doanh nghiệp cơ khí - điện TP HCM, cho biếtnhiều ngân hàng sau một thời gian duy trì lãi suất khá tốt thì bắt đầu tăng lãi.

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội doanh nghiệp cơ khí - điện TP HCM. (Ảnh: Zing News).

"Có những doanh nghiệp khóc vì lãi suất ngân hàng. Có trường hợp ngân hàng gửi thông tin đàm phán lãi suất cho vay với biên độ 2,5% so với lãi suất huy động, nhưng trong hợp đồng để ký không nêu lãi suất cụ thể, ngân hàng nói đã có trong bảng chào giá nên hợp đồng không nói lại. Nhưng thực tế đến nay, biên độ đã lên đến 4-5%", ông Tống chia sẻ.

Lãi vay "ăn hết" lợi nhuận của doanh nghiệp

Tại sự kiện, đại diện nhiều doanh nghiệp khá bức xúc khi doanh nghiệp luôn ở thế yếu khi tiếp cận vốn ngân hàng, trong năm 2022, trong khi các doanh nghiệp khó khăn thì ngân hàng vẫn lãi lớn.

Lãnh đạo Nệm Vạn Thành cũng cho biết một công ty sản xuất chỉ thu được lãi 10-15%/năm, chưa kể chi phí đầu tư trang thiết bị, thì mức lãi suất vay hơn 15%/năm, thậm chí đến gần 20%/năm như thời gian qua là quá cao, theo Zing News.

Cùng quan điểm, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Thủy sản Thuận Phước, chia sẻ với chúng tôi: "Với lợi nhuận mang lại từ sản xuất không thể bù đắp được cho lãi suất của ngân hàng hiện nay kể cả khi ngân hàng đó giảm lãi suất”.

Tại Hội nghị gặp gỡ, lắng nghe các đề xuất của doanh nghiệp trước đó, ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch hội Dệt may thêu đan TP HCM, cho biết các doanh nghiệp rất cần vay vốn trong dịp đầu năm để hoạt động nhưng nhiều quy định cho vay siết chặt hơn cũng như lãi suất lên cao trong khi ngành dệt may vẫn đang sụt giảm đơn hàng từ 30 - 40% và lợi nhuận trên từng đơn hàng cũng lao dốc.

Điều kiện vay vốn làm khó người vay

Bên cạnh đó, các quy định, điều kiện vay vốn cũng là những vấn đề khiến doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn tín dụng, không chỉ riêng ở các gói cho vay ưu đãi.

Ông Đỗ Phước Tống cho biết nhiều công ty thuộcHội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP HCM từ trước đến nay hoàn toàn không được giới thiệu chương trình cho vaylãi suất ưu đãi tối đa 5,5%/năm dành cho doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên mặc dù theo ông các doanh nghiệp trong hội đủ điều kiện.

"Chúng tôi chỉ biết đến ngân hàng thì họ vẫn cho vay 9-10%, không hề có ai giới thiệu chương trình đó dù nhiều doanh nghiệp cơ khí điện hoàn toàn đủ điều kiện", ông nói.

Nhiều doanh nghiệp cũng nêu khó khăn trong việc thế chấp tài sản là đất nông nghiệp, đất tại các tỉnh, thành khác ngoài TP HCM. Cụ thể, ngân hàng thường định giá thấp và xét duyệt hồ sơ khó khăn, phải mất 1,5 - 2 tháng mới hoàn thành hồ sơ.

Chia sẻ với người viết, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng (VNBA), cho biết khi doanh nghiệp vay vốn thì cần xem xét đến việc đối tượng có phù hợp không, thủ tục về mặt pháp lý có đầy đủ hay không thì mới tiếp cận được và cần phải đúng đối tượng để xem xét cho vay.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. (Ảnh: VNBA).

Ngoài ra còn cần phải xem xét đến vấn đề hiệu quả của dự án, thủ tục pháp lý, có tài sản đảm bảo. Có rất nhiều vấn đề và nguyên tắc, điều kiện để ngân hàng có thể cho vay.

Ông cũng cho rằng khi khách hàng có nhu cầu vay vốn mà tiếp cận với ngân hàng không vay được thì cũng cần nhìn nhận từ hai phía. Vấn đề không phải là ngân hàng hết room hay không có vốn mà ngân hàng không cho vay được vì lý do gì, dự án đó có đảm bảo đủ điều kiện hay không.

Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM, vốn và lãi suất là hai vướng mắc lớn nhất mà các doanh nghiệp đề cập nhiều từ cuối năm 2022 đến nay. Tuy nhiên, việc chia sẻ giữa ngân hàng và doanh nghiệp vẫn chưa thực sự thẳng thắn để giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp một cách rõ ràng.

Do đó, ông đề nghị NHNN Chi nhánh TP HCM tổ chức nhiều cuộc đối thoại hơn, không phải để chỉ trích mà cần có nhiều ý kiến gay gắt để hiểu nhau hơn, từ đó có thể hợp tác trên tinh thần cầu thị, đôi bên cùng có lợi.

Tính từ đầu năm đến nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP HCM đã hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố với doanh số đạt 469.000 tỷ đồng. Trong đó 300.000 tỷ đồng là để giảm lãi suất, 100.000 tỷ đồng nhằm tăng hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp và hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ hơn 9.000 tỷ đồng (lũy kế thực hiện gói hỗ trợ 2% tại TP HCM đã đạt trên 15.000 tỷ đồng).