Lãi vay tăng mạnh góp phần kéo lợi nhuận Thành Thành Công - Biên Hòa giảm 50%
Theo đó, trong quý II niên độ 2022 – 2023, SBT ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.972 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó doanh thu từ bán đường chiếm 95%, đạt 6.615 tỷ đồng, kế tiếp là doanh thu bán điện, mật đường, phân bón và các doanh thu khác.
Tuy nhiên, giá vốn cũng tăng mạnh 48% khiến lãi gộp giảm 12% xuống còn 587 tỷ đồng. Biên lãi gộp giảm từ 13,4% trong quý II kỳ trước xuống còn 8,4% trong quý này.
Doanh thu hoạt động tài chính giảm 9% xuống 297 tỷ đồng và không thể bù đắp cho hàng loạt chi phí tăng mạnh, đặc biệt là chi phí lãi vay. Khoản này đã tiêu tốn của doanh nghiệp gần 309 tỷ đồng, gấp 1,7 lần cùng kỳ. Ngoài ra, SBT còn chịu thêm lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái hơn 26 tỷ đồng và chi phí tài chính khác 21 tỷ đồng.
Trừ đi các chi phí, SBT báo lãi ròng 122 tỷ đồng, bằng một nửa so với cùng kỳ và thấp nhất kể từ quý II/2020 (niên độ tài chính 1/10 - 31/12/2020). Theo giải trình từ phía doanh nghiệp, ảnh hưởng mặt bằng lãi suất khiến chi phí lãi vay tăng mạnh 120 tỷ, tương đương 64% đã kéo giảm lợi nhuận của doanh nghiệp trong kỳ,
Lũy kế 6 tháng niên độ 2022 - 2023 (30/6 - 31/12/2022), doanh thu thuần của SBT đạt 12.281 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ niên độ trước. Lợi nhuận ròng đạt 384 tỷ đồng, giảm 13%.
So với kế hoạch doanh thu của cả niên độ là 17.017 tỷ đồng và 850 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, SBT đã thực hiện được lần lượt 72% chỉ tiêu doanh thu và 51% mục tiêu lợi nhuận sau 6 tháng.
Về tình hình tài chính, tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của doanh nghiệp là 29.202 tỷ đồng, tăng 5% so với ngày 30/6. Trong đó, tổng tiền mặt và tiền gửi các kỳ hạn của doanh nghiệp đạt 4.081 tỷ đồng, tương đương 13,7% tổng tài sản; bao gồm: 1.211 tỷ đồng tiền mặt, 1.298 tỷ đồng tương đương tiền (tiền gửi có kỳ hạn gốc dưới 3 tháng tại các NHTM) và 1.509 tỷ đồng đầu tư tài chính nắm giữ đến ngày đáo hạn (tiền gửi có kỳ hạn gốc từ trên 3 tháng đến 12 tháng). Ngoài ra, công ty dành hơn 802 tỷ đồng cho đầu tư chứng khoán gồm các cổ phiếu GEG của Điện Gia Lai, VNG của Du lịch Thành Thành Công,...
Các khoản phải thu ngắn hạn chiếm gần 32% tổng tài sản, tương ứng 9.267 tỷ đồng, đa số là khoản trả trước cho người bán ngắn hạn.
Hàng tồn kho không có nhiều thay đổi, ở mức 4.691 tỷ đồng, chủ yếu là hàng hóa, nguyên vật liệu, hàng đang đi đường và chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
Ngoài ra, SBT đang rót 3.043 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn, chủ yếu là đầu tư vào 4 công ty liên kết và góp vốn vào 4 đơn vị khác, tăng gần 445 tỷ đồng so với ngày 30/6/2022, do trong niên độ công ty đã mua thêm 36,8 triệu cổ phần phát hành thêm của Công ty Cổ phần Toàn Hải Vân (kinh doanh bất động sản, kho cảng, bến bãi).
Bên kia bảng cân đối, tính đến cuối năm 2022, doanh nghiệp ghi nhận nợ phải trả 19.114 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay tài chính (cả ngắn hạn và dài hạn) với 11.540 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu niên độ và chiếm 60% tổng nợ phải trả. Bao gồm vay nợ trái phiếu 2.431 tỷ đồng, còn lại là vay từ các ngân hàng và các tổ chức tài chính. Với số tiền vay này, doanh nghiệp trả hơn 540 tỷ đồng cho chi phí lãi vay trong 2 quý.
Vốn chủ sở hữu tại cuối tháng 12/2022 là 10.088 tỷ đồng, với vốn góp là 6.948 tỷ và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 1.284 tỷ đồng.