Lạm phát cao dai dẳng sẽ buộc Fed phải siết chặt dây cương lên nền kinh tế Mỹ

Giang 19:07 | 14/09/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Báo cáo mới nhất cho thấy nhu cầu mạnh mẽ của người tiêu dùng đang thúc đẩy lạm phát. Giới chuyên gia và các nhà đầu tư đều dự kiến Fed sẽ hành động quyết liệt hơn nhằm điều chỉnh áp lực giá.

 

Nền kinh tế Mỹ đã thể hiện sức bền bỉ đáng ngạc nhiên khi đối mặt với lạm phát và các đợt tăng lãi suất lớn nhất trong hàng thập kỷ. Điều này đồng nghĩa với việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ cần gắng sức hơn nữa để kìm hãm nhu cầu.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cao bất ngờ được công bố bởi Cục Thống kê Lao động Mỹ sáng 13/9 cho thấy lạm phát lan rộng đã bám rễ vào nhu cầu bền bỉ, dập tắt mọi hy vọng rằng áp lực giá đang suy giảm. Tuy người tiêu dùng đang cho thấy một số dấu hiệu giảm bớt chi tiêu, nhưng chủ yếu họ vẫn theo kịp với áp lực giá cả, được hỗ trợ bởi các mức tăng lương lịch sử.

 

 

 Nhìn chung, Fed đang phải cáng đáng nhiệm vụ khó hơn nhiều so với suy nghĩ trước đó. Nếu người Mỹ không thắt chặt chi tiêu hơn nữa, nhiều khả năng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ càng phải quyết liệt nhằm hạ bớt năng lượng của nền kinh tế hòng kéo lạm phát xuống.

Ông Torsten Slok, nhà kinh tế trưởng tại Apollo Management nhận xét: “Dữ liệu mới nhất cho thấy việc khống chế lạm phát sẽ đòi hỏi thêm thời gian và lãi suất cao hơn – theo cách nói vĩ mô thì Fed có thể còn phải phá hủy nhu cầu nhiều hơn nữa. Điều này làm tăng nguy cơ suy thoái”.

Giá tiêu dùng Mỹ tăng mạnh hơn dự kiến trong tháng 8, trái ngược với kỳ vọng về sự suy giảm nhờ giá xăng hạ nhiệt. Chi phí nhà ở, thực phẩm và y tế là các yếu tố đóng góp nhiều nhất vào đà tăng của giá. Việc có tới vài yếu tố ghi nhận mức tăng giá kỷ lục nhấn mạnh mức độ lan rộng và nghiêm trọng của lạm phát.

Chỉ số S&P 500 giảm hơn 4% trong phiên 13/9, đánh dấu ngày tồi tệ nhất kể từ tháng 6/2020. Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ và USD gia tăng.

 

S&P 500 lao dốc sau khi báo cáo CPI tháng 8 được công bố sáng 13/9, xóa sạch thành quả tăng điểm 4 phiên trước đó.  

Ông Blerina Urici, nhà kinh tế về Mỹ tại T. Rowe Price Associates cho biết: “Kinh nghiệm của tôi cho thấy một số thành phần tăng rất mạnh trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 thường có sức ì rất lớn và thay đổi rất chậm chạp, ví dụ như tiền thuê nhà. Do đó tôi kỳ vọng những loại giá này tiếp tục tăng mạnh trong những tháng tới”.

CPI lõi (không bao gồm giá nhiên liệu và lương thực) tăng 0,6% so với tháng 7, gấp đôi ước tính trung vị theo khảo sát các nhà kinh tế của Bloomberg. CPI lõi lên cao hơn 6,3% so với một năm trước, ghi nhận sự tăng tốc đầu tiên trong vòng 6 tháng và hiện đang gần mức cao nhất trong vòng 4 thập kỷ.

Ông Stephen Stanley, nhà kinh tế trưởng của Amherst Pierpont Securities viết trong lưu ý: “Các thành phần của CPI còn đáng lo ngại hơn con số tổng thể. Ngoài sự sụt giảm của giá xăng, lạm phát có vẻ vẫn rất nóng bỏng, đồng nghĩa với việc Fed còn nhiều việc phải làm”.  

 

Vòng xoáy lương-giá

Giờ đây các nhà đầu tư đã hoàn toàn tin tưởng rằng Fed sẽ nâng lãi suất lên thêm 75 điểm cơ bản (bps) trong cuộc họp chính sách tuần tới, không còn ai nghĩ rằng lãi suất chỉ tăng 50 bps, có người còn đang dự báo mức tăng 100 bps.

Diễn biến trên thị trường phản ánh ngày càng có nhiều nhà đầu tư cược rằng các quan chức sẽ mạnh tay hơn trong cuộc họp tháng 11 và dự kiến lãi suất đạt đỉnh 4,3% vào đầu năm tới – cao hơn 0,25 điểm % so với dự báo trước khi có báo cáo CPI tháng 8.

Chủ tịch Fed Jerome Powell đã bày tỏ quyết tâm mạnh mẽ hơn trong việc ghìm cương lạm phát kể từ hội nghị Jackson Hole cuối tháng trước. Ông báo hiệu rằng nhiều khả năng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất và duy trì chúng ở mức cao trong một khoảng thời gian. Một số đồng nghiệp của ông Powell cũng ủng hộ tăng lãi suất cho đến khi nhu cầu bị kiềm chế rõ rệt hơn.

Chi tiêu của người tiêu dùng tuy đã chậm lại nhưng chắc chắn là chưa giảm mạnh. Và trong bối cảnh giá xăng giảm hơn 10% trong tháng 8, người Mỹ có thể càng thấy tự tin tăng cường tiêu xài cho những mặt hàng khác.

Nhu cầu trên được hỗ trợ bởi sức mạnh của thị trường lao động với đặc điểm là tăng trưởng việc làm cao và tỷ lệ thất nghiệp thấp lịch sử. Tăng trưởng tiền lương tuy thua kém lạm phát nhưng vẫn rất cao, khiến công cuộc khống chế nhu cầu của Fed càng khó khăn hơn.

Hai nhà kinh tế Anna Wong và Andrew Husby của Bloomberg viết trong báo cáo: “Hầu hết mọi người tưởng rằng xăng giảm sẽ kéo theo các mặt hàng khác hạ giá. Nhưng CPI lõi mạnh bất ngờ trong tháng 8 cho thấy giờ đây tiền lương mới là yếu tố thúc đẩy lạm phát hàng đầu. Do các quan chức Fed từ trước đã cực kỳ e ngại vòng xoáy lương-giá, nhiều khả năng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong nửa đầu năm 2023”.

  Lạm phát lõi tại Mỹ tăng trong tháng 8/2022.