Lạm phát tăng nhưng không quá mạnh, Fed có thể sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp đầu tháng 11
Báo cáo do Bộ Thương mại Mỹ công bố hồi cuối tuần trước cho thấy chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI) đã tăng 0,4% trong tháng 9 so với tháng trước - bằng kết quả của tháng 8.
PCEPI lõi (không tính giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động) tăng 0,3% trong tháng 9 - cao hơn 0,2 điểm % so với số liệu của tháng 8. PCEPI là thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Các quan chức Fed đang theo dõi sát xu hướng lạm phát lõi để đánh giá liệu các đợt tăng lãi suất vừa qua có đủ để làm chậm nền kinh tế và kiềm chế áp lực giá hay không.
Nhìn chung, lạm phát vẫn ở mức cao nhưng đã hạ nhiệt đáng kể kể từ khi Fed tăng lãi suất lần đầu vào tháng 3 năm ngoái.
Mặc dù PCEPI lõi ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong 4 tháng vào tháng 9, các số liệu khác cho thấy áp lực giá đã dịu lại.
Trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 9, PCEPI lõi tăng với tốc độ đã chuẩn hoá theo năm là 2,8%, giảm đáng kể so với mức 4,5% trong giai đoạn 6 tháng trước đó, Wall Street Journal cho hay.
Tại cuộc họp chính sách tháng 9, các quan chức Fed dự đoán lạm phát lõi tính theo PCEPI lõi sẽ hạ xuống còn 3,7% trong quý IV.
Báo cáo mới nhất của Bộ Thương mại cho thấy lạm phát sẽ kết thúc năm 2023 dưới mức dự báo đó. Điều này càng củng cố khả năng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ giữ lãi suất ở mức cao.
Tuy nhiên, một số thước đo mà giới chức Fed theo dõi chặt chẽ, chẳng hạn như lạm phát dịch vụ không tính chi phí nhà ở và năng lượng, đã mạnh lên trong tháng 9. Các nhà hoạch định chính sách vẫn có thể tăng lãi suất một lần nữa trong vài tháng tới.
Lần gần nhất Fed tăng lãi suất là vào tháng 7. Lãi suất quỹ liên bang hiện nằm trong phạm vi 5,25 - 5,5%, cao nhất trong 22 năm.
Đà tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc trong thời gian gần đây có thể cho phép Fed tạm ngừng tăng lãi suất, miễn là lạm phát tiếp tục hạ nhiệt.
Ông Gregroy Daco, kinh tế trưởng tại EY-Parthenon, cho biết người tiêu dùng đã chi khá nhiều tiền cho các dịch vụ giải trí, du lịch trong mùa hè, giúp giá dịch vụ đi lên. Xu hướng này có thể sẽ yếu đi trong những tháng tới, cùng với các khoản mục như chi phí thuê nhà.
“Không có gì đáng báo động về lạm phát”, vị chuyên gia kinh tế nhận xét.
Chủ tịch Jerome Powell và các đồng nghiệp tại Fed đã phát tín hiệu rằng họ có thể sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp tuần này.
Các quan chức muốn xem nền kinh tế Mỹ phản ứng như thế nào sau 11 đợt tăng lãi suất trước đây cũng như sau khi lợi suất trái phiếu kho bạc dài hạn tăng vọt.
“Có thể lãi suất vẫn chưa đủ cao và cũng chưa được duy trì trong thời gian đủ dài”, ông Powell phát biểu tại sự kiện của Câu lạc bộ kinh tế New York tuần trước.
Việc lợi suất bật tăng có thể kéo chi phí đi vay lên cao hơn, qua đó làm chậm tăng trưởng kinh tế. Tất cả các khoản vay từ vay thế chấp mua nhà, vay mua xe ô tô đến vay kinh doanh đều có thể bị ảnh hưởng.
Chi tiêu tiêu dùng, động lực chính của nền kinh tế lớn nhất thế giới, đã tăng 0,7% trong tháng 9 so với tháng liền trước. Người Mỹ đã chi tiêu nhiều hơn cho các dịch vụ như du lịch, nhà ở và chăm sóc sức khoẻ, cũng như cho các hàng hoá như thuốc theo toa và xe cộ.
Chi tiêu tiêu dùng tháng 9 tăng mạnh hơn nhiều so với thu nhập. Báo cáo của Bộ Thương mại cho thấy thu nhập của người Mỹ tăng 0,3% trong tháng 9.
Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân - thước đo dùng để đánh giá số tiền mà người dân còn lại sau khi chi tiêu và đóng thuế - giảm xuống còn 3,4% trong tháng 9.
Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm ngoái, cho thấy các hộ gia đình đã sử dụng một phần tiền tiết kiệm để chi tiêu.
Cũng vào tuần trước, Bộ Lao động đã công bố báo cáo tăng trưởng GDP. Kết quả cho thấy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 4,9% trong quý III (tốc độ đã chuẩn hoá theo năm). Đây là tốc độ nhanh nhất trong gần hai năm qua.
Song, nền kinh tế sẽ phải đối mặt với nhiều rào cản trong những tháng tới, bao gồm việc lãi suất dài hạn lên cao hơn, chiến sự ở Ukraine và Trung Đông, và khả năng chính phủ Mỹ đóng cửa một phần.