Lãnh đạo ngân hàng đề xuất giải pháp gỡ khó cho tín dụng bất động sản

Hà Lê 11:30 | 16/07/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tổng giám đốc MB đề xuất Chính phủ và Quốc hội xem xét cơ chế cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khi đã có giấy chứng nhận hoặc có quyết định giao đất, cho thuê đất nhằm tạo điều kiện để ngân hàng xử lý nợ xấu đối với các dự án đang triển khai dở dang và giúp tăng nguồn cung nhà ở.

(Ảnh minh họa: H.L).

Tín dụng bất động sản là câu chuyện được nhắc đến nhiều trong khoảng một năm trở lại đây - quãng thời gian thị trường địa ốc chìm trong khó khăn.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dư nợ tín dụng cho lĩnh vực bất động sản tính đến cuối tháng 5/2023 đạt gần 2,7 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 3,4% so với cuối năm 2022 (2,58 triệu tỷ đồng).

Trong đó, tín dụng vào hoạt động kinh doanh bất động sản trong 5 tháng đầu năm tăng 14%, cho thấy những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường vừa qua cũng đã bắt đầu phát huy tác dụng. Tuy nhiên, tín dụng cho tiêu dùng bất động sản lại giảm 1,32%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng tới 15%.

Phía NHNN cho biết, tính tới thời điểm hiện tại, nhà đầu tư bất động sản là cá nhân và người mua nhà để tiêu dùng vẫn chưa sẵn sàng đầu tư nên tín dụng còn đang thấp. Do đó, việc tháo gỡ các khó khăn pháp lý, điều chỉnh giá nhà cũng là một trong những giải pháp để có thể thúc đẩy cầu tiêu dùng và đầu tư trong lĩnh vực này.

(Nguồn: SBV, H.L tổng hợp)

Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm diễn ra sáng 15/7, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngay từ đầu năm, NHNN đã định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 khoảng 14-15% (cao hơn tăng trưởng các năm trước), tuy nhiên, tính đến ngày 30/6/2023, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,49 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022.

Ngày 10/7, NHNN đã điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các TCTD với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%.

Đối với lĩnh vực bất động sản, người đứng đầu NHNN cho biết đã chỉ đạo các TCTD tập trung nguồn vốn vào các dự án đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu thực của người dân, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ và phát triển.

Bên cạnh đó, NHNN cũng chỉ đạo các NHTM kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản có tỷ lệ rủi ro cao, thực hiện tốt công tác định giá tài sản bảo đảm nhất là tại các địa bàn có hiện tượng sốt đất, thổi giá bất động sản trong thời gian qua.

NHNN cũng chỉ đạo các NHTM triển khai chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng đối với chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ từ tháng 4/2023, thực hiện bằng nguồn lực của các NHTM với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5%-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường.

Cũng tại Hội nghị, đề cập đến tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho tín dụng bất động sản, ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã đề xuất một số giải pháp.

Thứ nhất, Quốc hội và Chính Phủ cần luật hoá các quy định về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo để tạo hành lang pháp lý cho các TCTD triển khai thu hồi nợ an toàn, hiệu quả; xem xét cơ chế cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khi đã có giấy chứng nhận hoặc có quyết định giao đất, cho thuê đất" tạo điều kiện để ngân hàng xử lý nợ xấu đối với các dự án đang triển khai dở dang và giúp tăng nguồn cung nhà ở. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ vướng mắc về pháp lý dự án cho chủ đầu tư.

Thứ hai, Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh tiếp tục phối hợp đẩy nhanh tiến độ xử lý các vướng mắc về pháp lý, thủ tục cho các dự án. Đặc biệt các doanh nghiệp có nhiều dự án dang dở, ưu tiên các dự án có tỷ lệ hoàn thiện xây dựng cao để hoàn thiện sản phẩm bàn giao nhà cho người dân.

Thứ ba, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng, thực hiện các biện pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.

“Cần phân nhóm bất động sản để có chính sách quản lý và phát triển phù hợp. Ưu tiên nhà ở thu nhập thấp, bất động sản khu công nghiệp,... cần có chính sách ưu tiên, còn bất động sản cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng,... mang tính chất đầu tư cần quy hoạch, quản lý riêng để phát triển ổn định và bền vững”, Tổng giám đốc MB cho hay.