Chuyên gia: Tín dụng bất động sản phải ưu tiên cho các dự án nhà ở xã hội
Phát biểu tại Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì chiều 12/9, TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia cho rằng: Thế giới đang trong thời kỳ bất ổn. Chúng ta cũng không biết tình trạng bất ổn sẽ kéo dài đến bao giờ và liệu có bất ổn hơn nữa không.
Tuy nhiên, kết quả điều hành kinh tế từ đầu năm đến nay cho thấy tất cả hệ thống kinh tế vĩ mô của chúng ta đã chống chọi lại bất ổn của thế giới tương đối thành công. Vấn đề là, thời gian tới chúng ta sẽ chống chịu như thế nào, bởi thách thức sắp tới là rất lớn.
Nhấn mạnh tinh thần trong điều hành vĩ mô của là "dĩ bất biến ứng vạn biến", TS. Trần Du Lịch đề xuất 3 ý kiến.
Thứ nhất, dự báo tăng trưởng của chúng ta năm nay là 7,5%. "Tôi cho rằng chắc chắn sẽ thành công".
Tuy nhiên, cái khó là năm tới sẽ như thế nào khi dựa trên nền tăng trưởng cao của năm 2022? Những nền tảng ổn định mà chúng ta tạo được trong năm 2022 thì năm tới sẽ như thế nào? Có nhiều ý kiến cho rằng năm 2023 thế giới là "mùa Đông kinh tế 2023", trong bối cảnh đó, những nền tảng chúng ta tạo dựng được từ xuất khẩu, thu ngân sách… sang năm 2023 sẽ còn dư địa nào để phát triển?" – đặt ra một loạt vấn đề, TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh: Đã đến lúc chúng ta chuẩn bị kịch bản cho năm 2023 trên tất cả các lĩnh vực.
Thứ hai, TS. Trần Du Lịch cho rằng, nền kinh tế Việt Nam hiện nay cần vốn, nhưng cái cần hơn, cấp thiết hơn là hấp thụ vốn. Theo đó, cần phải phối hợp tốt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
Một vấn đề đặt ra hiện nay là có cần nới tín dụng hay không, trong đó có vốn cho thị trường bất động sản? "Tôi nghĩ là không cần. Vấn đề quan trọng là nguồn vốn ưu tiên cho lĩnh vực bất động sản nào? Tín dụng bất động sản phải ưu tiên cho các dự án nhà ở xã hội, hạ tầng công nghiệp…"
Thứ ba, phải phát triển cân đối thị trường chứng khoán, trái phiếu và cả thị trường tiền tệ, chứ không phải đẩy gánh nặng vốn trong trung và dài hạn cho chính sách tiền tệ.
Liên quan đến tín dụng, TS. Võ Trí Thành, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, Chính phủ nên thận trọng với cung tiền. Với tốc độ tăng tín dụng, giả sử năm nay là 14% thì năm sau cũng là 14% thì đây là con số không thấp. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng sửa đổi Nghị định 153 về phát hành trái phiếu, cũng như trong những năm tới có thể chế tốt để phát hành trái phiếu là vấn đề quan trọng.
Ngoài ra, theo vị này, cần linh hoạt trong việc phân bổ tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, vào bất động sản, đặc biệt là nhà ở công nhân, nhà ở xã hội,… Ngân hàng Nhà nước cần linh hoạt hơn, ở đây không có nghĩa là tháng 3 năm nay so với tháng 3 năm sau cũng phải tăng 14%, có thể có tháng lên, có tháng xuống cần theo chu kỳ sản xuất của các nhóm mặt hàng, quan trọng là con số tổng thể cả năm.