Lao động Việt Nam tại nước ngoài gửi về nước 3 tỷ USD mỗi năm

09:51 | 20/06/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Bình quân mỗi năm, lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng gửi về Việt Nam khoảng 3 tỷ USD (tương đương 70.000 tỷ đồng).
 
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, bình quân mỗi năm, lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng gửi về Việt Nam khoảng 3 tỷ USD (tương đương 70.000 tỷ đồng). Hiện Việt Nam có khoảng 500.000 lao động đang làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng. Số lao động này tập trung ở các thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia và Malaysia. 

Năm 2018, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề ra mục tiêu đưa 110.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, lao động nữ chiếm 40%.

Bên cạnh đó, Bộ cũng chú trọng nâng cao chất lượng tay nghề lao động, tăng cường kỷ luật làm việc để không đánh mất các thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam tiềm năng. Cũng theo thống kê mới nhất từ Cục Quản lý lao động, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, có hơn 70.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài 2017.

Nhóm 3 thị trường lao động hàng đầu thu hút lao động Việt Nam qua 7 tháng gồm: Đài Loan (Trung Quốc) với gần 34.000 lao động, Nhật Bản gần 28.000 lao động và Hàn Quốc hơn 3.000 lao động.

Sắp tới, nhiều thị trường mới như Thái Lan, Australia... sẽ được triển khai sau khi các hiệp định và thỏa thuận về hợp tác lao động được ký kết. Thị trường Đức, Nhật Bản cũng tiếp tục nhận ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang làm việc theo các chương trình đã ký kết. Bên cạnh đó theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, tỷ lệ lao động bỏ trốn, kết thúc hợp đồng không về nước còn khá cao, đặc biệt là thị trường Hàn Quốc khi năm cao nhất lên đến 55% (trong khi bình quân các nước khác chỉ khoảng 15%).

Gần đây, sau 3 năm kiên trì thực hiện nhiều giải pháp, tỷ lệ lao động Việt Nam vi phạm ở Hàn Quốc được rút xuống còn 33%. Chính vì vậy mới đây Hàn Quốc đã ký lại bản ghi nhớ về lao động với Việt Nam.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nói rằng, sẽ tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động, giảm tình trạng lao động trốn việc ở nước ngoài. Tháng 5/2018, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Năm nay, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu đưa hơn 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Theo Tạp chí Nhịp cầu đầu tư