DN cao su đầu tiên công bố BCTC quý II/2023: Lợi nhuận chỉ bằng 1/4 cùng kỳ
Cụ thể, trong quý II năm nay, TRC ghi nhận doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 69 tỷ đồng, giảm 28% so với quý II/2022. Giá vốn cũng giảm 16% xuống 62 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp đạt 6,9 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp đạt 10%, giảm 14 điểm % so với cùng kỳ năm trước.
Bù lại, doanh thu hoạt động tài chính tăng gần 4 lần lên 12 tỷ đồng, chủ yếu từ việc tăng mạnh cổ tức, lợi nhuận được chia.
Trừ các chi phí, doanh nghiệp thu về 7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm hơn 4 lần so với mức thực hiện được trong quý II/2022 và toàn bộ lợi nhuận đều thuộc Công ty mẹ.
Luỹ kế 6 tháng, TRC ghi nhận doanh thu thuần 175 tỷ đồng và lãi ròng 9,5 tỷ đồng, lần lượt giảm 19% và 72% với cùng kỳ 2022.
Theo giải trình, TRC cho biết nguyên nhân suy giảm lợi nhuận chủ yếu do hoạt động bán mủ cao su giảm cả lượng và giá trong quý II, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. Cụ thể, giá bán mủ bình quân trong quý II/2023 là 33,1 triệu đồng/tấn, trong khi giá bán mủ bình quân trong quý II năm ngoái là 43,3 triệu đồng/tấn, tức giảm tới 10,2 triệu đồng/tấn. Đồng thời, lợi nhuận từ hoạt động khác giảm do công ty chưa thực hiện bán cây cao su thanh lý.
Năm 2023, TRC đặt mục tiêu tổng doanh thu hơn 373 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hơn 77 tỷ đồng, lần lượt giảm 34% và 13% so với thực hiện năm 2022. Kế hoạch này được xây dựng dựa trên kỳ vọng giá bán mủ cao su ở mức 38 triệu đồng/tấn. Ban lãnh đạo từng cảnh báo nếu giá cao su tiếp tục điều chỉnh thì Công ty rất khó khăn để hoàn thành kế hoạch này. Thực tế đến hết 6 tháng đầu năm, TRC mới thực hiện được khoảng 47% mục tiêu doanh thu và 13% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Về phía cơ cấu tài sản, tính đến 30/6, TRC có tổng tài sản 1.938 tỷ đồng, trong đó 329 tỷ tài sản ngắn hạn và 1.609 tỷ tài sản dài hạn. Chiếm lớn nhất trong cơ cấu tài sản ngắn hạn là các khoản phải thu với gần 200 tỷ. Bên cạnh đó là tài sản cố định 930 tỷ, chi phí xây dựng cơ bản dở dang 502 tỷ, đầu tư tài chính dài hạn 167 tỷ.
Bên kia bảng cân đối, TRC khi nhận nợ phải trả 378 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính cả ngắn hạn và dài hạn 216 tỷ đồng, chiếm hơn 57% tổng nợ. Vốn chủ sở hữu tính đến hết quý II là 1.559 tỷ đồng.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, theo ước tính, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 6 đạt khoảng 180 nghìn tấn, trị giá 239 triệu USD, tăng 53,7% về lượng và tăng 51% về trị giá so với tháng 5, nhưng so với tháng 6/2022 giảm 4,2% về lượng và giảm 23% về trị giá.
Giá xuất khẩu cao su bình quân ở mức 1.327 USD/tấn, giảm 1,8% so với tháng 5 và giảm 19,6% so với tháng 6/2022.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cao su đạt khoảng 766.000 tấn, trị giá 1,05 tỷ USD, giảm 2,6% về lượng và giảm 22,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Theo đánh giá của Tập đoàn Cao su Việt Nam, mặc dù Trung Quốc đã mở cửa nhưng sức tiêu thụ vẫn chậm. Các sản phẩm cao su đa phần đều phục vụ cho tiêu dùng, chỉ một ít dùng cho sản xuất lốp xe tải.
Với tình hình kinh tế thế giới hiện tại, lạm phát cao, khiến người dân thắt chặt tiêu dùng, dẫn đến nhu cầu về cao su vẫn không thể cao. Sức tiêu thụ còn yếu, nhiều chuyên gia dự báo từ nay đến cuối năm 2023, giá cao su xuất khẩu sẽ khó có thể phục hồi. Tuy nhiên, nhu cầu cao su tự nhiên của thế giới vẫn trong xu hướng tăng và sự chênh lệch cung thấp hơn cầu là cơ hội lớn để Việt Nam gia tăng sản lượng cao su tự nhiên, tăng kim ngạch xuất khẩu.