Mùa BCTC quý I/2023: Giá bán giảm, loạt doanh nghiệp cao su báo lợi nhuận đìu hiu

Trang Mai 13:45 | 24/04/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo thống kê của người viết, tính đến hết 23/4, đã có 8 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cao su công bố BCTC quý I/2023, trong đó phần lớn ghi nhận lợi nhuận giảm so với cùng kỳ 2022. Một trong số doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận lại đến từ việc… trồng chuối.

Cuối tháng 12/2022, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đưa ra dự báo: Thời gian tới, giá cao su tự nhiên có tín hiệu tích cực hơn. Giữa tháng 12/2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ quyết định tăng lãi suất với tốc độ chậm hơn. Đây là thông tin khả quan đối với nền kinh tế toàn cầu và có thể hỗ trợ hoạt động mua đầu cơ trên thị trường cao su.

Tuy nhiên, trái với dự báo, do ảnh hưởng biến động của thị trường thế giới, giá cao su trên thị trường thế giới liên tục giảm trong những tháng đầu năm, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp xuất khẩu. 

 Cao su Đồng Phú và Cao su Thống Nhất là hai doanh nghiệp hiếm hoi báo lãi ròng tăng trưởng trong quý I/2023. Nguồn: Trang Mai tổng hợp từ BCTC doanh nghiệp. 

Là một trong những doanh nghiệp đầu ngành, CTCP Cao su Phước Hòa (mã: PHR) ghi nhận kết quả kinh doanh có phần kém sắc trong quý đầu năm. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I vừa công bố, PHR báo doanh thu thuần 326,3 tỷ đồng, giảm 10,7% so với cùng kỳ. Giá vốn giảm chậm hơn khiến biên lãi gộp bị co lại từ 15,6% xuống 14,2%.

Trong quý, doanh thu tài chính tăng mạnh hơn 38% lên gần 39,5 tỷ đồng trong khi các chi phí không có biến động đáng kể. Sau thuế, PHR thu về lợi nhuận 233,5 tỷ đồng, giảm gần 22% so với quý đầu năm ngoái.

Theo giải trình, phía công ty cho biết nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm trong quý đầu năm đến từ việc nhận tiền đền bù dự án VSIP III thấp hơn 89 tỷ so với cùng kỳ. Cụ thể, trong quý I/2022, PHR nhận về hơn 289 tỷ, trong khi quý này nhận về 200 tỷ. Trong báo cáo phân tích gần đây, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng khoản đền bù từ VSIP III là động lực tăng trưởng của PHR trong những tháng đầu năm. 

Còn tại CTCP Cao su Đắk Lắk (mã: DRG), do ảnh hưởng từ công ty con, doanh nghiệp cũng ghi nhận kết quả kinh doanh đi lùi trong quý I. Cụ thể, doanh nghiệp báo doanh thu đạt gần 226 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu doanh thu cho thấy, bán mủ cao su chiếm tới 86% trên tổng doanh thu đạt 194 tỷ đồng, giảm 10%. Ngoài ra, DRG không có doanh thu từ bán thành phẩm nông nghiệp công nghệ cao và cho thuê đất trồng xen.

Giá vốn giảm chậm hơn doanh thu nên lợi nhuận gộp giảm đến 47%, chỉ đạt 29 tỷ đồng. Theo đó, biên lãi gộp cũng giảm từ 18% xuống còn 13%.

Cũng trong kỳ, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 24% lên 9,8 tỷ đồng. Ngoài ra các chi phí khác không có nhiều biến động, làm lợi nhuận sau thuế co lại, chỉ đạt 8,7 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ.

DRG cho hay, lợi nhuận giảm là do ảnh hưởng từ hoạt động kinh doanh của các công ty con, cụ thể: CTCP Đầu tư Cao su Đắk Lắk (mã: DRI) và Công ty Cao su DakLak-Mondulkiri (tại Campuchia).

Là công ty con của DRG, DRI cũng ghi nhận kết quả kinh doanh giảm tốc trong quý đầu tiên năm 2023 với doanh thu thuần đạt 126,5 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu đến từ doanh thu thành phẩm mủ cao su với hơn 124 tỷ đồng.

Mặc dù doanh thu giảm, nhưng giá vốn lại tăng 4%, lên hơn 92 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp giảm 25%, xuống còn hơn 34 tỷ đồng. Trong kỳ, các chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng lần lượt là 22% và 20%, nên mặc dù chi phí tài chính giảm mạnh đến 74%, xuống còn 2,6 tỷ đồng, nhưng cũng khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp giảm 18% về hơn 23 tỷ đồng.

Kết thúc quý đầu năm, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp ngành cao su này giảm 29% so với cùng kỳ năm 2022, xuống còn 14,7 tỷ đồng. Theo lãnh đạo doanh nghiệp, nguyên nhân của sự sụt giảm này là do trong quý I/2023, giá bán thành phẩm giảm 18,2%.

Lãnh đạo doanh nghiệp đánh giá, bên cạnh những khó khăn như vườn cây cao su nằm trên nước bạn Lào cách trở về địa lý, phong tục tập quán, phát sinh nhiều chi phí như chi phí vận chuyển, chi phí hải quan, chính sách tỷ giá tại nước bạn, giá mủ cao su chưa có dấu hiệu phục hồi, thời tiết và dịch bệnh cây trồng diễn biến bất thường … dự báo tiếp tục là một năm có nhiều rủi ro và thách thức đặt ra đối với Công ty.

Một doanh nghiệp ngành cao su khác là CTCP Cao su Bến Thành (mã: BRC) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh với doanh thu và lợi nhuận “đi lùi” so với cùng kỳ. Theo đó, quý I/2023, BRC ghi nhận doanh thu đạt 68,2 tỷ đồng, giảm 10%, chủ yếu do sụt giảm doanh thu từ bán sản phẩm cao su. Đây là mảng kinh doanh chủ yếu của BRC, chiếm 97% cơ cấu doanh thu của doanh nghiệp.

Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính không đáng kể, chỉ đạt 0,5 tỷ đồng, chủ yếu đến từ khoản lãi chênh lệch tỷ giá tăng 77% so với cùng kỳ. Các chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm lần lượt 4% và 8%. Kết thúc quý đầu năm. Doanh nghiệp báo lợi nhuận sau thuế 5,3 tỷ đồng, giảm 6%.

CTCP Cao su Bà Rịa (mã: BRR) không nằm ngoài bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành với hơn 41 tỷ đồng doanh thu trong quý I, giảm 41% so với cùng kỳ. Trong cơ cấu doanh thu, mảng bán mủ cao su vẫn là nguồn kinh doanh chính của doanh nghiệp. Mảng cung cấp dịch vụ pallet, khách sạn, gia công chỉ chiếm phần nhỏ hơn hơn 1,3 tỷ đồng. 

Điểm sáng đến từ doanh thu tài chính tăng 1,7 lần lên 731 triệu đồng, thế nhưng chi phí tài chính, bán hàng cùng quản lý doanh nghiệp theo đó cũng “leo thang” khiến lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 4,2 tỷ đồng, giảm 2,6 lần so với quý I năm trước.

Giải trình kết quả kinh doanh trong quý, BRR cho biết sản lượng tiêu thụ đạt 1.140 tấn, giảm 28% so với cùng kỳ. Giá bán bình quân cũng giảm 16% đã khiến doanh thu cùng lợi nhuận giảm. 

Trong quý I/2023, doanh thu thuần CTCP Cao su Tây Ninh (mã: TRC) đạt 106 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ. Nhờ giá vốn giảm 16%, xuống 93,06 tỷ đồng dẫn tới lợi nhuận gộp doanh nghiệp tăng 35%, lên 13,30 tỷ đồng.

Kỳ này, doanh thu tài chính của Công ty tăng từ hơn 90,7 triệu đồng lên gần 3 tỷ đồng. Theo đó, chi phí tài chính cũng tăng 39%, lên 4,28 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí bán hàng 3 tháng đầu năm tăng 11%, lên 1,47 tỷ đồng, còn chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 3% xuống 8,02 tỷ đồng.

Kết quả, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm một nửa, xuống 2,6 tỷ đồng.

Tại Hội nghị giao kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2023, Ông Nguyễn Thái Bình, người công bố thông tin của TRC cho biết, giá cao su đang có chiều hướng giảm gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp trong ngành. Theo đó, lợi nhuận quý I của TRC giảm do lợi nhuận sau thuế từ hoạt động bán mủ cao su giảm khi giá bán mủ quý I/2023 thấp hơn so với quý I/2022.

Cụ thể, giá bán mủ bình quân quý I/2023 là 33,3 triệu đồng/tấn, trong khi giá bán mủ bình quân quý I/2022 là 41,5 triệu đồng/tấn. Do đó, giá bán mủ quý I/2023 giảm 8,2 triệu đồng/tấn so với quý I/2022. Lợi nhuận sau thuế từ các hoạt động khác cũng giảm 98% do hoạt động bán cây cao su thanh lý quý I/2023 chưa thực hiện.

"Ngược dòng" thách thức, bức tranh ngành cao su trong quý I cũng xuất hiện một vài điểm sáng. Chẳng hạn, CTCP Cao su Đồng Phú (mã: DPR) báo cáo lợi nhuận sau thuế trong quý I/2023 tăng hơn 10 tỷ đồng. Cụ thể, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu giảm 24 tỷ so với cùng kỳ, về mức 180 tỷ đồng; tuy nhiên giá vốn bán hàng giảm mạnh hơn giúp lợi nhuận gộp tăng lên mức 68,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ 55,7 tỷ. Biên lãi gộp cải thiện với 38,2%.

Quý này, doanh thu tài chính của công ty tăng lên mức 23 tỷ trong khi chi phí hoạt động giảm đáng kể về còn hơn 19 tỷ nên sau trừ các khoản thuế phí, DPR báo lãi quý I/2023 tăng 32% lên gần 62 tỷ đồng.

Là một trong những công ty hiếm hoi ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong quý, CTCP Cao su Thống Nhất (mã: TNC) báo doanh thu hoạt động quý I đạt 45,6 tỷ đồng, tăng 208% so với cùng kỳ năm 2022. Về cơ cấu doanh thu, bán mủ cao su tăng vọt 324% lên 30,6 tỷ đồng; doanh thu gia công mủ cao su tăng 17% lên hơn 1 tỷ đồng. Đáng chú ý, mảng bán chuối tăng mạnh 83,2% lên 12,3 tỷ đồng đã góp phần cải thiện đáng kể doanh thu doanh nghiệp.

Doanh thu hoạt động tài chính tăng nhẹ lên 2,3 tỷ đồng nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 42% lên hơn 2 tỷ đồng. Trừ chi phí, TNC thu về lợi nhuận sau thuế 4,5 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất của doanh nghiệp từ quý III/2022.

Trong giải trình, TNC cho biết do sản lượng tiêu thụ mủ cao su trong kỳ tăng so với quý I/2022, tuy nhiên giá mủ cao su SVR3L của quý I/2023 giảm 19%. Bù lại, doanh thu từ mảng chuối tăng 5,7 tỷ đồng dẫn đến lợi nhuận tăng vọt.

Nhìn chung, tới thời điểm hiện tại, đa phần các công ty ngành cao su đã công bố báo cáo tài chính quý I đều ghi nhận doanh thu và lợi nhuận giảm tốc khi giá bán và sản lượng chậm lại trong bối cảnh ngành trầm lắng.