Liệu “cú sốc” tiêu thụ dầu mỏ năm 2020 có lặp lại trong năm 2021?

17:09 | 20/01/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Năm 2020 chứng kiến “cú sốc” về nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất trong lịch sử, khiến OPEC và OPEC+ phải cắt giảm sản lượng ở mức kỷ lục.
2020 là một năm đặc biệt trên nhiều phương diện. Đây cũng là năm chứng kiến “cú sốc” về nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất trong lịch sử, khiến OPEC và OPEC+, phải cắt giảm sản lượng ở mức kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày, tương đương gần 10% nguồn cung toàn cầu, nhằm cân bằng thị trường trong trung hạn.
 
Điều được giới phân tích năng lượng quan tâm vào lúc này là liệu kịch bản thị trường dầu mỏ năm 2020 có lặp lại trong năm 2021 hay không?
 
 
gia dau
Dự báo năm 2021, nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng ổn định.
 
 
Theo kinhtexaydung.petrotimes.vn, trong báo cáo ngày 14/1/2021, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho biết nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng 6,56% hay 5,9 triệu thùng/ngày lên mức trung bình 95,91 triệu thùng/ngày trong năm nay.
 
Tuy nhiên, nhu cầu dầu toàn cầu vào năm 2020 ước tính giảm 9,75 triệu thùng / ngày, tương đương 9,8% đạt 90 triệu thùng / ngày, theo Báo cáo Thị trường Dầu hằng tháng của OPEC.
 
Báo cáo cho biết, dự báo năm 2021 các hoạt động kinh tế ở châu Âu phục hồi gồm sản xuất công nghiệp, thị trường lao động cải thiện và doanh số bán xe cao hơn năm 2020. Do đó, nhu cầu dầu mỏ được dự đoán sẽ tăng ổn định trong năm nay chủ yếu là nhiên liệu vận tải và công nghiệp. Nhu cầu dầu dự kiến ​​tăng trưởng chủ yếu nhờ Trung Quốc thúc đẩy, tiếp theo là Ấn Độ và các quốc gia châu Á khác.
 
Tuy nhiên, theo dõi TGVN, Tổng Thư ký Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Mohammad Barkindo ngày 3/1/2021 cho biết, ngoài những yếu tố thuận lợi, thị trường dầu thế giới sẽ còn phải đối mặt với nhiều rủi ro bất lợi trong nửa đầu năm 2021, khiến triển vọng của giai đoạn này rất trái chiều.
 
Phát biểu trên được đưa ra chỉ một ngày trước khi OPEC nhóm họp với các nhà sản xuất ngoài khối, bao gồm Nga (còn gọi là nhóm OPEC+) để thảo luận về sản lượng cho tháng 2/2021.
 
Ông Barkindo cho biết, các hạn chế đối với hoạt động xã hội và kinh tế vẫn còn tồn tại ở một số quốc gia, bên cạnh những lo ngại về sự xuất hiện của một biến thể mới nguy hiểm hơn của virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19.
 
Tổng Thư ký OPEC nhận định, nền kinh tế toàn cầu có thể phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2021, nhưng các lĩnh vực như lữ hành, du lịch, giải trí và khách sạn có thể mất nhiều năm để phục hồi về mức trước đại dịch.
 
Ông Barkindo cho rằng, OPEC hiện dự kiến nhu cầu dầu thế giới sẽ do các nước đang phát triển ”dẫn dắt” và tăng lên 95,9 triệu thùng/ngày vào năm 2021, khi nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng 4,4%. Con số trên tương đương mức tăng 5,9 triệu thùng/ngày so với mức của năm 2020, thấp hơn dự báo trước đó hồi tháng 12/2020 của OPEC là 6,25 triệu thùng/ngày.
 
OPEC+ đã buộc phải cắt giảm sản lượng kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày vào năm 2020, khi các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội trên toàn cầu ảnh hưởng đến nhu cầu nhiên liệu.
 
Mức cắt giảm trên sau đã được điều chỉnh xuống còn 7,7 triệu thùng/ngày, rồi 7,2 triệu thùng/ngày sau khi OPEC+ hồi tháng 12/2020 quyết định tăng sản lượng thêm 0,5 triệu thùng/ngày từ tháng 1/2021. Đây là một phần của kế hoạch tăng sản lượng từng bước lên thêm 2 triệu thùng/ngày trong năm nay của OPEC+.
 
Nhưng một số thành viên đã đặt câu hỏi về sự cần thiết của việc nâng sản lượng, viện dẫn những diễn biến đáng lo ngại của đại dịch Covid-19.
 
Giới phân tích nhận định, do các yếu tố cơ bản đang suy yếu, OPEC+ cần thận trọng duy trì sản lượng ổn định. Một số nhà sản xuất lớn nhất của nhóm cũng tỏ ra ưu tiên điều này.
 
Saudi Arabia đã đề xuất một cách tiếp cận cẩn trọng hơn trong các cuộc họp trước đó, trong khi Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Nga lại muốn tăng sản lượng nhanh hơn.
 
Mặc dù việc triển khai vaccine ngừa COVID-19 đã giúp thị trường lạc quan hơn, nhu cầu vẫn chưa đủ để đưa mức tiêu thụ về tương đương trước đại dịch là khoảng 100 triệu thùng/ngày.
 

Giá xăng dầu năm 2021 vẫn còn bấp bênh là nhận định mà thanhnien.online đưa ra. Theo đó, năm 2020, dầu Brent đã lao dốc 22,5%, dầu WTI cũng giảm 21,4% so với năm ngoái. Giá dầu trong năm 2020 đã chạm đáy vào tháng 4 khi nhu cầu nhiên liệu giảm vì dịch Covid-19 và cuộc chiến giá dầu giữa các ông lớn dầu mỏ Ả Rập Xê Út và Nga. Dầu WTI đã rớt mạnh xuống mức thấp kỷ lục - 40,32 USD/thùng, còn dầu Brent giảm xuống 15,98 USD/thùng, mức thấp nhất trong vòng 21 năm qua.

Trong 2 tháng qua, giá dầu bắt đầu tăng nhờ thông tin vắc xin ngừa COVID -19 đã được tiêm tại một số quốc gia. Tuy nhiên, tin tức về việc biến thể mới được tìm thấy tại nhiều nước và gần đây là ở Trung Quốc và Mỹ đã và đang tiếp tục gây sức ép đến các hợp đồng dầu tương lai vào những ngày cuối năm. Các nhà phân tích tiếp tục đưa ra dự báo khá u ám về nhu cầu nhiên liệu trong năm nay. Trên Bloomberg, chuyên gia thị trường cho rằng, nhu cầu và giá dầu năm 2021 còn khá bấp bênh.

Chuyên gia năng lượng HIS Markit dự báo nhu cầu dầu toàn cầu có thể mất thêm 1 năm hoặc lâu hơn để trở lại mức trước đại dịch, vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022. Dự báo này khá trùng hợp với dự báo trước đó của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), rằng nhu cầu dầu năm tới chưa thể trở lại mức như trước khi bùng phát dịch Covid-19. Báo cáo thị trường dầu hàng tháng của IEA đầu năm cho thấy, nhu cầu nhiên liệu bay sẽ tiếp tục thấp, chiếm tối đa 80% (khoảng 3,1 triệu thùng/ngày) so với mức trước đại dịch. Tương tự, OPEC dự báo năm 2021 nhu cầu dầu giảm 410.000 thùng/ngày, xuống mức 95,89 triệu thùng/ngày so với mức dự báo hồi tháng 11 là 96,3 triệu thùng/ngày.

 

Liệu “cú sốc” tiêu thụ dầu mỏ năm 2020 có lặp lại trong năm 2021? - ảnh 1

Chuyên gia năng lượng HIS Markit dự báo nhu cầu dầu toàn cầu có thể mất thêm 1 năm hoặc lâu hơn để trở lại mức trước đại dịch

Nói về thị trường dầu thô năm 2021, Financial Times lưu ý một số yếu tố tác động đến nhu cầu và giá dầu. Thứ nhất, nhu cầu dầu sẽ tăng kỷ lục trong năm 2021 nhưng thấp đáng kể so với trước đại dịch. Đặc biệt, ngành hàng không còn bị nhiều sức ép và tiêu thụ nhiên liệu bay năm nay sẽ giảm 2,5 triệu thùng/ngày so với trước dịch. Bên cạnh đó, nhu cầu dầu vận tải đường biển giảm do sản xuất giảm, ngành vận tải sa sút. Thứ hai là đầu tư vào khai thác dầu lao dốc trầm trọng trong năm qua khiến hoạt động khoan dầu bị chậm lại trên toàn cầu trong năm nay. Thứ ba, Tổ chức các nước sản xuất dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) có thể sẽ họp tăng sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày, như vậy việc quản lý nguồn cung của thị trường vẫn còn phụ thuộc lớn vào OPEC+…

Ở trong nước, năm 2020, giá xăng dầu biến động theo những đợt tăng giảm giá dầu của thế giới. Cụ thể, đối với xăng RON95, năm qua Việt Nam có 12 lần giảm giá, 9 lần tăng giá và 3 lần giữ nguyên. Giá xăng RON95 giảm hơn 22% trong năm, xuống 16.570 đồng/lít. Xăng E5 RON92 trong năm có 11 lần giảm giá, 9 lần tăng và 4 lần giữ nguyên. Mức giảm gần 22% xuống 15.510 đồng/lít.

Theo Bộ Tài chính, thu ngân sách từ dầu thô tính hết ngày 31.12.2020 đạt 34.400 tỉ đồng, bằng 97,7% so dự toán (hụt 800 tỉ đồng), nhưng tăng 1.900 tỉ đồng so với báo cáo Quốc hội.

Chuyên gia phân tích thị trường xăng dầu của doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lớn tại phía Nam cho rằng, giá xăng dầu trong nước theo diễn tiến giá thế giới. Dự báo giá dầu sẽ dao động từ 45 – 55 USD/thùng, có thể tăng lên mức cao nhất 60 USD/thùng. Bởi dữ liệu về cung cầu của thị trường thế giới hiện cho thấy chưa có điểm sáng để tạo sự đột phá về giá.

Làn sóng đóng cửa các mỏ dầu, đặc biệt tại khu vực châu Âu, vẫn tiếp tục tăng trong năm 2021, nên đây sẽ là cơ hội cho các nhà khai thác dầu còn lại “làm giá” trong năm tới. Tuy nhiên, nhu cầu vẫn còn rất yếu, ít nhất là hết 2 quý đầu năm, nên giá dầu khó có biến động, mức cao nhất của thế giới trong 6 tháng tới cũng chỉ khoảng 55 USD/thùng, nếu thế giới không còn bị biến động mạnh mẽ bởi đại dịch Covid-19 nữa”, vị này phân tích. Trước đó, một số dự báo của các tổ chức nghiên cứu xăng dầu cho thấy, giá dầu thế giới năm 2021 sẽ dao động từ 40 – 60 USD/thùng.

Minh Hoa

Xem thêmOPEC+ giữ vững cam kết giúp giá dầu thế giới tăng trong tuần qua