Lo lắng ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt, rủi ro chiến tranh, nhiều nước không muốn mua dầu của Nga
Không tìm được người mua
Theo The New York Times, Mỹ và Liên minh Châu Âu đã phải miễn cưỡng áp đặt lệnh trừng phạt lên xuất khẩu năng lượng của Nga sau khi nước này tấn công Ukraine. Tuy nhiên, có vẻ như một vài doanh nghiệp giao dịch dầu mỏ đã đi đến kết luận rằng lợi ích từ việc mua dầu từ Nga không đáng với những rắc rối có thể gặp phải.
Là nước sản xuất dầu lớn thứ 3 toàn cầu, sau Mỹ và Arab Saudi, Nga đáp ứng khoảng 10% nhu cầu thế giới. Nhưng gần đây, một vài doanh nghiệp giao dịch dầu và các nhà máy lọc dầu tại châu Âu đã giảm đáng kể việc thu mua dầu mỏ từ Nga. Một vài trong số đó đã ngừng hoàn toàn.
Theo chuyên gia, những ngày qua, các nhà xuất khẩu dầu của Nga đã chào bán loại dầu chất lượng nhất ở mức ưu đãi giảm tới 20 USD một thùng. Tuy vậy, số người mua là rất ít.
Người mua, đặc biệt tại châu Âu, đã quyết định chuyển qua mua dầu của Trung Đông. Quyết định này giúp đẩy giá dầu toàn cầu lên mức trên 100 USD lần đầu tiên kể từ năm 2014.
Ông Tom Kloza, người đứng đầu bộ phận phân tích về năng lượng toàn cầu của Oil Price Information Service nói: "Các bên hỗ trợ xuất khẩu dầu như ngân hàng, bảo hiểm, hãng vận tải và cả những doanh nghiệp dầu khí đa quốc gia đều đang thực hiện một lệnh cấm bất thành văn".
Theo ông, cần đến vài tuần để biết xem xuất khẩu dầu của Nga đã giảm đến mức nào và sự giảm này có thể được giữ vững không" nhưng "rõ ràng đóng góp của Nga vào tổng cung toàn cầu đã bị thu hẹp".
Vào ngày 2/3, Tổ chức Năng lượng toàn cầu (IEA) tuyên bố các thành viên của mình, bao gồm Mỹ và hơn chục nước châu Âu đã đồng ý bán ra 60 triệu thùng dầu từ nguồn dự trữ chiến lược.
Mặc dù vậy, thông báo trên không gây ảnh hưởng nhiều tới giá dầu thế giới, nhiều khả năng do số lượng này quá ít, chỉ tương đương với 3 ngày tiêu thụ của Mỹ. Nhà Trắng và Bộ Năng lượng mô tả thỏa thuận của IEA là một "bước đầu tiên", hàm ý lượng dầu bán ra sắp tới có thể sẽ tăng lên.
Đa số dầu của Nga được sử dụng tại châu Âu đều xuất đi tại những cảng ở Biển Đen. Một vài công ty vận tải chở dầu và hàng hóa lo sợ tàu của họ có thể bị bắn trúng. Tắc nghẽn đường vận tải biển đang không chỉ ảnh hưởng tới dầu mà còn cả lương thực, thực phẩm. Vào ngày 25/2, một con tàu chở dầu mỏ và diesel mang cờ Moldova đã bị một tên lửa không xác định bắn trúng.
Nhà phân tích thị trường dầu tại công ty nghiên cứu và tư vấn Rystad Energy, ông Louise Dickson cho hay: "Dầu Urals hàng đầu của Nga là một trong những loại đầu tiên vượt ngưỡng 100 USD/thùng năm nay. Thế nhưng, việc Nga bất ngờ tấn công Ukraine đã khiến dầu Urals trở thành một trong những thứ dầu khó bán nhất".
Khi nhiều nhà chế xuất châu Âu tăng cường mua dầu từ Arab Saudi, các công ty của Nga đang cố gắng bán dầu thô sang Trung Quốc hoặc những quốc gia châu Á khác bằng cách đại hạ giá.
Đa phần trong số khoảng 5 triệu thùng dầu hàng ngày của Nga đều được xuất sang châu Âu. Khoảng 700.000 thùng được tiêu thụ tại Mỹ, tương đương với 4% thị trường.
Vài công ty chế xuất vùng Scandinvian, như Neste Oyj của Phần Lan hay Preem của Thụy Điển thông báo đã ngừng mua dầu của Nga.
Phát ngôn viên của Neste, ông Theodoree Rolfvondenbaumen nói: "Do tình hình hiện tại và những rủi ro thị trường, Neste đã thay thế đa số dầu thô của Nga bằng những loại khác, đơn cử như dầu Biển Bắc".
Ông nói, trong khi theo dõi các lệnh trừng phạt trong tương lại cũng như "những lệnh trừng phạt ngược lại từ phía Nga", công ty đang "chuẩn bị thêm những lựa chọn khác để mua hàng, sản xuất và logistics".
Chuyển hướng sang Trung Quốc?
Nhiều chuyên gia năng lượng cho rằng thị trường dầu quốc tế có thể bị xáo trộn tương tự như sự kiện Kênh đào Suez 1956. Ba nước Anh, Pháp và Israel tấn công Ai Cập ở khu vực gần Kênh đào Suez đã khiến cho tàu chở dầu phải chuyển hướng đi vòng qua châu Phi. Nhiều khả năng trong vài tháng tới, những thùng dầu trước đây được chuyển tới châu Âu có thể sẽ đến Trung Quốc.
Theo ông Michael Lynch, Giám đốc của Viện nghiên cứu chiến lược về Năng lượng và Kinh tế, đơn vị thường tư vấn cho Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC): "Việc thay đổi này có thể mất 6 đến 8 tuần". "Trong 1 đến 2 tuần, mọi thứ có thể lộn xộn", ông nói.
Ông Lynch cho rằng quyết định từ bỏ việc thu mua dầu từ Nga của các công ty châu Âu có thể giúp Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng đến Moscow và thị trường năng lượng.
Ông nói: "Nếu Trung Quốc muốn, họ có thể dùng sức mạnh của túi tiền để hạ thấp vị thế của ông Putin bằng cách từ chối mua hàng. Ngược lại Bắc Kinh cũng có thể giúp ông Putin thoát khỏi khó khăn về tài chính".
Nhiều nước phương Tây đã đặt ra những lệnh trừng phạt khắc nghiệt lên các ngân hàng Nga và đồng minh giàu có của ông Putin. Tuy nhiên, Phương Tây vẫn để ngỏ ngành công nghiệp dầu của Nga nhằm không cản trở thị trường và lạm phát nhiên liệu.
Khi mà chiến sự tại Ukraine ngày một leo thang, hi vọng cho đàm phán hòa bình mờ dần, giá dầu thế giới và Mỹ đều tăng.
Thị trường đã căng thẳng kể cả trước cuộc xung đột, bởi nhu cầu ngày càng tăng do dịch COVID lắng xuống, người tiêu dùng và doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường.