Lỗ luỹ kế 571 tỷ đồng, khách sạn Sheraton Đà Nẵng rời sàn chứng khoán từ 27/10

16:25 | 22/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Quyết định rời sàn chứng khoán của chủ khách sạn Sheraton Đà Nẵng được đưa ra sau chuỗi ngày dài thua lỗ.

Khách sạn Sheraton Grand Danang Resort - 1 trong những khách sạn 5 sao có quy mô lớn nhất thành phố biển miền Trung có Công ty Biệt thự và Khách sạn Biển Đông Phương là chủ sở hữu và trực tiếp vận hành.

Báo cáo tài chính quý III/2020 cho biết, khách sạn Sheraton Đà Nẵng chỉ có doanh thu 8 tỷ đồng trong suốt 3 tháng qua, giảm hơn 90% so với cùng kỳ 2019.

Đây là hậu quả của việc khách sạn phải đóng cửa từ ngày 28/7 đến 8/9 khi dịch COVID-19 bùng phát lần 2 xảy ra tại Đà Nẵng.

Lỗ luỹ kế 571 tỷ đồng, khách sạn Sheraton Đà Nẵng rời sàn chứng khoán từ 27/10 - ảnh 1

Khách sạn Sheraton Đà Nẵng. Ảnh: BDP.

Với doanh thu quá thấp, Sheraton Đà Nẵng lỗ gộp 32 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh nghiệp phải trả chi phí lãi vay lên tới 43 tỷ đồng. Sheraton Đà Nẵng đang vay nợ tổng cộng hơn 1.250 tỷ đồng. Cùng với đó, khách sạn 5 sao này vẫn phải trả 12 tỷ đồng cho hoạt động bán hàng, quản lý doanh nghiệp dù đã tiết giảm hơn 60% chi phí so với quý III/2019.

Trong 3 tháng qua, Sheraton Đà Nẵng lỗ sau thuế 87 tỷ đồng, là kỷ lục thua lỗ lớn nhất trong một quý của khách sạn 5 sao này từ khi hoạt động. Cùng kỳ 2019, mức lỗ của Sheraton Đà Nẵng là 35 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Sheraton Đà Nẵng có doanh thu 63 tỷ đồng, thua lỗ tổng cộng 233 tỷ đồng. Mức lỗ sau 3/4 thời gian của năm 2020 của khách sạn này lớn hơn số lỗ của cả năm 2018, 2019.

Tính đến thời điểm này, sau khi cộng với khoản lỗ các năm trước, lỗ lũy kế của Sheraton Đà Nẵng tại thời điểm 30/9 lên tới 571 tỷ đồng. Với vốn điều lệ 250 tỷ, vốn chủ sở hữu hiện tại của khách sạn này âm 317 tỷ đồng.

Tại thời điểm ngày 30/9, khách sạn 5 sao này còn chưa đến 6 tỷ đồng tiền mặt. Trên bảng cân đối kế toán, nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn gần 200 tỷ đồng.

Quyết định rời sàn chứng khoán của chủ khách sạn Sheraton Đà Nẵng cũng đã được đưa ra sau chuỗi ngày dài thua lỗ.

Công ty Cổ phần Biệt thự và Khách sạn biển Đông Phương được thành lập bởi 3 cổ đông, gồm Vietnam Property Limited; Công ty Đầu tư và Phát triển Tân Tiến; và Công ty Đầu tư Dịch vụ Kim Ngân vào năm 2011. Riêng Vietnam Property Limited chiếm tới 98% cổ phần.

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã thông báo về việc hủy đăng ký giao dịch đối với cổ phiếu CTCP Biệt thự và Khách sạn Biển Đông Phương (UPCoM: BDP). Khối lượng hủy giao dịch là toàn bộ 25 triệu cổ phiếu, tương đương với giá trị theo mệnh giá 250 tỷ đồng.

Ngày hủy đăng ký giao dịch là 27/10 và ngày giao dịch cuối cùng tại UPCoM vào 26/10. Lý do hủy đăng ký là do doanh nghiệp không còn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng.

Trước đó, năm 2019, công ty có doanh thu thuần tăng 48% đạt hơn 382 tỷ đồng. Tuy nhiên do chi phí lãi vay, khấu hao và chi phí hoạt động lớn trong giai đoạn đầu hoạt động, doanh nghiệp ghi nhận lỗ hơn 178 tỷ năm 2018 và lỗ 147 tỷ đồng năm 2019.

Trong nửa đầu năm 2020, công ty lỗ tiếp 146 tỷ đồng và ghi nhận lỗ lũy kế lên đến 484 tỷ đồng.

 Lệ Vỹ (T/h)