Loạt công ty chứng khoán công bố BCTC quý II: Nơi báo lợi nhuận tăng bằng lần, chỗ thấy lãi giảm hơn 90%
Tự doanh kéo lợi nhuận nhiều công ty chứng khoán tăng trưởng
Mới nhất, CTCP Chứng khoán SSI (mã: SSI) đã công bố báo cáo tài chính riêng quý II, ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 1.575 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ.
Các mảng hoạt động chủ đạo như môi giới, cho vay margin đều ghi nhận sụt giảm, dẫn đến doanh thu môi giới và lãi từ các khoản cho vay và phải thu đều giảm 25% xuống còn 336 tỷ và 360 tỷ. Các nguồn thu khác như doanh thu bảo lãnh phát hành, doanh thu hoạt tư vấn cũng ghi nhận kết quả thấp hơn cùng kỳ.
Tuy vậy, tự doanh là điểm sáng của SSI trong quý này. Lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng 63% lên gần 692 tỷ đồng. Lỗ tài sản tài chính FVTPL thì sụt giảm mạnh gần 90% về còn 32,3 tỷ đồng. Theo đó, lãi ròng mảng tự doanh đạt gần 660 tỷ đồng.
Với sự tích cực ở mảng tự doanh, SSI báo lãi trước và sau thuế quý II lần lượt là 656 tỷ đồng và hơn 525 tỷ đồng, tăng 26-27% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu hoạt động đạt 3.013 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế 1.246 tỷ và 1.006 tỷ đồng, cùng giảm 9%.
BCTC hợp nhất của Chứng khoán MB (mã: MBS) quý II ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 401 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước.
Hầu hết các doanh thu như từ nghiệp vụ môi giới, lãi từ các tài sản tài chính FVTPL, lãi bán tài sản tài chính,... đều giảm. Tuy nhiên một số khoản như lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ tới ngày đáo hạn đạt gần 46 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ; cổ tức, tiền lãi phát sinh từ các tài sản chính FVTPL đạt 42 tỷ đồng, tăng 162%...
Chi phí hoạt động kỳ này của MBS cũng giảm đáng kể, chỉ còn 119 tỷ đồng, trong khi năm trước 202 tỷ đồng.
Tính chung trong quý, MBS báo lãi trước thuế 155 tỷ đồng, lãi ròng 123 tỷ đồng, đều tăng 3% so với cùng kỳ. Như vậy, mặc dù doanh thu hoạt động giảm, mảng tự doanh ghi nhận lãi ròng tăng đáng kể cùng với việc tiết giảm chi phí đã giúp lợi nhuận của công ty chứng khoán này vẫn tăng nhẹ so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng, MBS báo tổng doanh thu hoạt động 737 tỷ đồng, giảm 34% so với nửa đầu năm ngoái. Trừ chi phí và thuế, MBS báo lãi ròng 6 tháng đầu năm 2023 đạt 245 tỷ đồng, giảm mạnh 24% từ mức gần 321 tỷ đồng trong nửa đầu năm ngoái.
CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS – mã: ORS) cũng vừa công bố BCTC riêng quý II/2023 với kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ.
Cụ thể, trong quý II, công ty ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 922,3 tỷ, tăng 39,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 49 tỷ đồng, cao hơn nhiều khoản lỗ 129 tỷ đồng của thực hiện quý II/2022.
Bóc tách cơ cấu doanh thu, cổ tức, tiền lãi phát sinh từ tài sản tài chính FVTPL chiếm tỷ trọng cao nhất khi tăng 193% lên 358 tỷ đồng, theo sau đó là doanh thu nghiệp vụ lưu ký chứng khoán với 273,6 tỷ đồng với mức tăng 215% chênh lệch tăng về đánh giá lại các tài sản tài chính FVTPL (cùng kỳ lỗ 15,3 tỷ đồng).
Trong kỳ, chi phí hoạt động của TPS tăng 5% so với quý II/2022 lên 733 tỷ đồng, trong đó lỗ bán các tài sản tài chính FVTPL là 536 tỷ đồng, chi phí nghiệp vụ lưu ký chứng khoán là 125,5 tỷ đồng, chi phí hoạt động tư vấn tài chính là 46 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động của TPS đạt 1.621 tỷ đồng, tăng trưởng đáng kể so với con số 1.473 tỷ đồng của cùng kỳ 2022. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế của công ty đạt 137,4 tỷ đồng và 110 tỷ đồng, tăng lần lượt 16% và 19% so với cùng kỳ.
Năm 2023 TPS đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 2.831 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 230 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa đầu năm, TPS đã hoàn thành 57% kế hoạch doanh thu và 59,7% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.
Chứng khoán BIDV (mã: BSI) cũng ghi nhận một quý khởi sắc khi đã chuyển từ lỗ trong quý II/2022 sang lãi gần 124 tỷ đồng trong kỳ này.
Cụ thể, đơn vị này ghi nhận doanh thu hoạt động 316 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Ở mảng tự doanh, lãi từ các tài sản tài chính FVTPL tăng 81%, đạt 121 tỷ đồng. Lỗ từ tài sản tài chính FVTPL giảm 75% còn gần 30 tỷ đồng. Theo đó, mảng này ghi lãi ròng gần 90 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ tự doanh hơn 52 tỷ đồng.
Lãi từ các khoản cho vay và phải thu cũng tăng 34% lên 107 tỷ đồng. Ngược dòng, doanh thu mảng môi giới giảm 23% còn gần 68 tỷ đồng.
Kết quả, đơn vị báo lãi sau thuế 134 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước lỗ 6 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, BSI ghi nhận doanh thu hoạt động 603 tỷ, tăng nhẹ 2,7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tăng gần 3 lần, lên 276 tỷ đồng.
Công ty Chứng khoán VCBS cũng báo cáo kết quả khởi sắc, doanh thu hoạt động quý II tăng 60% lên 332 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do tăng lợi nhuận từ đánh giá lại danh mục đầu tư so với cùng kỳ. Chi phí tăng chậm hơn giúp lợi nhuận sau thuế của VCBS tăng gấp gần 8 lần cùng kỳ, từ gần 20 tỷ lên con số 132 tỷ đồng.
Tổng cộng 6 tháng đầu năm, VCBS ghi nhận lợi nhuận sau thuế 237 tỷ đồng, tăng trưởng 145% so với thực hiện trong cùng kỳ năm 2022.
Cùng trong xu hướng tăng trưởng, Chứng khoán KIS công bố khoản lãi sau thuế 105 tỷ đồng trong quý II, cùng kỳ năm trước lỗ 38 tỷ đồng. Chi phí hoạt động giảm mạnh, chủ yếu do lỗ tự doanh giảm chỉ còn 1/10 so với quý II/2022 là nguyên chính giúp công ty chứng khoán này báo lãi trở lại.
Lũy kế 6 tháng, Chứng khoán KIS lãi sau thuế 184 tỷ đồng, tăng trưởng 83% so với thực hiện trong cùng kỳ năm trước.
Vẫn còn những mảng màu xám
Chứng khoán Tân Việt (TVSI), Chứng khoán Yuanta Việt Nam là những công ty ghi nhận lợi nhuận quý II "đi lùi" khá mạnh.
Tại BCTC riêng, Chứng khoán Tân Việt (TVSI) ghi nhận doanh thu quý II/2023 chỉ 57 tỷ đồng, giảm 93% so với cùng kỳ.
Các mảng kinh doanh chính đều ghi nhận mức giảm sút như lãi từ các tài sản tài chính FVTPL giảm gần 19 lần, xuống 24 tỷ đồng; lãi từ các khoản cho vay và phải thu giảm 13 lần, xuống 10 tỷ. Đáng chú ý, doanh thu từ nghiệp vụ lưu ký chứng khoán giảm tới hơn 70 lần, xuống 2 tỷ đồng từ mức 141 tỷ đồng trong quý II/2022. Các chi phí hoạt động cũng giảm 17 lần, xuống 33 tỷ đồng.
Kết quả, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế 11 tỷ đồng, giảm hơn 10 lần so với 115 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Luỹ kế 6 tháng, TVSI ghi nhận doanh thu 134 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 24 tỷ đồng, giảm 13 lần và 11 lần so với 6 tháng đầu năm 2022.
Trong giải trình, đơn vị chứng khoán này cho biết kết quả giảm mạnh so với cùng kỳ cũng là do tác động tiêu cực của thị trường tài chính từ cuối năm 2022 đến nay.
Tại Yuanta, doanh thu và lãi sau thuế cũng đều đi lùi so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, doanh thu hoạt động quý II đạt 141 tỷ đồng, giảm 10%. Trong đó, doanh thu từ lãi cho vay và phải thu gần 65 tỷ đồng, doanh thu từ môi giới gần 40 tỷ đồng, cả hai chỉ tiêu này cùng giảm 31% so với cùng kỳ. Ngược lại, lãi từ đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) gần 35 tỷ đồng, tăng gấp 9 lần cùng kỳ. Không ghi nhận lãi từ các tài sản tài chính FVTPL.
Sau thuế, đơn vị ghi nhận lãi 31 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ.
Luỹ kế 6 tháng, Yuanta ghi nhận tổng doanh thu 257 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng, giảm lần lượt 20% và 35% so với cùng kỳ.