Dầu thô tiếp đà giảm trước rủi ro về nhu cầu cuối năm
Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), rủi ro lớn nhất đối với giá dầu hiện tại là các bất ổn trong nhu cầu, đặc biệt là khi rủi ro suy thoái kinh tế vẫn còn rất lớn. Trong cuộc họp của Ủy ban Kỹ thuật OPEC (JTC) ngày hôm qua 31/8, mặc dù nhóm kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ tăng 3,1 triệu thùng/ngày trong năm nay, tuy nhiên nhóm thừa nhận có rất nhiều rủi ro đến từ sức ép về lạm phát và chính sách tiền tệ thắt chặt đang gây sức ép lên chi tiêu cá nhân.
Điều này tạo ra khả năng nhu cầu tiêu thụ sẽ giảm về cuối năm. Theo số liệu mới nhất, hoạt động sản xuất của Trung Quốc sụt giảm tháng thứ 2 liên tiếp, thể hiện qua PMI tháng 8 chỉ đạt mức 49,4, thấp hơn mức "trung tính" ở 50 điểm do tác động của chính sách kiểm soát dịch chặt chẽ.
Theo khảo sát, sản xuất dầu của OPEC trong tháng 8 đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2020, đạt mức 29,6 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu của Mỹ trong tháng 6 cũng đạt mức cao nhất trong vòng 2 năm ở 11,82 triệu thùng/ngày. Lo ngại về nhu cầu suy yếu trong khi nguồn cung đang trong xu hướng tăng là yếu tố gây áp lực lên thị trường trong phiên hôm qua.
Các rủi ro này làm lu mờ số liệu mới nhất từ báo cáo tuần của EIA, cho thấy nhu cầu tiêu thụ dầu và các sản phẩm giảm mạnh trong tuần kết thúc ngày 26/8. Cụ thể, tồn kho dầu thô thương mại giảm 3,3 triệu thùng, trong khi tồn kho xăng cũng giảm 1,17 triệu thùng.
Áp lực giảm bớt cho các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi
So với khoảng 2 tháng trước, giá nông sản trên thế giới có xu hướng hạ nhiệt đã mang lại triển vọng tích cực hơn cho các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước. Theo MXV, trong giai đoạn tháng 9 năm ngoái, các mặt hàng nông sản cũng ghi nhận mức sụt giảm và quay trở lại mức thấp nhất trong năm. Do tính mùa vụ và chu kỳ đặc trưng, nhiều khả năng trong năm nay, đây sẽ tiếp tục là giai đoạn mà các doanh nghiệp nên tận dụng cơ hội nhập khẩu nguyên liệu.
Ghi nhận trong sáng nay, giá ngô nhập khẩu tại Cảng Cái Lân giảm nhẹ 50 đồng/kg so với ngày đầu tuần, dao động trong khoảng 8.200-8.400 đồng/kg và duy trì ở mức tương đối ổn định. Trong khi đó, giá khô đậu tương tăng từ 200-250 đồng/kg so với thứ Hai, giao dịch ở mức 13.550-13.600 đồng/kg tuỳ từng tháng thời hạn trong giai đoạn cuối năm. Tuy nhiên, đây đều mức thấp hơn từ 15 -20% so với vùng đỉnh hồi giữa năm đối với các mặt hàng này.
Đối với sản phẩm đầu ra, giá heo hơi trong sáng nay ghi nhận mức điều chỉnh giảm ở một vài tỉnh thành trên cả nước. Trong khi tại miền Bắc, mức giá không có sự thay đổi đáng kể, dao động trong khoảng 65.000-69.000 đồng/kg, thì khu vực miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam ghi nhận mức giảm khoảng 1.000-3.000 đồng/kg.
Nhìn chung, giá heo nội địa trong thời gian gần đây tương đối ổn định, mặc dù vẫn đang ở mức khá cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt so với giai đoạn trước, các hộ chăn nuôi đã giảm bớt được một phần gánh nặng về chi phí sản xuất.