Lộc Trời (LTG): Đặt mục tiêu kinh doanh thận trọng nhưng vẫn 'mạnh tay' trả cổ tức

Trang Mai 14:24 | 27/03/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dù vẫn đặt kế hoạch kinh doanh đầy trọng trong năm 2023, thế nhưng đây là năm thứ ba CTCP Tập đoàn Lộc Trời (mã: LTG) duy trì kế hoạch lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp dự định chi khoảng 241 tỷ đồng cho việc trả cổ tức cho cổ đông với tỉ lệ 30%. Đây là mức chi trả cổ tức cao nhất từ năm 2017 của công ty.

Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, LTG lên kế hoạch kinh doanh năm 2023 với vỏn vẹn 1 chỉ tiêu tài chính là lợi nhuận sau thuế mục tiêu đạt 400 tỷ đồng, giảm gần 3% so với mức thực hiện năm 2022. Chia sẻ về mức lợi nhuận trên, công ty cho biết sẽ nỗ lực đạt lợi nhuận vượt kế hoạch để tích lũy vào quỹ dự phòng rủi ro cho nông dân và quỹ dự phòng rủi ro cho nhân viên theo định hướng phát triển bền vững.

Đây là năm thứ ba doanh nghiệp này duy trì kế hoạch lợi nhuận ở mức 400 tỷ đồng, kể từ năm 2021 đến nay. Cũng trong 2 năm 2021-2022, LTG đều ghi nhận vượt kế hoạch lợi nhuận đã đề ra.

Về kế hoạch trả cổ tức, LTG dự kiến trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 25% bằng tiền mặt, tương đương số tiền dự chi là hơn 201 tỷ đồng.Năm 2023, LTG dự kiến trình cổ đông mức cổ tức 30%, tương đương số tiền dự chi là hơn 241 tỷ đồng.

Ghi nhận trong những năm gần đây, doanh nghiệp thường phân phối lợi nhuận bằng tiền cho cổ đông với tỷ lệ từ 10-20%, mức dự kiến của năm 2023 là mức cổ tức cao nhất kể từ năm 2017 tới nay của doanh nghiệp. 

 Lịch sử trả cổ tức của LTG. Ảnh: Vietstock

ĐHCĐ của LTG dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 14/4 tới đây tại tỉnh An Giang. 

Về tình hình kinh doanh trong năm 2022 của LTG, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của LTG lần lượt đạt 11.691 tỷ đồng và 412 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu thuần tăng trưởng 14,3% so với năm trước, trong khi lợi nhuận sau thuế giảm 1,45%, một phần do chi phí nguyên vật liệu cho ngành trồng trọt tăng cao. 

 

Kết quả kinh doanh năm 2022 của LTG tăng trưởng tích cực được đóng góp chủ yếu bởi mảng lương thực với doanh thu thuần tăng trưởng 58%.

Ngược lại, mảng thuốc bảo vệ thực vật và hạt giống cây trồng giảm lần lượt là 14% và 25% do LTG mới hết hạn hợp đồng với đối tác lớn là Syngenta (chuyên phân phối sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật), chi phí nguyên vật liệu cho ngành trồng trọt tăng cao khiến các hộ nông dân trì hoãn tái vụ.

Trong báo cáo ngày lúa gạo quý I/2023 mới công bố, công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự phóng doanh thu thuần năm 2023 của LTG đạt 14.907 tỷ đồng, tăng 27,5% so với mức thực hiện năm 2021. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 475 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 15%.

Theo VCBS, LTG đang đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang thị trường châu Âu, bắt đầu từ thị trường Pháp. Khối lượng đơn đặt xuất khẩu vào EU đạt trên 400.000 tấn trong tháng 10/2022. Doanh thu xuất khẩu gạo vào EU của LTG tăng hơn 200% và đã ký kết hợp đồng xuất khẩu tới quý III/2023.

 Ảnh: VCBS

VCBS cho rằng LTG sẽ tăng công suất thông qua sáp nhập Công ty Cổ phần Lương thực Lộc Nhân. Theo đó, Công ty Lộc Nhân hiện đang sở hữu 3 nhà máy sản xuất với công suất sấy hơn 12.000 tấn lúa/ngày, xay xát lúa và xuất 6.000 tấn gạo/ngày (2 triệu tấn gạo/năm), doanh thu năm 2022 ước tính của công ty con này đạt gần 8.000 tỷ đồng.

VCBS cho rằng mảng lương thực sẽ là động lực tăng trưởng chính cho LTG trong năm nay, bù đắp cho sự sụt giảm của mảng thuốc bảo vệ thực vật. Nếu LTG đạt được kết quả kinh doanh như VCBS dự phóng, doanh nghiệp sẽ tiếp tục vượt kế hoạch lợi nhuận đề ra sau 3 năm duy trì mục tiêu lãi sau thuế 400 tỷ đồng.