Giá gạo tăng kỷ lục, vì sao Lộc Trời vẫn lỗ hơn 300 tỷ?

Trang Mai 13:17 | 31/10/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dù sản lượng gạo đạt mức cao nhất từ trước đến nay, thế nhưng gánh nặng chi phí lãi vay đã khiến Lộc Trời (mã: LTG) lỗ nặng hơn 327 tỷ trong quý III/2023.

Từ đầu năm đến nay, giá gạo xuất khẩu  bình quân luôn ở mức cao, đạt 553 USD/tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí, có thời điểm giá gạo Việt Nam xuất khẩu lên đến gần 650 USD/tấn. Đáng chú ý là mặc dù giá trị xuất khẩu qua 9 tháng đạt 3,66 tỷ USD, tuy nhiên khối lượng gạo xuất khẩu mới chỉ đạt 6,6 triệu tấn. Trong khi vào năm 2011 để đạt được kim ngạch xuất khẩu 3,65 tỷ USD phải cần 7,1 triệu tấn gạo.

Số liệu sơ bộ của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 10 tháng năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 7,1 triệu tấn gạo, tương ứng gần 4 tỷ USD, tăng 17% về lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Chỉ sau 10 tháng năm nay, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt mức cao nhất kể từ ít nhất năm 2009. 

 

Tuy nhiên, giá gạo tăng không đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sẽ hưởng lợi. Điển hình như tại tập  Lộc Trời,  dù có doanh thu thuần quý III hơn 4.461 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ. Nhưng giá vốn tăng mạnh hơn, kéo lãi gộp giảm 69% còn 152 tỷ đồng, biên lãi gộp giảm mạnh từ mức 18% cùng kỳ về 3%.

Đáng kể tới nhất là chi phí tài chính với hơn 268 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ, phần lớn do chi phí lãi vay và khoản lỗ do tỷ giá hối đoái.

Kết quả, Lộc Trời lỗ ròng 327 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 64 tỷ đồng. Đây là khoản lỗ kỷ lục mà doanh nghiệp này từng ghi nhận trong một quý. Đáng nói, quý 2 liền trước, công ty còn báo lãi 426 tỷ đồng - mức cao nhất lịch sử hoạt động.

 

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, LTG đạt doanh thu thuần hơn 10.440 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Đóng góp nhiều nhất là doanh thu mảng lương thực - lúa, gạo với gần 7.900 tỷ đồng, tăng 57%; tiếp theo là doanh thu mảng bảo vệ thực vật đạt 1.755 tỷ đồng, giảm 41%...

Do ảnh hưởng từ kết quả quý III, Công ty chỉ đạt 19 tỷ đồng lãi ròng, giảm 91% so với cùng kỳ và thực hiện được 5% kế hoạch lợi nhuận năm.

Trao đổi với phóng viên bên lề tọa đàm "Tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam” ngày 29/8 tại Hà Nội, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho biết: “Ví dụ như khi doanh nghiệp ký hợp đồng vào tháng 5, tháng 6 và giao vào tháng 8 với giá 500 USD/tấn thì giá bây giờ đã lên tới 700 USD/tấn, tức một tấn gạo xuất khẩu thì doanh nghiệp lỗ 200 USD, tương đương lỗ hơn 4,8 triệu đồng. Nếu xuất chục nghìn tấn thì con số lỗ sẽ càng tăng hơn nữa, lên tới hàng chục tỷ”. 

Theo đó, đại diện doanh nghiệp cho biết lợi nhuận sẽ không thể tăng lên trong bối cảnh giá gạo đầu vào cao như hiện nay. Bởi rất ít doanh nghiệp có vùng nguyên liệu, chủ yếu mua từ nông dân, mua cao bán cao với hoàn cảnh bình thường thì sẽ lãi chênh lệch 1-2%, tuy nhiên trong thời điểm hiện tại thì hầu hết là lỗ nặng. "Đáng nói là nó (giá gạo - PV) lên một cách đồng loạt chứ không lên rồi xuống như trước. Với mức giá này, nông dân sẽ có lợi, còn doanh nghiệp thì rất khó”, ông Thuận khẳng định. 

Về tình hình tài chính, tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản của Lộc Trời đạt hơn 12.181 tỷ đồng, tăng 40% so với đầu năm. Biến động từ khoản đầu tư vào công ty liên doanh liên kết hơn 515 tỷ đồng (đầu năm không ghi nhận); phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng mạnh lên gần 5.100 tỷ đồng, gấp 2,2 lần đầu năm.

Tương tự, hàng tồn kho đạt hơn 2.825 tỷ đồng, tăng 34%, phần lớn là thành phẩm. Công ty đang có 928 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, tăng 16%. Trong 9 tháng, khoản tiền gửi đã mang về gần 25 tỷ tiền lãi. 

Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả là 9.111 tỷ đồng, tăng 63% so với đầu năm, chủ yếu là vay từ các ngân hàng chiếm hơn 7.400 tỷ đồng. Các bên cho vay lớn nhất như Vietcombank - CN Kỳ Đồng gần 720 tỷ đồng, TPBank - CN An Giang khoảng 693 tỷ đồng, Ngân hàng Malayan Banking Berhad - CN TPHCM hơn 598 tỷ đồng... Chi phí lãi vay phải trả trong 9 tháng đầu năm là 438 tỷ đồng.