Lộc Trời (LTG): Lãi quý IV/2022 vượt ba quý đầu cộng lại
Lộc Trời đạt kỷ lục doanh thu trong năm 2022
Cụ thể, trong quý IV/2022, Lộc Trời ghi nhận doanh thu thuần hơn 3.062 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ. Dù vậy, giá vốn hàng bán giảm giúp lợi nhuận gộp tăng lên 733 tỷ đồng. Biên lãi gộp cải thiện từ 21% cùng kỳ năm 2021 lên 24%.
Đáng chú ý, trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính gấp 11 lần cùng kỳ, lên tới gần 165 tỷ đồng, chủ yếu đến từ lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái. Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính tăng gấp đôi cùng kỳ lên gần 225 tỷ đồng, chủ yếu do sự tăng mạnh của chi phí lãi vay với 64 tỷ. Trong khi đó, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp đồng loạt giảm 8% và 29%, còn hơn 287 tỷ đồng và 107 tỷ đồng hỗ trợ hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Sau khi trừ chi phí, Lộc Trời lãi ròng gần 210 tỷ đồng, tăng 33% so với quý IV/2021.
Lũy kế cả năm, doanh nghiệp gạo ghi nhận tổng doanh thu 11.893 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2021. Đây cũng là mức doanh thu cao nhất lịch sử hoạt động của công ty.
Xét về cơ cấu doanh thu cả năm, kinh doanh lương thực và thuốc bảo vệ thực vật vẫn là 2 nguồn thu chính, đem về cho doanh nghiệp lần lượt 6.431 tỷ đồng và 4.393 tỷ đồng, chiếm 91% tổng doanh thu. Sau đó là kinh doanh hạt giống cây trồng với 664 tỷ, bao bì 150 tỷ và doanh thu khác 258 tỷ. Trừ 202 tỷ đồng chiết khấu, hàng bị trả lại và giảm giá, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần 11.690 tỷ đồng.
Cả năm 2022, Lộc Trời lãi trước thuế đạt 558 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2021, lãi ròng giảm nhẹ xuống 412 tỷ đồng. Đáng chú ý, lãi ròng quý IV/2022 của công ty chiếm tới hơn 50% tổng lãi ròng cả năm, tức là vượt cả lãi ròng ba quý đầu cộng lại.
Kết thúc năm, doanh nghiệp đã vượt 3% kế hoạch lợi nhuận đặt ra cho cả năm. Trước đó, tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, lãnh đạo Tập đoàn Lộc Trời đã trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mục tiêu lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng, giảm 4,4% so với thực hiện năm 2021.
Lý giải việc điều chỉnh giảm, lãnh đạo Lộc Trời cho biết, đây không phải là kế hoạch kinh doanh đi lùi, mà là kế hoạch cam kết tối thiểu với cổ đông và Công ty luôn nỗ lực vượt kế hoạch. Khi lợi nhuận thực hiện được cao hơn 400 tỷ đồng, Công ty sẽ trích quỹ dự phòng rủi ro cho nông dân và quỹ dự phòng cho nhân viên, khi nào quỹ này được trích đủ (360 tỷ đồng), thì lợi nhuận sẽ được tăng thêm. Hai quỹ này thuộc tài sản của Công ty.
Những năm qua, mảng lương thực của Tập đoàn Lộc Trời cũng từng bước được thay đổi theo hướng giảm dần tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm gạo bình dân để tập trung vào các thị trường có tiêu chuẩn cao như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Điều này được kỳ vọng sẽ từng bước cải thiện biên lợi nhuận cho mảng kinh doanh lương thực của Lộc Trời.
Dù có một năm doanh thu kỷ lục nhưng theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền thuần kinh doanh Lộc Trời năm 2022 chuyển âm 172 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước dương 42 tỷ đồng. Nguyên nhân đến từ tài sản đọng đáng kể trong các khoản phải thu (biến động các khoản phải thu tăng 1.485 tỷ đồng so với đầu năm). Ngoài ra là tiền lãi vay đã trả tăng tới 65% lên 211 tỷ đồng và tiền thuế thu nhập 113 tỷ đồng.
Tương tự, dòng tiền đầu tư âm 722 tỷ đồng từ mức chỉ âm 367 tỷ đồng ở thời điểm đầu kỳ do tăng các khoản tiền chi mua tài sản cố định và tài sản cố định, cùng với tiền cho vay, gửi ngân hàng có kỳ hạn. Dòng tiền tài chính âm 106 tỷ đồng trong khi cùng kỳ dương 1.356 tỷ đồng do doanh nghiệp trích hơn 8.477 tỷ đồng trả nợ gốc vay, trả nợ gốc thuê tài chính và chi trả cổ tức. Kết quả đến cuối năm 2022, dòng tiền chung của Lộc Trời âm hơn 1.000 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân khiến lượng tiền và tương đương tiền của doanh nghiệp tính đến 31/12/2022 chỉ còn gần 800 tỷ đồng từ mức gần 1.800 tỷ đồng vào đầu năm.
Vay ngân hàng chiếm 66% tổng nợ phải trả
Về tình hình tài chính, tính tới ngày 31/12/2022, tổng tài sản của LTG tăng 12% so với đầu năm, lên 8.728 tỷ đồng. Trong đó, như đã đề cập trên đây, tiền và các khoản tương đương tiền giảm 56%, còn gần 800 tỷ đồng, đầu tư tài chính nắm giữ đến ngày đáo hạn 131 tỷ đồng (tiền gửi có kỳ hạn gốc từ trên 3 tháng đến 12 tháng).
Các khoản phải thu ngắn hạn còn 3.108 tỷ đồng, tăng 93% do sự tăng mạnh phải thu ngắn hạn của khách hàng. Hàng tồn kho còn 2.109 tỷ đồng, giảm 11% do hàng mua đi đường giảm tới 15 lần.
Ngoài ra, Lộc Trời còn 254 tỷ đồng xây dựng các tài sản dài hạn như: Nhà máy chế biến gạo (155 tỷ đồng), chuyển đổi số qua dự án phần mềm quản trị doanh nghiệp (62 tỷ đồng),...
Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả cuối năm 2022 tăng 16%, lên hơn 5.575 tỷ đồng. Đáng chủ yếu từ khoản phải trả ngắn hạn khác tăng vọt 13,6 lần từ gần 62 tỷ đồng lên 838 tỷ đồng, đến từ khoản phát sinh chiết khấu hối phiếu UPAS LC 759 tỷ đồng.
Vay và nợ thuê tài chính cả ngắn hạn và dài hạn ghi nhận 3.846 tỷ đồng. Cơ cấu nợ vay 15 ngân hàng thương mại chiếm tới 3.697 tỷ đồng, chỉ 150 tỷ đồng là nợ thuê tài chính.
Tính đến hết năm 2022, vốn chủ sở hữu ghi nhận 3.153 tỷ đồng, tăng 4% từ đầu năm.
Trong báo cáo ngành nông nghiệp VNDirect công bố cuối tháng 11/2022, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo. Giá gạo Ấn Độ có vị thế cạnh tranh yếu hơn do chịu mức thuế cao hơn sẽ thúc đẩy người mua chuyển hướng sang gạo của Thái Lan và Việt Nam.
Do vậy, các chuyên gia VNDirect kỳ vọng các nhà sản xuất gạo và đường sẽ có biên lợi nhuận gộp cao hơn trong 2023 nhờ giá bán tăng. Tuy nhiên, VNDirect cũng lưu ý những tác động từ tỉ giá tăng đối với các doanh nghiệp ngành nông nghiệp.
Theo quan điểm của VNDirect, tỉ giá tăng sẽ có những tác động trái chiều đối với các nhà sản xuất. Doanh nghiệp xuất khẩu gạo và thủy sản có thể hưởng lợi từ giá xuất khẩu cao hơn. Trong khi đó, các nhà sản xuất dầu ăn, thịt, sữa và đường sẽ phải chịu ảnh hưởng tiêu cực