Lợi nhuận quý III của đại gia ngành bia tiếp tục lao dốc
Tổng công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE: SAB) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2021.
Theo đó, trong quý III/2021, Sabeco ghi nhận doanh thu đạt 4.282,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 471,9 tỷ đồng, lần lượt bằng 53,2% và 32,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp được cải thiện từ 69,3% lên 73,3% so với cùng kỳ.
Về hoạt động tài chính, chi phí giảm mạnh 89%, ghi nhận 2,7 tỷ đồng trong khi doanh thu chỉ giảm 7%, giúp Sabeco đạt hơn 220 tỷ đồng lợi nhuận tài chính trong kỳ, tăng nhẹ so với cùng kỳ.
Hoạt động kinh doanh của các công ty liên doanh, liên kết cho thấy kém hiệu quả hơn so với quý III/2020 khi phần lãi từ các đơn vị này giảm đến 95%, đạt 3,6 tỷ đồng.
Không chỉ giảm chi phí tài chính, Sabeco còn đẩy mạnh tiết giảm chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, lần lượt thấp hơn cùng kỳ 19% và 24%, đạt tổng giá trị hơn 767 tỷ đồng.
Sabeco báo lãi sau thuế quý III chỉ bằng khoảng 1/3 mức thực hiện cùng kỳ, đạt gần 472 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Sabeco lần lượt đạt 17.369 tỷ đồng và 2.529 tỷ đồng, tương ứng giảm 14% và giảm 26% so với cùng kỳ năm 2020.
Sabeco giải thích về nguyên nhân sụt giảm là do sự bùng phát của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư cùng với các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội được áp dụng ở Việt Nam cũng như lệnh giới nghiêm tại TP. HCM và các tỉnh phía nam đã ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này.
Quy mô tài sản của Sabeco tại thời điểm cuối quý III đạt hơn 28.427 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó tiền và tương đương tiền tăng gần 21% lên mức 3.293 tỷ đồng, đầu tư tài chính ngắn hạn tăng gần 6% lên mức 15.359 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả giảm 299 tỷ đồng, ghi nhận giá trị hơn 5.860 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý III. Trong đó tổng nợ vay dài hạn và ngắn hạn giảm mạnh 22% so với đầu năm còn hơn 759 tỷ đồng.
Năm 2021, Sabeco kỳ vọng doanh thu đạt 33.491 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 5.289 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 7% so với thực hiện năm trước. Như vậy, sau 9 tháng, doanh nghiệp đã hoàn thành gần 52% kế hoạch về doanh thu và 48% kế hoạch về lợi nhuận.
Về cơ cấu cổ đông, hiện sở hữu nước ngoài đang chiếm 62,77% cổ phần tại Sabeco, sở hữu nhà nước là 36%, còn lại là sở hữu khác.
Cuối năm 2017, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Vietnam Beverage đã mua hơn 343,6 triệu cổ phiếu SAB của Sabeco (tương ứng 53,59% vốn) với mức giá 320.000 đồng/cổ phiếu, bằng với mức giá khởi điểm từ cổ đông nhà nước. Vietnam Beverage được thành lập để đóng vai trò là công ty nội địa trung gian giúp Thai Beverage (ThaiBev) trong thương vụ thâu tóm Sabeco.
Thông qua công ty con Vietnam Beverage, ThaiBev đã thâu tóm Sabeco với giá trị lên đến 4,8 tỷ USD. Đây được coi là thương vụ M&A kỷ lục được thực hiện trong 10 năm qua, thậm chí còn lớn nhất từ trước đến nay của ngành bia châu Á khi đứng trên cả thương vụ 4 tỷ USD hồi Heineken thâu tóm ABP - công ty sở hữu nhãn bia Tiger vào năm 2012. Ngoài ra, thương vụ này chiếm gần 50% tổng giá trị M&A năm 2017 và bằng 86,2% tổng giá trị của tất cả các thương vụ M&A tại Việt Nam.
Vào tháng 8 năm ngoái Bộ Công Thương đã bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại Sabeco về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).
Cổ đông Nhà nước hiện sở hữu 36% vốn tại Sabeco, tương đương 230,8 triệu cổ phiếu. Giá trị vốn đầu tư Nhà nước tại Sabeco lúc chuyển giao về SCIC là gần 2.309 tỷ đồng.
Sau chuyển giao về SCIC, 36% vốn nhà nước tại Sabeco được thoái hết về 0% theo Quyết định 908 của Thủ tướng Chính phủ.
Được biết, ngành nghề kinh doanh chính của Sabeco là sản xuất đồ uống, sản xuất chế biến thực phẩm, mua bán các loại bia, cồn - rượu, nước giải khát và lương thực thực phẩm; vật tư nguyên liệu, thiết bị phụ tùng có liên quan đến ngành sản xuất bia, rượu, nước giải khát, các loại hương liệu, nước cốt để sản xuất bia, rượu, nước giải khát, lương thực, thực phẩm.
Sabeco còn thực hiện đào tạo nghề, nghiên cứu thị trường, tư vấn đầu tư, quảng cáo thương mại, kinh doanh nhà hàng, khách sạn, kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, quốc tế, bất động sản, xây dựng dân dụng, công nghiệp, lắp đặt, sửa chữa, chế tạo, bảo dưỡng máy móc thiết bị ngành sản xuất bia - rượu - nước giải khát và công nghiệp thực phẩm, dịch vụ môi giới, định giá, sàn giao dịch, tư vấn, đấu giá, quảng cáo, bất động sản.