Lợi thế cho doanh nghiệp phim Việt sau khi Netflix bị siết chặt thuế ở Việt Nam

16:54 | 24/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Netflix bị các doanh nghiệp truyền hình trả tiền ở khu vực Đông Nam Á kiện vì cạnh tranh không lành mạnh do không đóng thuế và thiếu hợp tác trong việc kiểm duyệt nội dung phù hợp.

Khó khăn với Netflix khi bị "siết" thuế


Netflix do Marc Randolph và Reed Hastings sáng lập vào tháng 8/1997 tại California (Mỹ). Ban đầu, Netflix là một dịch vụ cho thuê phim. Người dùng đặt phim trên trang web của Netflix và nhận đĩa DVD theo đường bưu điện.

Tuy nhiên, hiện nay, Netflix đã phát triển trở thành một trong những nền tảng giải trí trên mạng Internet hàng đầu thế giới. Trong báo cáo thu nhập mới nhất, thu nhập ròng của Netflix trong quý III/2020 là 790 triệu USD với doanh thu 6,4 tỷ USD, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Lợi thế cho doanh nghiệp Việt sau khi Netflix bị siết thuế
Netflix đã phát triển trở thành một trong những nền tảng giải trí trên mạng Internet hàng đầu thế giới

Trong giai đoạn từ tháng 1-9/2020, Netflix đã có thêm 28,1 triệu thành viên trả phí, vượt con số 27,8 triệu vào năm 2019. Tổng cộng, Netflix đang có hơn 195 triệu người đăng ký thuê bao truyền hình trả phí trên toàn cầu.

Kết thúc quý III/2020, Netflix báo cáo doanh thu đạt 6,44 tỷ USD, vượt kỳ vọng mà các hãng phân tích lớn đưa ra.

Đối với các ứng dụng xem video xuyên biên giới như Netflix, dòng phim mới và liên tục là một trong những yếu tố chính để giữ những người trả tiền ở lại với họ. Trong đại dịch, Netflix vẫn chủ động ra được phim và thu hút người xem, từ đó có thêm kinh phí đầu tư nội dung mới để tiếp tục bỏ xa các đối thủ.

Với doanh thu khủng nhưng công ty này thường trả rất ít thuế ở những quốc gia không đặt trụ sở đại diện. Đây là một thách thức lớn đối với nhiều quốc gia.

Tuy nhiên, theo Công ty nghiên cứu thị trường eMarketer, việc số lượng người sử dụng đăng ký trả phí của Netflix trong quý III/2020 giảm còn 2,2 triệu người, so với con số kỳ vọng ban đầu là 2,5 triệu người đang được giới quan sát quan tâm.

Một trong các nguyên nhân là danh sách những bộ phim bị hủy vì bị cáo buộc có nội dung xuyên tạc, nguy hiểm đối với trẻ em vị thành niên.

Các hãng phân tích lưu ý rằng, trong quý III/2020, cộng đồng người dùng trả phí ở châu Á - Thái Bình Dương (hơn 1 triệu người) đang đóng góp rất lớn cho Netflix và đây cũng là khu vực mà chính phủ các nước kiểm soát rất chặt chẽ nội dung phim.

Bên cạnh đó, ứng dụng này còn bị các doanh nghiệp truyền hình trả tiền ở khu vực Đông Nam Á kiện vì cạnh tranh không lành mạnh do không đóng thuế và thiếu hợp tác trong việc kiểm duyệt nội dung phù hợp.
 
Lợi thế cho doanh nghiệp Việt sau khi Netflix bị siết thuế
Khách hàng sử dụng dịch vụ của Netflix đang có xu hướng giảm. Ảnh: Báo Đầu tư

Theo Tạp chí Doanh nghiệp, ngày 11/11, đại diện Netflix phát đi thông cáo cho biết, Chính phủ Việt Nam có toàn quyền quyết định về chính sách thuế và nền tảng truyền hình trả tiền này luôn tuân thủ các luật pháp hiện hành có thể áp dụng.

"Chúng tôi ủng hộ việc triển khai những cơ chế cần thiết để các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài, như Netflix, có thể hoàn thành nghĩa vụ thuế tại Việt Nam nhưng cơ chế như thế vẫn chưa có. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan thẩm quyền thuế để xây dựng cơ chế như vậy", đại diện hãng cho biết.

Cơ quan thuế cũng đang sử dụng biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để thống kê doanh thu Netflix phát sinh từ khi cung cấp dịch vụ tại Việt Nam năm 2016 nhằm truy thu thuế.

Theo ông Cường, Luật An ninh mạng đã có hiệu lực nên các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh có thu nhập tại Việt Nam từ hoạt động trên mạng phải lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam. Đồng thời, họ phải có nghĩa vụ chuyển cho cơ quan thuế những dữ liệu này để quản lý thuế.

Trong khi đó, đại diện Netflix cho biết chưa có kế hoạch mở văn phòng đại diện tại Việt Nam nhưng đã gặp mặt cơ quan thuế để thảo luận những thay đổi sắp tới nhằm hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Liên quan thông tin vi phạm về nội dung, Netflix cho biết "trong một số trường hợp rất ít" trên toàn cầu, hãng sẽ gỡ nội dung, hoặc các tập phim được chiếu tại một số quốc gia cụ thể khi nhận được văn bản chính thức từ chính phủ, bao gồm cả Việt Nam. "Chúng tôi không thay đổi chính sách này kể từ khi ra mắt tại Việt Nam và sẽ tiếp tục thực hiện như vậy trong tương lai", đại diện Netflix phản hồi.

Lợi thế cho doanh nghiệp phim Việt


Báo Đầu tư đưa tin, ở Việt Nam, sau nhiều lần cảnh cáo, các động thái gần đây của Chính phủ cho thấy quyết tâm quản lý chặt thị trường kinh doanh nội dung số.

Theo đó, Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định ngân hàng thương mại có trách nhiệm phải cung cấp tài khoản thanh toán của người nộp thuế cho cơ quan thuế. Nghị định này cũng quy định, ngân hàng phải khấu trừ thuế với các thu nhập nhận được từ Facebook, Google… nếu các cá nhân này không nộp.
 
Lợi thế cho doanh nghiệp Việt sau khi Netflix bị siết thuếCơ quan thuế cũng đang sử dụng biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để thống kê doanh thu Netflix

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, Luật Quản lý thuế quy định, trách nhiệm của ngân hàng thương mại phải cung cấp thông tin dữ liệu tài khoản của người nộp thuế cho cơ quan thuế. Thực hiện quy định này, cơ quan thuế sẽ yêu cầu cung cấp tài khoản đối với từng vụ việc, đối tượng cụ thể.

Cũng theo ông Minh, trường hợp các tổ chức cung cấp nền tảng dịch vụ xuyên biên giới không đăng ký thuế trực tiếp tại Việt Nam, thì căn cứ vào các khoản thanh toán từ Việt Nam ra nước ngoài, các tổ chức tín dụng sẽ khấu trừ thuế. Tổng cục Thuế sẽ có hướng dẫn cụ thể đối tượng và trường hợp nào thì các ngân hàng thương mại sẽ thực hiện khấu trừ.

Thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ mời các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới ở nước ngoài sang làm việc để họ có thể ủy quyền cho các bên tư vấn ở Việt Nam kê khai thay hoặc trực tiếp thực hiện nghĩa vụ thuế của mình. Như Netflix thì phải nộp 5% thuế giá trị gia tăng và 5% thuế thu nhập doanh nghiệp.

Về mặt nội dung, lợi thế lớn nhất của Netflix cũng đang được các doanh nghiệp nội địa tìm cách hóa giải. Thị trường ứng dụng xem phim Việt Nam hiện chia làm 2 nhóm chính là nhóm dịch vụ truyền hình Internet và nhóm phim.

Nhóm dịch vụ truyền hình gồm VTVcab ON, Clip TV, FPT Play, VieON… Trong nhóm phim, có Galaxy Play (trước đây là Film+) với lối chơi riêng để đấu với Netflix trên sân nhà.

Galaxy Play, đối thủ trực tiếp của Netflix, tận dụng được lợi thế sản xuất của Hãng phim Thiên Ngân, đã tạo ra được các sản phẩm độc quyền công chiếu trên Galaxy Play.

Trong khi đó, với nhóm dịch vụ truyền hình, ông Phan Thanh Giản, Giám đốc Điều hành Clip TV cho biết, nhóm này không chỉ tập trung vào khách hàng ở các thành phố lớn như Netflix, mà còn mở rộng trên khắp các tỉnh, nhờ vào yếu tố truyền hình với các bữa ăn chính không thể thiếu như thời sự, tin tức, thể thao trong nước.

Về nội dung, ông Giản cho biết, nhóm truyền hình Internet gần đây đã bắt đầu tham gia sản xuất các dòng phim truyền hình riêng để phục vụ khán giả. “Không phải khách hàng nào cũng thích xem truyền hình ngoại quốc, nên các sản phẩm địa phương vẫn được ưa chuộng”, ông Giản nói.
 
Lợi thế cho doanh nghiệp Việt sau khi Netflix bị siết thuế
Galaxy Play đang là đối thủ trực tiếp của Netflix

Bên cạnh đó, theo ông Giản, mô hình sản xuất phim truyền hình mới cũng quyết định sự thành bại. Do phim là ngành rủi ro rất cao, nên việc đầu tư phim hiện nay dựa nhiều vào dữ liệu, sở thích của khán giả, tức là sẽ có những bộ phim bị ngừng trước thời hạn nếu đánh giá về thị trường không tốt. Thứ đến là công nghệ sản xuất phim cũng được lựa chọn để phù hợp với kinh phí đầu tư.

Ông Giản cho biết, mô hình ứng dụng xem phim trực tuyến phụ thuộc rất lớn vào người đăng ký trả tiền, nên cần có thời gian để hoàn vốn. Ngay cả Netflix cũng cần hơn 7 năm để hòa vốn thì khó kỳ vọng các ứng dụng ở Việt Nam rút ngắn được thời gian.

Nhìn chung, động thái quyết tâm đưa thị trường xem phim trên nền tảng Internet công bằng hơn là quyết định đúng đắn của Chính phủ Việt Nam, nhưng để tồn tại, các doanh nghiệp nội địa phải đầu tư nghiêm túc cho nội dung - yếu tố sống còn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
 
Hải Yến