Luật chơi thay đổi, doanh nghiệp dệt may Việt trước những thách thức 'chưa bao giờ có' (Bài 1)

Diên Vỹ 15:32 | 18/04/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
“Các doanh nghiệp buộc phải thay đổi để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, vào “luật chơi” của toàn cầu”, đó là lời khẳng định của ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TP HCM trong bối cảnh ngành dệt may Việt Nam đối mặt với những thách thức to lớn, “chưa bao giờ có trong suốt mấy chục năm qua”.

 

Thị trường khó, đa số doanh nghiệp dệt may “cài số lùi” lợi nhuận năm nay

 

Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023 vừa công bố, Tổng CTCP May Việt Tiến (mã: VGG) đã trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh 2023 với mục tiêu tổng doanh thu đạt 8.030 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2022 và lãi trước thuế 200 tỷ đồng, giảm 9%.

Lý giải về mục tiêu kinh doanh giảm so với năm ngoái, HĐQT May Việt Tiến cho rằng năm 2023 còn nhiều khó khăn khi nhu cầu thế giới chưa có tín hiệu phục hồi trong bối cảnh kinh tế vĩ mô thế giới vẫn ở trạng thái bất định. Theo đánh giá của May Việt Tiến, nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu chính đều giảm hoặc tăng không đáng kể.

Không riêng May Việt Tiến, nhiều doanh nghiệp dệt may hàng đầu cũng đã đưa ra những kế hoạch kinh doanh thận trọng cho năm nay trong bối cảnh dự báo nhu cầu giảm do rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu.

Hồi cuối tháng 3, trong dự thảo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên, Ban Giám đốc May Sông Hồng (mã: MSH) cũng đưa ra kế hoạch kinh doanh 2023 với mục tiêu doanh thu 5.670 tỷ đồng, tăng 2,7% so với mức thực hiện năm 2022, tuy nhiên mục tiêu lãi ròng chỉ 420 tỷ đồng, giảm 4,3%.

Theo đánh giá của HĐQT May Sông Hồng, năm nay, thị trường dệt may dự báo sẽ tiếp tục đối diện với nhiều thách thức khi lạm phát cao tiếp tục kìm hãm chi tiêu tại các thị trường xuất khẩu chính của doanh nghiệp. Cùng đó, chi phí nguyên vật liệu, nhân công có xu hướng tăng trong những năm gần đây dự báo cũng là yếu tố gia tăng áp lực lên các doanh nghiệp trong ngành.

 Nhiều doanh nghiệp dệt may đặt kế hoạch kinh doanh 2023 "dè dặt" trước triển vọng thị trường bất định. Ảnh: Báo Chính phủ.

Một “ông lớn” khác trong ngành dệt may, Dệt may Thành Công (mã: TCM) cũng đặt kế hoạch kinh doanh cho năm nay tương đối thận trọng với mục tiêu doanh thu gần 4.364 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với thực hiện năm 2022 và lợi nhuận ròng dự kiến 274 tỷ đồng, giảm 2%.

Theo chia sẻ của Chủ tịch HĐQT TCM, ông Trần Như Tùng, trong báo cáo thường niên 2022, năm 2023 được dự báo là một năm tiếp tục khó khăn vì tình hình đơn hàng chưa có dấu hiệu hồi phục trong quý I và quý II. Đây cũng là tình hình chung bởi hầu hết các công ty trong ngành đều thiếu đơn hàng hoặc phải nhận đơn hàng có giá thấp để duy trì hoạt động sản xuất nhằm tạo việc làm và giữ chân người lao động. 

Tuy nhiên, ông Tùng cho hay theo một số dự báo, đơn hàng sẽ hồi phục vào nửa cuối năm khi lạm phát ở các thị trường lớn như Mỹ và EU được kiểm soát tốt hơn, mùa lễ hội cũng là điểm sáng để giúp nhu cầu hàng may mặc tăng lên trong những tháng cuối năm.  

Trong tài liệu ĐHĐCĐ công bố cuối tháng 3, Dệt may Hòa Thọ (mã: HTG) cũng đặt mục tiêu kinh doanh “dè chừng” cho năm 2023 với kế hoạch doanh thu 5.200 tỷ đồng (tăng 1% so với 2022) và lợi nhuận hợp nhất trước thuế 320 tỷ đồng, giảm 5%. 

Theo Ban lãnh đạo công ty, tình hình thị trường năm 2023 dự báo có nhiều diễn biến phức tạp với tổng cầu dệt may thế giới dự kiến giảm khoảng 8% chỉ còn 700 tỷ USD, nhu cầu từ các thị trường chính đều giảm hoặc tăng không đáng kể. Cùng đó là thách thức từ những đòi hỏi khắt khe của các nhãn hàng như giảm giá sản xuất, đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chất lượng cao hơn, chuyển đổi sử dụng vải có thành phần sợi tái chế, cùng nhiều chính sách của nhãn hàng như phát triển bền vững, xanh hoá tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải. Một yếu tố tích cực là trong năm 2023, nhiều FTA sẽ về đích mức thuế suất 0%...

Còn với CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex - mã: GIL), năm nay, HĐQT dự kiến trình cổ đông mục tiêu doanh thu đạt 1.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 50 tỷ đồng; giảm mạnh lần lượt 53% và 86% so với mức thực hiện năm 2022. Đây cũng là năm mà Gilimex đặt kế hoạch kinh doanh thấp nhất trong vòng 7 năm trở lại đây.

“Ngược dòng” kế hoạch kinh doanh thận trọng của các doanh nghiệp trong ngành, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG là doanh nghiệp dệt may hiếm hoi đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận lạc quan cho năm nay. Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ, HĐQT TNG dự kiến trình cổ đông phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh 2023 với doanh thu 7.500 tỷ đồng và lợi nhuận 337 tỷ đồng, lần lượt tăng 11% và 16% so với năm 2022. 

 

Áp lực chuyển mình, thích ứng với “luật chơi” toàn cầu

 

Những kế hoạch kinh doanh thận trọng của đa số doanh nghiệp dệt may đều đã được lý giải bằng dự báo về nhu cầu thị trường trầm lắng và thách thức từ những yêu cầu ngày một cao của quốc tế.

Tờ Vietnamnet dẫn lại lời Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Vũ Đức Giang tại cuộc họp sơ kết quý I/2023 của 20 hiệp hội doanh nghiệp các ngành kinh tế: “Chưa bao giờ trong suốt mấy chục năm qua, ngành may mặc xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn và chịu áp lực lớn như bây giờ. Đơn hàng giảm từ quý III, quý IV/2022, tiếp tục đến quý I/2023 và còn đang giảm tiếp. Hai tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu tiếp tục giảm 20%. Hiện giờ đơn hàng đặt cho tháng 6 và tháng 7 vẫn chưa có”.

Còn theo số liệu từ Bộ Công Thương, đến hết quý I, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam ước đạt chỉ 7,2 tỷ USD, giảm mạnh 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

“Chưa bao giờ trong suốt mấy chục năm qua, ngành may mặc xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn và chịu áp lực lớn như bây giờ. Đơn hàng giảm từ quý III, quý IV/2022, tiếp tục đến quý I/2023 và còn đang giảm tiếp. Hai tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu tiếp tục giảm 20%. Hiện giờ đơn hàng đặt cho tháng 6 và tháng 7 vẫn chưa có”.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam

Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may quý I/2023 giảm đáng kể so với cùng kỳ 2022 là một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp thận trọng khi đưa ra kế hoạch kinh doanh cho cả năm. Ảnh: Thùy Dung tổng hợp theo số liệu của Bộ Công Thương.

Nhu cầu giảm, theo các doanh nghiệp trong ngành, không chỉ là tác động từ rủi ro suy thoái toàn cầu và việc người tiêu dùng ở các thị trường lớn cắt giảm chi tiêu, mà đáng quan ngại hơn, là do sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường quốc tế cũng như những tiêu chuẩn chất lượng, môi trường ngày càng khắt khe.

Chẳng hạn, Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang chia sẻ, khi tham dự một diễn đàn các nhà phân phối do Kmart tổ chức ở Úc gần đây, ông nghe họ yêu cầu mà “phát hoảng”, rằng sắp tới đây, muốn bán được hàng, không chỉ chất lượng phải dẫn đầu, giá phải giảm mà còn phải tuân thủ “xanh hoá” đúng chuẩn phát triển bền vững.

Đây cũng là quan ngại chung của nhiều doanh nghiệp dệt may, chẳng hạn Dệt May Hòa Thọ và May Việt Tiến lo ngại không chỉ vì xu hướng nhu cầu giảm hoặc tăng không đáng kể từ các thị trường lớn, mà còn vì những đòi hỏi khắt khe của các nhãn hàng như giảm giá sản xuất, đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chất lượng cao hơn, chuyển đổi sử dụng vải có thành phần sợi tái chế, cùng nhiều chính sách của nhãn hàng như phát triển bền vững, xanh hoá tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải….

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế tư nhân lần II diễn ra đầu tháng 4 vừa qua, ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TP HCM, đồng thời là TGĐ Việt Thắng Jean cũng nhắc đến những thách thức từ các tiêu chuẩn chất lượng và xanh hóa bức thiết đang xuất hiện trên thị trường quốc tế. 

Vị này chỉ ra rằng xu hướng mua hàng của các nhà nhập khẩu may mặc lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đang thay đổi, họ ưu tiên lựa chọn chuỗi cung ứng có khả năng sản xuất nhiều công đoạn, tập trung tại một địa điểm đồng thời minh bạch toàn bộ quá trình sản xuất từ nguyên liệu đến thành phẩm. Ngoài ra là yêu cầu giảm thiểu sử dụng hoá chất, tiết kiệm nguyên liệu bằng cách tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo… Và những thay đổi này xuất phát từ chính yêu cầu của thị trường, khi hành vi mua hàng tiêu dùng đang dịch chuyển mạnh mẽ từ thời trang nhanh sang thời trang phát triển bền vững.

 

“Để đạt được kế hoạch đề ra trong năm nay, các doanh nghiệp buộc phải thay đổi để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, vào “luật chơi” của toàn cầu… Nếu không đầu tư cho công nghệ cao, có khả năng trong 3 năm nữa ngành dệt may sẽ không thể cạnh tranh được với các đối thủ như Bangladesh và Ấn Độ”.

Ông Phạm Văn Việt, TGĐ Việt Thắng Jean