Đơn hàng phục hồi, bức tranh lợi nhuận quý II của doanh nghiệp sợi - dệt may vẫn phân hóa mạnh
Khó khăn bủa vây doanh nghiệp sợi
Theo BCTC hợp nhất quý II, Sợi Thế Kỷ (mã: STK) ghi nhận hơn 303 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi gộp chưa đầy 10 tỷ đồng, lần lượt giảm 26% và 84% so với cùng kỳ năm trước.
Công ty cho biết nguyên nhân do doanh số bán hàng thấp và ghi nhận chi phí ngưng máy vào giá vốn hàng bán vì trong kỳ, Công ty ngưng nhiều máy nhằm hạn chế gia tăng thêm thành phẩm tồn kho trong bối cảnh nhu cầu thị trường yếu.
Không chỉ hoạt động cốt lõi kém hiệu quả, hoạt động tài chính kém sắc. Doanh thu tài chính dù tăng 37% lên hơn 8 tỷ đồng, nhưng chi phí tài chính gấp 5,2 lần cùng kỳ, đạt gần 58 tỷ đồng, chủ yếu do lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện tại công ty con.
Bù lại, công ty đã tiết giảm chi phí bán hàng và chi phí quản lý. Sau thuế, STK báo lỗ 55,5 tỷ đồng, mức lỗ cao nhất từ trước đến nay, và kém xa số lãi hơn 37 tỷ đồng doanh nghiệp thu về trong quý II/2023.
Tình hình ảm đạm của doanh nghiệp đã xuất hiện từ quý I, khi lợi nhuận giảm tới 56% so với cùng kỳ, xuống còn 700 triệu đồng. Luỹ kế 6 tháng, STK lỗ gần 55 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 39 tỷ đồng.
Với kết quả này, doanh nghiệp còn cách rất ra kế hoạch lợi nhuận kỷ lục 300 tỷ đồng đã được thông qua hồi đầu năm.
Theo chia sẻ của Tổng Giám đốc Đặng Triệu Hòa tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, có nền tảng cho kế hoạch tham vọng, bởi nhận thấy sự phục hồi của thị trường chung, nhu cầu các thương hiệu tăng lên do tồn kho đang ở mức thấp và kết hợp với sự dịch chuyển đơn hàng về Việt Nam. “Công ty đã nhận được một số tín hiệu phục hồi, đơn hàng sẽ tăng dần từ quý II và có thể trở về bình thường từ quý III-IV. Đây là sự phục hồi từng bước, không phải phục hồi nhất thời”, ông Hòa chia sẻ với cổ đông.
"Có một số thương hiệu đặt hàng từ tháng 3 đến tháng 6, nhưng cao điểm đặt hàng sẽ trong giai đoạn cuối năm 2024, đây là giai đoạn nhận đơn hàng cho vụ xuân hạ 2025. Quý I sản lượng rất thấp do nhu cầu chưa tăng lên, bởi vụ thu đông 2024 khách hàng vẫn do dự chưa đặt hàng nhiều, thay vào đó chuyển sang cho mùa xuân hạ 2025 nên đơn hàng sẽ nhiều vào cuối năm 2024”, CEO Đặng Triệu Hòa nói.
Cùng chung khó khăn với Sợi Thế Kỷ, CTCP Vải sợi May mặc Miền Bắc (mã: TET) cũng ghi nhận lợi nhuận giảm tới 63%, xuống còn 1,8 tỷ đồng trong quý II. Do doanh thu bán hàng giảm 15%, thế nhưng giá vốn lại tăng 34%. Cùng với đó, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng.
Ngược dòng, CTCP Sợi Phú Bài (mã: SPB) lại có lãi gần 3,8 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 18 tỷ đồng. Đơn vị này cho biết, so với quý II/2023, lợi nhuận sau thuế quý II năm nay của công ty tăng mạnh do nền kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, nhu cầu mua sắm tăng lên cũng như giá bán tốt đã làm cho tình hình kinh doanh trong quý đạt được kết quả thuận lợi.
Ngoài ra, kết quả kinh doanh của công ty cũng được hưởng lợi từ chính sách điều chỉnh giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước làm giảm chi phí lãi vay đến gần 25%. Cụ thể, lãi vay quý II đã giảm 30%, tương đương hơn 3,3 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Doanh nghiệp dệt may báo lãi lớn
Tại BCTC riêng quý II, CTCP Đầu tư Thương mại TNG (mã: TNG) ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 86 tỷ đồng, tăng 33 tỷ đồng, tương ứng 62% so với cùng kỳ năm ngoái.
TNG cho biết sự gia tăng đáng kể trong lợi nhuận sau thuế quý II đến từ tăng trưởng doanh thu. Doanh thu từ các hoạt động kinh doanh chính của công ty đã tăng mạnh nhờ việc tập trung vào khai thác các dòng hàng khó, phức tạp cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu. Các đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường mới đã đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng doanh thu.
Ngoài ra, công ty đã tối ưu hoá các chi phí. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, TNG ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 128 tỷ đồng, hoàn thành 41% mục tiêu năm.
Mới đây, CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã: TCM) cũng công bố ước tính kết quả kinh doanh nửa đầu năm. Theo đó, doanh thu công ty mẹ TCM đạt gần 74,4 triệu USD (gần 1.900 tỷ đồng), tăng 12% so với cùng kỳ và thực hiện được 47% kế hoạch năm. Lãi sau thuế tăng 29% lên hơn 5,8 triệu USD (145 tỷ đồng), thực hiện được 85% kế hoạch năm.
Doanh thu 6 tháng đầu năm 2024 của TCM đến từ 3 mảng chính, trong đó sản phẩm may chiếm 74%, vải chiếm 14% và sợi chiếm 8% tổng doanh thu. Đến thời điểm hiện cuối tháng 6, TCM đã nhận khoảng 90% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý III và khoảng 86% kế hoạch doanh thu đơn hàng quý IV.
TCM cho biết kết quả kinh doanh của công ty khả quan trong 6 tháng đầu năm nhờ việc nâng cao năng suất, hiệu suất, cắt giảm lãng phí, tối ưu doanh thu và lợi nhuận cho công ty.
'Đơn hàng phục hồi nhưng giá bán thì chưa'
Ngành dệt may trong nửa đầu năm 2024 ghi nhận tăng trưởng khả quan về xuất khẩu. Cụ thể xuất khẩu hàng dệt may và nguyên liệu ước đạt gần 20 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2023. Mặc dù ngành dệt may vẫn còn bị ảnh hưởng bởi những biến động từ nền kinh tế thế giới, đặc biệt là tại các thị trường chủ lực như Mỹ, EU nhưng xuất khẩu dệt may của Việt Nam vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023. Đây là kết quả phản ánh sự nỗ lực của ngành dệt may trong việc duy trì sản xuất, mở rộng thị trường. Hiện nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý III, nhiều đơn hàng cho quý IV.
Nhận định về triển vọng ngành, ban lãnh đạo TCM đánh giá, cho dù có nhiều tín hiệu tích cực từ tình hình xuất, nhập khẩu, đơn hàng... Những tháng cuối năm 2024 được dự báo sẽ vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành dệt may Việt Nam khi ngày càng nhiều thị trường nhập khẩu dệt may lớn đưa ra những quy định mới mang tính bắt buộc, liên quan tới thẩm định quyền con người và môi trường trong chuỗi cung ứng, quy định thiết kế sinh thái, sản phẩm tái chế, xử lý chất thải dệt may. Bên cạnh đó, các yếu tố chiến tranh, lạm phát trên thế giới dẫn đến chi phí ngày càng tăng cao, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người lao động và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, với nhóm doanh nghiệp xuất khẩu như dệt may, đơn hàng có thể đủ trong quý III nhưng quý IV vẫn là thách thức khi sức cầu chưa phục hồi hoàn toàn. Quý cuối năm vẫn là thời gian khó khăn với doanh nghiệp xuất khẩu như dệt may. Trong khi đơn hàng phục hồi về số lượng còn giá bán chưa phục hồi và lạm phát tại các quốc gia lớn đang giảm phản ánh sức cầu tiêu thụ yếu đi. Liệu doanh nghiệp có tăng trưởng trong quý IV và năm sau hay không còn trông chờ vào các thị trường lớn như Mỹ hồi phục, đơn hàng tích cực trở lại.
Để có thể vượt qua những khó khăn, thách thức, một số giải pháp được đưa ra như: Các doanh nghiệp cần luôn chủ động, quyết liệt đảm bảo các yếu tố trọng yếu trong quản lý năng suất, quản lý giá thành để nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu khách hàng, thị trường; tiếp tục thực hiện đa dạng hóa thị trường, bạn hàng, mặt hàng; cần có chiến lược phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu về xanh hóa, đầu tư vào quản trị số, các giải pháp đầu tư về công nghệ tự động hóa ở một số dây chuyền sản xuất, giao hàng nhanh, chất lượng cao...
Xu hướng chung của thị trường hiện nay là sản phẩm rẻ chiếm ưu thế tuyệt đối, nên các doanh nghiệp duy trì giá bán giảm để xử lý tồn kho về mức trước dịch. Các hãng thời trang cơ bản đã vượt qua khó khăn, lợi nhuận tăng trưởng rất tốt so với các nhà sản xuất. Do đó, các doanh nghiệp dệt may trong nước cần tính toán để có thể chốt được đơn hàng trong những tháng cuối năm, nhất là với thị trường Mỹ và EU, đồng thời tích cực truyền thông về xuất xứ minh bạch của hàng dệt may từ Việt Nam.