Luật rượu bia phải đặt lên bàn cân lợi ích kinh tế và an sinh sức khoẻ

08:45 | 17/11/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đó là ý kiến giải trình của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Luật rượu bia phải đặt lên bàn cân lợi ích kinh tế và an sinh sức khoẻ - ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giải trình ý kiến trong phiên họp Quốc hội sáng 16/11. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN) 
 Sáng 16/11, các đại biểu Quốc hội làm việc ở hội trường, thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Sau phần thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến giải thích: Đứng ở các góc cạnh khác nhau nhìn vào dự thảo luật này những ý kiến góp ý của các đại biểu quốc hội đều xác đáng, ban soạn thảo nghiên cứu tiếp thu, trên tinh thần xây dựng luật với những nội dung khi ban hành cái nào có lợi cho dân thì làm mức cao nhất, cái nào không có lợi cho người dân thì không làm.

Vì vậy, khi thực hiện soạn thảo luật này rất khó, đến 2 nhiệm kỳ và đến giờ này vẫn khó vì luật có sự mâu thuẫn, xung đột tương đối, thậm chí đối đầu với nhau giữa một bên mong muốn luật bảo vệ sức khỏe con người tối đa và nhà sản xuất kinh doanh mong muốn doanh thu và lợi nhuận.

Trên tinh thần đó, Luật cố gắng tiếp cận một cách hài hoà giữa khía cạnh sức khoẻ và kinh tế xã hội. Khi luật ra đời thì tiếp cận ở góc độ sức khoẻ nhiều hơn, còn các góc độ khác bị chi phối ở các luật khác”, bà Tiến nói.

Cùng với đó, theo bà Tiến, việc dự thảo của Luật làm sao để phải đồng bộ với các luật hiện hành và hội nhập với quốc tế và phải có tính khả thi cũng rất quan trọng.

“Ta phải đặt lên bàn cân giữa lợi về kinh tế và lợi về an sinh sức khoẻ. Và các yếu tố phân tích của các đại biểu rất xác đáng. Đến bây giờ nếu không đẩy mạnh thì sẽ ảnh hưởng tới lợi ích sức khoẻ nhân dân”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Bà Tiến tiếp tục khuyến nghị tăng thuế tiêu thụ đặc biệt để giảm bớt người uống rượu bia, vừa tăng nguồn thu ngân sách cũng như việc kiểm soát vấn đề quảng cáo.

Qua phân tích của các đại biểu và thảo luận kỹ lưỡng, bà Tiến cho rằng, Ban soạn thảo mong muốn được giữ tên theo phương án số 1. Đây là quan điểm vừa dễ hiểu, vừa đơn giản và chúng ta phòng chống tác hại của rượu và bia chứ không ảnh hưởng đến văn hóa của rượu và bia hiện nay, nó chống tác hại trong tất cả các quá trình sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ và cách uống.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng tổng kết, phiên họp buổi sáng đã thảo luận sôi nổi về dự thảo luật Phòng chống tác hại của rượu bia với tinh thần trách nhiệm cao. Đã có 34 đại biểu quốc hội đăng ký phát biểu, 26 đại biểu quốc hội phát biểu tại hội trường, 5 đại biểu quốc hội tranh luận.

Tất cả các ý kiến của các vị đại biểu quốc hội bước đầu được Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp thu và giải trình, trả lời, phạm vi, đối tượng điều chỉnh của luật…

“Qua các ý kiến, các đại biểu quốc hội đề nghị trong quá trình soạn thảo cần làm rõ thêm các hành vi cấm cần điều chỉnh trong luật này cần cụ thể hơn như việc sử dụng lao động trẻ em trong sản xuất rượu, bia cần giải thích rõ. Các đại biểu quốc hội cũng nêu vấn đề cần coi trọng công tác quản lý trong thong tin tuyên truyền, quảng cáo đối với lĩnh vực rượu, bia cho đồng bộ và thống nhất…” Phó Chủ tịch quốc hội tổng kết.

Đặc biệt, nhiều đại biểu quốc hội cũng cho ý kiến phải thống nhất thực hiện luật khác trong hệ thống pháp luật, như Luật an toàn thực phẩm, Luật bảo vệ chăm sóc trẻ em, Luật giao thông.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho hay, đây mới là phiên thảo luận lần đầu, thời gian tới sẽ có nhiều cuộc hội thảo, phiên giải trình lấy ý kiến chuyên gia trong nước và quốc tế để dự thảo Luật hoàn chỉnh./.