Lý do cần thắt chặt tín dụng đối với bất động sản và chứng khoán
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố kết quả cuộc điều tra xu hướng tín dụng nửa cuối năm, đáng chú ý sẽ tiếp tục thắt chặt hơn đối với lĩnh vực cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản và chứng khoán.
Phân tích về định hướng này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, lãi suất ngân hàng ở mức thấp như hiện nay đã và đang hỗ trợ dòng vốn chảy vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản hay thị trường chứng khoán.
Ảnh minh họa.
Theo đó, vị chuyên gia cho biết, thống kê của VDSC, năm 2020, tín dụng chảy vào lĩnh vực chứng khoán ước tính đạt 45.800 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng dư nợ (chỉ khoảng 0,5%) nhưng tăng mạnh 49,4% so với cùng kỳ. Trong quý 1/2021, tín dụng vào lĩnh vực chứng khoán giảm nhẹ 1,0% so với cuối năm 2020.
Số liệu thu thập từ 20 công ty chứng khoán niêm yết cho thấy tổng giá trị cho vay ký quỹ tại thời điểm 31/3/2021 ở mức cao kỷ lục là 98.397 tỷ đồng, tăng 30,8% so với cuối năm 2020. Đây là yếu tố làm tăng nguy cơ rủi ro cho lĩnh vực này.
Đối với lĩnh vực bất động sản, thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tăng trưởng tín dụng vào bất động sản trong 3 năm qua lần lượt như sau: năm 2018 tăng 26,6%, năm 2019 tăng 21,53%; năm 2020, do dịch bệnh nên chỉ tăng 11,89%, thấp hơn tăng trưởng tín dụng chung.
Trong quý 1/2021, tín dụng chảy vào lĩnh vực này tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 3% so với cuối năm 2020, cao hơn không đáng kể so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung toàn nền kinh tế (2,93%). Tính tổng chung, tín dụng vào lĩnh vực bất động sản chiếm 19,6% tổng dư nợ của nền kinh tế.
Hiện tượng này đã tạo nên cơn “sốt đất” tại nhiều địa phương trên cả nước. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đánh giá chứng khoán và bất động sản là hai lĩnh vực tiềm ẩn rất rủi ro cao, dù chứng khoán và bất động sản có quy mô tăng trưởng không lớn so với quy mô tăng trưởng chung của cả nền kinh tế.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trên thực tế, nguồn vốn đầu tư dự án của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản đều chiếm đa số từ vốn vay ngân hàng. Việc chặn dòng tiền vào mua bán đất đai, thổi phồng giá đất đai lên gây ảnh hưởng đến lạm phát là rất cần thiết.
Chuyên gia này khẳng định, thời gian vừa qua, tiền vào nhà đất rất nhiều, nhiều ngân hàng cho vay mua đất. Tuy nhiên, vấn đề cơ bản của nền kinh tế không hỗ trợ cho giá đất tăng mạnh. Ông Hiếu cho rằng, các ngân hàng ở Việt Nam “rất mặn mà với đất”. Nếu có khách hàng đến vay mua đất, lấy đất đó làm tài sản thế chấp là ngân hàng cho vay 50 - 60% giá trị của đất. Nếu phải trả lãi ngân hàng, khách hàng có thể lấy từ nguồn khác để trả chứ không phải lấy từ chính tài sản đó sinh lời.
Chuyên gia tài chính TS.Nguyễn Ngọc Tú (Giảng viên trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ) nêu quan điểm, nếu không kiểm soát tốt dòng tiền từ các ngân hàng thương mại vào bất động sản và chứng khoán thì nguy cơ chao đảo hệ thống tín dụng và lạm phát phi mã hoàn toàn có thể xảy ra. Khi ấy, người lao động trực tiếp làm công ăn lương chịu thiệt nhiều nhất và không biết chống đỡ bằng cách nào.
Trước đó, qua theo dõi, giám sát hoạt động năm 2020, Ngân hàng Nhà nước nhận thấy một số tổ chức tín dụng có dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro như: Nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng; tỷ lệ nợ xấu của một số công ty tài chính tiêu dùng ở mức cao và tăng lớn; lãi phải thu từ hoạt động tín dụng tăng lớn so với cuối năm 2019.
Ngoài ra, cũng trong năm 2020, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ tín dụng, tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản cao. Nợ xấu cấp tín dụng đối với khách hàng lớn tăng so với cuối năm 2019…
Xuân Tùng