(DNVN) - Trong hơn 10 năm qua, hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A) đã có bước tăng trưởng không ngừng, dần trở thành bộ phận quan trọng trong hệ sinh thái đầu tư-kinh doanh của Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu như năm 2009, tổng giá trị thương vụ M&A mới chỉ đạt 1,1 tỷ đô la Mỹ thì đến năm 2018, con số này đã đạt mốc 10,2 tỷ đô la Mỹ, đưa tổng giá trị thương vụ trong thập kỷ qua đạt khoảng 55 tỷ đô la Mỹ. Không chỉ đạt kỷ lục về tổng giá trị, số lượng các thương vụ cũng tăng lên rất nhanh chóng, diễn ra trên mọi khu vực doanh nghiệp: tư nhân, đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có vốn nhà nước; thu hút sự tham gia không chỉ các nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp trong và ngoài nước mà còn có sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp công nghệ....
Nhìn nhận về thị trường M&A, tại Diễn đàn mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A), ông Vũ Đại Thắng, Ủy viên Dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Những kết quả mà thị trường M&A mang lại đã chứng minh sự trưởng thành cũng như tiềm năng to lớn của thị trường M&A Việt Nam.
Để đạt được kết quả đó, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho rằng, chính là nhờ các nỗ lực không ngừng nghỉ của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh và sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân. Bên cạnh đó, Việt Nam chủ động hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu thông qua hàng loạt Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, trong đó có các Hiệp định thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, mở ra những thị trường rộng lớn về xuất nhập khẩu, vốn đầu tư..., góp phần thúc đẩy nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh của quốc gia.
Đặc biệt, Chính phủ cũng đã tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó tập trung cao độ cho tái cơ cấu đầu tư công, hệ thống tài chính ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước.
Thông qua hoạt động này, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã mua và sở hữu được cổ phần của các doanh nghiệp có vốn của nhà nước như Vinamilk, Sabeco... Việc thúc đẩy thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn gắn liền với việc công khai, minh bạch lộ trình cổ phần hoá, thoái vốn sẽ tạo ra các sản phẩm ngày càng hấp dẫn hơn nữa cho thị trường M&A; mở rộng cơ hội cho các nhà đầu tư quan tâm và nghiên cứu cơ hội đầu tư, mua lại cổ phần tại các doanh nghiệp có vốn Nhà nước…
Cùng với đó, xác định khu vực tư nhân là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, Chính phủ cũng đã đẩy nhanh việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tham gia đầy đủ vào tất cả các khu vực của nền kinh tế. Đồng thời, đưa ra những định hướng chiến lược mới như chuyển thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN) từ số lượng sang chất lượng, có giá trị gia tăng cao; chủ động thu hút có chọn lọc ĐTNN, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu... đi cùng với yêu cầu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo đảm an ninh quốc phòng.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh, tất cả những yếu tố tích cực trên đang mở ra một kỷ nguyên mới cho hoạt động M&A tại Việt Nam với nhiều cơ hội bứt phá, đưa M&A trở thành kênh thu hút đầu tư quan trọng trong thời gian tới. Song, để có thể thực sự bứt phá, thị trường M&A Việt Nam trông đợi những thay đổi mạnh mẽ từ quá trình ban hành và thực thi chính sách đến các hoạt động kết nối, thực thi thương vụ và sự đổi mới, sáng tạo trong các bên mua và bên bán.
Nhìn nhận thêm về thị trường M&A, ông Tamotsu Majima, Giám đốc cấp cao của Recof (Nhật Bản) cho biết: Trong 4 năm gần đây, số lượng giao dịch M&A của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đạt mức kỷ lục. Cụ thể, cập nhật đến tháng 7/2019, đã có khoảng 21 giao dịch. Dự báo, đến cuối năm nay, có thể đạt con số khoảng hơn 30 giao dịch M&A của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Trong đó một số giao dịch đáng chú ý bao gồm: Công ty Cổ phần Chế tạo thuốc Taisho mua cổ phần của Dược Hậu Giang (mã: DHG) hay một số giao dịch đang thực hiện như Mitsui Corp mua cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Sumitomo Corp dự kiến mua cổ phần Gemadept…
Cũng theo ông Tamotsu Majima, 2 nền kinh tế Nhật Bản và Việt Nam ngày càng gần nhau hơn. Văn hóa cũng vậy. Người dân Nhật Bản đi du lịch tại Việt Nam và ngược lại ngày càng tăng. Nhân lực Việt Nam tham gia các hoạt động kinh tế của Nhật Bản ngày càng nhiều. Các công ty Nhật ngày càng thuê nhiều người Việt tham gia vào chuỗi sản xuất. Đó là những yếu tố thuận lợi, là môi trường tốt cho các hoạt động M&A. Vì vậy, hiện đang có thêm nhiều yếu tố thuận lợi cho hoạt động M&A của doanh nghiệp Nhật Bản như cuộc thương chiến Mỹ-Trung khiến sự địch chuyển đầu tư vào Việt Nam tăng lên. Hay, Việt Nam đang tham gia ngày càng nhiều hơn các Hiệp định thương mại tự do nên cũng hấp dẫn các doanh nghiệp đến đầu tư.
Do đó, quy mô của các giao dịch M&A tới đây cũng sẽ rất phong phú. Có thể là những giao dịch từ các tập đoàn lớn và có thể cũng đến từ những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Lĩnh vực có thể là bất động sản và cũng có thể từ các lĩnh vực sản xuất hay dịch vụ... Tóm lại, xu hướng giao dịch M&A tới đây là khá lớn.
Tuy nhiên, đại diện của Recof cũng nhìn nhận, hoạt động M&A vẫn đối diện với một số thách thức, khó khăn. Chẳng hạn doanh nghiệp và nhà đầu tư Nhật Bản đòi hỏi cao về quản trị và sự tuân thủ. Do đó, họ sẽ ưu tiên các hoạt động M&A đối với các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu này. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Nhật cũng đang đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn từ các nước đến từ châu Á, trong đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc đang ngày càng hiện diện nhiều hơn tại Việt Nam.