Mắc sai lầm trong công việc: 4 bước giải quyết để xóa tan nỗi lo và sự sợ hãi

16:34 | 21/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Khi mắc sai lầm trong công việc, phản ứng của bạn là bao biện trốn tránh hay tìm cách giải quyết vấn đề sẽ quyết định đánh giá của cấp trên.

Là con người khó tránh khỏi những giây phút sai lầm trong công việc, tuy nhiên, giải quyết như thế nào để lãnh đạo cũng như đồng nghiệp có đánh giá tốt về mình thì không phải ai cũng biết.

Hầu hết mọi người đều sợ hãi trước các sai lầm, tìm mọi cách để che giấu điều đó. Nhiều người không ngần ngại lấy đối tượng xung quanh ra làm “lá chắn đạn” cho thiếu sót của mình. Tuy nhiên, sự bao biện chỉ khiến bạn càng thêm mất điểm trong mắt của mọi người xung quanh.

Mắc lỗi đôi khi lại là một hành động rất có ích cho công việc nếu như bạn biết cách giải quyết và xử lý nó với 4 bước quan trọng sau đây.

 Mắc sai lầm trong công việc: 4 bước giải quyết để xóa tan nỗi lo và sự sợ hãi - ảnh 1

Cách bạn cúi đầu chấp nhận gục ngã hay dũng cảm bước qua sai lầm sẽ cho thấy bản lĩnh, sự trưởng thành của bản thân.

Bước 1: Mạnh dạn đứng ra chịu trách nhiệm

Khi phạm sai lầm trong công việc, bước khó khăn nhất chính là dám đứng ra chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Bạn có thể giải thích thêm về nguyên do dẫn đến sự thiếu sót ban đầu, nhưng không nên lấy đó làm cái cớ để chối bỏ trách nhiệm.

Hãy xin lỗi nếu cần thiết khi bạn muốn nhận lại sự tôn trọng của đồng nghiệp và cấp trên. Đừng ngại xin sự trợ giúp để chắc rằng lỗi đó sẽ không lặp lại.

 

Bước 2: Không tìm cách che giấu khi xảy ra sai lầm trong công việc

Một cảm giác mà bạn cần phải đối mặt khi mắc sai lầm đó chính làm cảm thấy lúng túng, xấu hổ, thất vọng hoặc lo lắng rằng mình có thể bị sa thải. Đây là điều hoàn toàn bình thường và đôi khi là cần thiết vì chỉ khi nào bạn đắm chìm trong nỗi ân hận vì sai lầm mình phạm phải, bạn mới học được cách ghi nhớ điều đó để sau này tránh xa. 

Thay vì cố che giấu với những người xung quanh, hãy thẳng thắn đối diện và thừa nhận những cảm xúc này. Đồng thời, bạn cũng cần tự nhận định được rằng, không ai hoàn hảo, mỗi người đều có những hạn chế riêng. Hít thở sâu để lấy tinh thần tiến vào bước tiếp theo để khắc phục sai lầm của mình.

Bước 3: Rút kinh nghiệm và tích lũy những bài học quan trọng

Hãy tự tìm cho mình những đáp án cho câu hỏi sau đây: 

“Những hành động nào dẫn đến sai lầm đó?”

“Hậu quả để lại là gì?”

“Lẽ ra bạn nên làm gì?”

Sau khi tìm ra đáp án, khắc ghi điều đó vào đầu để không tiếp diễn những lỗi lầm trong tương lai. 

 Mắc sai lầm trong công việc: 4 bước giải quyết để xóa tan nỗi lo và sự sợ hãi - ảnh 2

Những gợi ý này sẽ là “phương thuốc” để giúp bạn khắc phục sai lầm một cách hiệu quả.

Chẳng hạn như, bạn là người không giỏi chịu nhiều áp lực về thời gian. Việc đối mặt với nhiều áp lực sẽ làm kìm hãm năng suất làm việc của bạn, đồng thời không thể nghỉ ngơi hiệu quả sau giờ làm để tái tạo năng lượng làm việc. Như vậy, việc bạn cần làm là học cách quản lý tốt thời gian. 

Nếu bạn là một freelancer làm việc tự do thường xuyên bị khách hàng phàn nàn vì chậm deadline thì kỹ năng sắp xếp công việc và quản lý thời gian cũng chính là chìa khóa để giải quyết vấn đề. Bạn cần cải thiện thói quen làm việc chủ động hơn để có thể kiểm soát khối lượng công việc, tránh tình trạng nước đến chân mới nhảy. Điều này cũng giúp bạn đảm bảo rằng mình không làm gấp dẫn đến làm ẩu.

Thông qua quá trình cân nhắc, suy xét kỹ lưỡng về lý do để xảy ra những sai sót đó, bạn mới có thể nhìn thẳng vào vấn đề, tìm ra cách tháo gỡ chính xác. Đương nhiên, không thể quên việc áp dụng ngay những bài học đó thực tiễn, biến lý thuyết thành hành động để tránh xa những sai lầm trong công việc mà mình từng mắc phải.

Nếu sai lầm của bạn có thể dẫn tới một số hậu quả nghiêm trọng, bạn nên chủ động đề xuất những biện pháp giải quyết dựa trên những nguyên do dẫn tới sai lầm mà bạn nhận ra. Sau đó, trong quá trình làm việc tiếp theo, bạn nên liên tục điều chỉnh phong cách làm việc cho đến khi tìm thấy một thói quen phù hợp nhất với mình, cải thiện được năng lực và hiệu suất cá nhân.

 Mắc sai lầm trong công việc: 4 bước giải quyết để xóa tan nỗi lo và sự sợ hãi - ảnh 3

Hãy đề xuất các biện pháp khắc phục những sai lầm của mình sau khi đã suy nghĩ thấu đáo.

Bước 4: Dẹp nó qua một bên

Sau khi trải qua đủ 3 bước từ Chịu trách nhiệm - Thừa nhận mà không che giấu - Xác định giải pháp và rút kinh nghiệm, đây sẽ là lúc mà bạn nên học cách dẹp bỏ những cảm xúc tiêu cực như xấu hổ, ân hận, tức giận, thất vọng… của bản thân. 

Thực tế, sự nghiệp của bạn sẽ không bị hủy hoại chỉ bởi một hoặc hai sai lầm đã mắc phải. Việc học hỏi từ những sai lầm của bạn, loại bỏ tất cả những suy nghĩ tiêu cực và tiếp nhận mọi việc theo hướng tích cực hơn mới là điều quan trọng nhất. Nếu bạn phản ứng với sai lầm trong công việc một cách đúng đắn thì sự nghiệp của bạn chẳng những không đi lùi mà còn có thể đạt được những bước tiến quan trọng. 

Nên nhớ rằng không ai giỏi ngay từ đầu, sai lầm cũng là một phần của quá trình tiến bộ. Vì thế, bạn không nên để nỗi ân hận và sợ hãi phạm sai lầm kìm hãm con đường sự nghiệp của mình trong tương lai.

Xem thêm: Trang phục đi phỏng vấn: Tuyệt đối tránh xa 8 cách ăn mặc “mất điểm”

Phương Thúy