MCG giải trình gì khi cổ phiếu bị giữ nguyên diện kiểm soát?
Trước đó, ngày 29/6, HOSE đã có thông báo về việc đưa cổ phiếu MCG ra khỏi diện cảnh báo do công ty không vi phạm quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán trong vòng 6 tháng liên tục, thuộc trường hợp được đưa ra khỏi diện cảnh báo theo điểm d Khoản 4 Điều 37 Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết.
Tuy nhiên, cổ phiếu MCG tiếp tục nằm trong diện bị kiểm soát do lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ năm 2020 đạt -9,33 tỷ đồng và năm 2021 đạt -36,78 tỷ đồng, lỗ 2 năm liên tiếp.
Theo MCG, có 6 nguyên nhân chủ yếu dẫn tới khoản lỗ 2 năm liên tiếp và khoản lỗ năm sau tăng gấp gần 4 lần năm trước như vậy.
Một là hoạt động đầu tư đối với các dự án năng lượng như thủy điện Nậm Hóa 2 chưa sinh lời trong giai đoạn ngắn do phải chịu chi phí lãi vay, chi phí khấu hao lớn trong giai đoạn đầu phát điện thương mại, mặt khác việc không có nước do thời tiết khô hạn dẫn đến doanh thu phát điện không đủ bù đắp chi phí khấu hao và lãi vay ngân hàng.
Nguyên nhân thứ hai, MCG cho rằng các chính sách tại địa phương liên quan đến hoạt động đầu tư còn nhiều bất cập, nhất là công tác giải phóng mặt bằng của dự án gặp nhiều khó khăn nên một số dự án đầu tư bị chậm trễ, không hoàn thành phát điện thương mại đúng tiến độ.
Bên cạnh đó, một số công trình xây dựng như Bình Điền, Sông Tranh... do công ty làm nhà thầu đã hoàn thành nhưng chưa thể quyết toán để giảm chi phí sản xuất kinh doanh dở dang và thu hồi được vốn vì chủ đầu tư không hợp tác trong việc quyết toán và chiếm dụng vốn của nhà thầu mặc dù công ty đã thuê luật sư hỗ trợ và khởi kiện.
Một nguyên nhân khác là chi phí tài chính lớn do tổn thất đầu tư tài chính vào các công ty con, công ty liên kết hoạt động kinh doanh không hiệu quả. Cùng đó là sự giảm giá trị hàng tồn kho của các công trình cũ (Daktih, Sông Tranh, trung tâm thương mại...) không thu hồi được.
Nguyên nhân cuối cùng, theo MCG, là tình hình khó khăn chung do dịch bệnh dẫn đến các đối tác đều kinh doanh thua lỗ không trả được nợ, làm cho công ty phải trích lập bổ sung dự phòng phải thu khó đòi chiếm giá trị lớn trong kết quả kinh doanh bị lỗ.
Về phương án và lộ trình khắc phục tình trạng cổ phiếu bị kiểm soát, phía MCG cho biết công ty đặt mục tiêu năm 2022 có lợi nhuận.
Theo đó, với phương hướng hoạt động kinh doanh trong năm, công ty kỳ vọng tập trung hoàn thiện giải phóng mặt bằng Dự án Nậm Hóa 1 đế đưa Dự án vào phát điện thương mại sớm mang lại doanh thu trong năm nay. Đồng thời tập trung hoàn thiện các thủ tục pháp lý xin chuyển đổi một phần chức năng tòa nhà văn phòng sang nhà ở thương mại có cơ sở để bán và tạo doanh thu cho hoạt động kinh doanh bất động sản; tiếp tục trình phê duyệt làm chủ đầu tư trường học trên ô đất 3.000m2 tại dự án 102 Trường Chinh.
Cùng đó, tiếp tục đánh giá để triển khai đầu tư, hợp tác đầu tư tại một số dự án nhà ở xã hội, đô thị, dự án năng lượng, cũng như kết hợp triển khai đầu tư vào lĩnh vực Bất động sản công nghiệp và logistics. Bên cạnh đó, chuyển nhượng cổ phiếu quỹ, bất động sản đầu tư, chuyển nhượng vốn góp tại các công ty con và công ty liên kết hoạt động không hiệu quả để giảm tổn thất đầu tư, bổ sung vốn lưu động cho các công trình, dự án trọng điểm. Đánh giá, lựa chọn công trình, dự án, vị trí có dư địa đầu tư lớn để tập trung các nguồn lực triển khai có hiệu quả cũng như tạo dòng tiền cho doanh nghiệp, tăng doanh thu hàng năm, đảm bảo có lợi nhuận để bù đắp lỗ của các năm trước.
Công ty cũng có phương án đẩy nhanh quyết toán, bỏ giá các công trình đã thi công xong để thu hồi vốn và hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho; đẩy mạnh công tác thu nợ để hoàn nhập trích lập dự phòng phải thu khó đòi.
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của MCG đã thông qua kế hoạch doanh thu năm nay đạt 443,08 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3,42 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 đã công bố, MCG ghi nhận doanh thu thuần quý I đạt 4,84 tỷ đồng, giảm mạnh 71,8% so với cùng kỳ năm ngoái (quý I năm ngoái ghi nhận doanh thu 17,16 tỷ đồng).
Giá vốn hàng bán quý I là 3,86 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 5% lên 1,79 tỷ đồng… là những nguyên nhân khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong quý đạt -1,87 tỷ đồng.
Nhờ khoản thu nhập khác tăng vọt 45 lần so với cùng kỳ năm ngoái lên 2,02 tỷ đồng nên kết thúc quý I, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 145,6 triệu đồng.
Về tình hình tài chính, đến hết ngày 31/3/2022, MCG ghi nhận tổng tài sản đạt 627,54 tỷ đồng, giảm 2,6% so với con số đầu kỳ là 644,45 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 326,3 tỷ đồng, tài sản dài hạn là 301,24 tỷ đồng.
Nợ phải trả tính đến cuối kỳ là 438,78 tỷ đồng, giảm 3,7% so với con số 455,84 tỷ đồng vào đầu kỳ. Trong đó, nợ ngắn hạn là 279,82 tỷ đồng, nợ dài hạn là 158,96 tỷ đồng. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu là 2,32 lần.
Ngoài ra, theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh trong quý I/2022 của MCG vẫn ở mức -13,92 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên 6/7, cổ phiếu MCG giao dịch ở vùng 3.700 đồng/cp, giảm mạnh so với đỉnh kỷ lục khoảng 14.500 đồng/ cp hồi tháng 12/2021 và giảm tới 67% so với mức thị giá khởi điểm năm là khoảng 11.100 đồng/cp.