Mở cửa thị trường ngày 21/9, VN-Index bất ngờ giảm hơn 15 điểm xuống vùng 1.335
Càng về cuối phiên, lực mua càng tăng mạnh khiến chỉ số VN-Index co hẹp dần. Trước đó, một số công ty chứng khoán (CTCK) nhận định thị trường đang có tín hiệu tích cực khi thanh khoản thị trường đã tăng trở lại và dòng tiền quay lại nhóm cổ phiếu bluechips. Do đó phiên mở cửa ngày 21/9 là điều khá bất ngờ cho nhà đầu tư.
Mặc dù các nhóm ngành nhìn chung vẫn giảm điểm nhưng sắc xanh đã xuất hiện tại một vài cổ phiếu lớn như BVH, HSG, MSN, MWG, DGC, VIB, OCB…giúp thị trường dần ổn định hơn. Nhóm dầu khí cũng giao dịch khá tích cực khi không giảm quá sâu, thậm chí bộ đôi PVD, PVS còn tăng điểm. Cổ phiếu "họ Louis" tiếp tục thu hút dòng tiền đầu cơ mạnh với TGG, TDH, VKC tăng trần, ở chiều ngược lại AGM hiện đang giảm sàn.
VN30-Index cũng không khá hơn thị trường chung khi giảm hơn 12 điểm. Tâm lý lo sợ đang được thể hiện rõ ràng với hầu như toàn bộ 30 mã cổ phiếu trong rổ đồng loạt giảm giá, chỉ có 2 cổ phiếu ít ỏi giữ lại sắc xanh. Các cổ phiếu VRE, VHM, PNJ, KDH hay GVR là những cổ phiếu giảm mạnh nhất rổ, tuy nhiên mức giảm xét theo từng cổ phiếu riêng biệt lại không quá lớn, cũng chỉ giảm quanh mức 1-2%. Ở chiều tăng giá, MWG đang tăng rất tốt bất chấp thị trường đang đỏ lửa với gần 2%.
Xét theo mức độ đóng góp, cổ phiếu VIC, VHM, GVR và TCB đang là những cổ phiếu có tác động tiêu cực nhất lên thị trường với tổng cộng hơn 4 điểm giảm cho VN-Index.
Các cổ phiếu ngành chế biến thủy sản đang là một trong những nhóm giảm sâu nhất. Trong đó, cổ phiếu VHC giảm hơn 2,4%, ANV cũng mất đi 1,69% giá trị. Theo sau đó, cổ phiếu FMC, IDI, CMX hay ACL cùng nhau giao dịch dưới mức giá mở cửa.
Tính đến 10 giờ 30 phút, VN-Index giảm hơn 13,27 điểm xuống còn 1.337,21 điểm. HNX-Index giảm hơn 2,51 điểm còn 356,37 điểm. VN30-Index giảm gần 14 điểm còn hơn 1.444 điểm. Tổng khối lượng giao dịch khoảng hơn 500 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị giao dịch trên 11.800 tỷ đồng.
Trước đó, theo nhận định của CTCK Asean (Aseansc), mặc dù áp lực chốt lời tăng mạnh ở nhiều nhóm cổ phiếu nhưng chỉ số VN-Index sẽ không bị giảm quá sâu nhờ lực đỡ đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng. Dự báo trong phiên giao dịch 21/9, sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày. Trong kịch bản tích cực, vùng kháng cự gần của VN-Index dự báo ở mức 1.355 - 1.360 điểm, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 1.365 - 1.370 điểm.
CTCK MB (MBS) thì cho rằng, việc thị trường điều chỉnh cuối phiên 20/9 và sáng 21/9 có thể đến từ áp lực giảm từ thị trường chứng khoán thế giới. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là thanh khoản thị trường đã tăng trở lại và dòng tiền quay lại nhóm cổ phiếu bluechips, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Rủi ro lúc này là việc thị trường thế giới điều chỉnh, do vậy chỉ số VN-Index có thể giảm trong phiên 21/9, nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán… có thể là lực đỡ cho thị trường.
Theo khuyến nghị CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS), những nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn có thể tiếp tục canh những phiên hồi kỹ thuật để giảm tỷ trọng. Nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt cao tiếp tục đứng ngoài và quan sát thị trường, tránh mua đuổi ở thời điểm hiện tại.
Dưới góc nhìn kỹ thuật, CTCK Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng xu hướng tăng ngắn hạn nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp diễn. Theo đó, VCBS cho rằng nhà đầu tư có thể tạm thời quan sát thêm một vài phiên tới để chờ đợi thị trường thử thách thành công ngưỡng 1.350 điểm trước khi xem xét giải ngân theo xu hướng mới, nếu chỉ số chung tiếp tục bứt phá đi kèm tín hiệu thanh khoản có sự cải thiện, hoặc giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu nếu chỉ số chung không thể giữ được mốc điểm số này.
CTCK Yuanta Việt Nam (Yuanta) cho rằng, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có thể sẽ sớm kết thúc giai đoạn tích lũy trong vài phiên tới. Đồng thời, chỉ số VN-Index có thể sẽ sớm vượt hoàn toàn ngưỡng 1.355 điểm và hướng về mức kháng cự kế tiếp 1.380 điểm. Điểm tích cực là dòng tiền ngắn hạn đã gia tăng vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Ngoài ra, rủi ro ngắn hạn trên nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ có chiều hướng gia tăng cho thấy chỉ số VNSmallcaps (giá biến động của các công ty có quy mô nhỏ) có thể sẽ còn xuất hiện các nhịp điều chỉnh ngắn hạn.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức cao và tận dụng các nhịp điều chỉnh để cơ cấu danh mục, tức là có thể xem xét chốt lời một phần tỷ trọng nắm giữ ở nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ và tăng dần tỷ trọng nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.