Môi trường đầu tư Việt Nam đang thu hút doanh nghiệp ngoại

09:51 | 06/02/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp, môi trường đầu tư Việt Nam vẫn thu hút doanh nghiệp ngoại.
Thời điểm hiện tại, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang rót vốn khủng vào Việt Nam, dù dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Điều này cho thấy sự tin tưởng của doanh nghiệp ngoại vào môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
 
 
Môi trường đầu tư Việt Nam đang thu hút doanh nghiệp ngoại - ảnh 1
 Intel đầu tư thêm 475 triệu USD vào Việt Nam
 
Công ty Intel Products Việt Nam (IPV, thuộc Tập đoàn Intel, Hoa Kỳ) vừa nhận Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh dự án tại Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP), với vốn đầu tư tăng thêm 475 triệu USD.
 
 
Ông Alan Danner, Giám đốc Tài chính của Intel Products Việt Nam cho biết, Dự án được cấp phép năm 2006 và đi vào sản xuất năm 2010, với vốn đầu tư đăng ký tới trước khi tăng vốn là 1,04 tỷ USD.
 
“Intel đã sản xuất và xuất khẩu trên 2 tỷ sản phẩm thiết bị vi xử lý và bán dẫn. Tính tới năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu lũy kế của Intel đạt trên 50 tỷ USD và tạo ra gần 7.000 việc làm, trong đó có 2.700 nhân viên Intel”, ông Alan Danner thông tin.
 
Theo đại diện của IPV, khoản đầu tư trên giúp tăng cường sản xuất các sản phẩm 5G của Intel, bộ xử lý Intel Core với công nghệ Intel Hybrid và bộ xử lý Intel Core thế hệ thứ 10.
 
Với khoản đầu tư đó, Intel Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung giải quyết những giới hạn trong đổi mới, sáng tạo công nghệ và nâng cao năng lực của đội ngũ nhân viên tài năng để hiện thực hóa mục tiêu của Tập đoàn là “tạo ra công nghệ thay đổi thế giới, làm cho cuộc sống mỗi con người trên hành tinh trở nên tốt đẹp hơn”.
 
Cũng theo vị này, công ty tại Việt Nam là một phần quan trọng trong chuỗi sản xuất của Intel trên toàn thế giới.
 
 
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý SHTP nhìn nhận, quyết định mở rộng đầu tư của Intel Việt Nam có nhiều ý nghĩa đối với Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
 
“Việc này cũng cho thấy sự tin tưởng của doanh nghiệp vào đội ngũ nhân lực trong nước cũng như môi trường đầu tư ổn định của Việt Nam”, ông Thi chia sẻ.
 
Dự án của Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex (SEHC) cũng vừa được cấp có thẩm quyền đồng ý điều chỉnh thông tin dự án và chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, từ doanh nghiệp công nghệ cao sang doanh nghiệp chế xuất.
 
Tháng 9/2020, UBND TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho SEHC chuyển đổi sang doanh nghiệp chế xuất theo hình thức “doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm để xuất khẩu hoạt động trong Khu công nghệ cao”, với điều kiện Công ty đạt tỷ lệ giá trị xuất khẩu từ 90% trở lên và SEHC phải có cam kết bằng văn bản.
 
Việc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp của Samsung không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi phần lớn sản phẩm làm ra phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, việc này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phụ trợ trong chuỗi cung ứng của Samsung trong việc đầu tư sản xuất - kinh doanh có trọng tâm, trọng điểm, đem lại giá trị thặng dư tốt hơn.
 
“Đây cũng là một phần trong cam kết tạo môi trường đầu tư thuận lợi, ổn định, củng cố niềm tin của Tập đoàn Samsung và định hướng Việt Nam sẽ là trọng tâm của hoạt động đầu tư sản xuất, xuất khẩu của Tập đoàn Samsung cung cấp cho thị trường toàn cầu”, nguồn tin trên cho biết.
 
Không chỉ có Intel, Samsung, mà trong dịp này, SHTP còn trao giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khác.
 
Trong đó, đáng chú ý là Dự án của Công ty Arevo (Hoa Kỳ), có mục tiêu xây dựng nhà máy sản xuất máy in 3D; sản xuất phần mềm (thiết kế, mô phỏng, điều khiển máy in); sản xuất vật liệu sợi carbon nền polymer dành cho in 3D; dịch vụ in 3D từ sợi carbon... Tổng vốn đầu tư của Dự án là 19,5 triệu USD. Dự kiến doanh thu khi Dự án đi vào hoạt động ổn định là hơn 12 triệu USD/năm.
 
Hay Dự án của Công ty SNST&Finger Vina (Hàn Quốc) có mục tiêu hoạt động thiết kế vi mạch điện tử tích hợp, với tổng vốn đầu tư gần 1 triệu USD. Theo kế hoạch, dự án này sẽ đi vào hoạt động ngay trong quý I/2021.
 
Tờ tienphong.vn dẫn lời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài  với nhận định: Các tập đoàn lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc… và châu Âu rất muốn đầu tư vào Việt Nam, họ đánh giá Việt Nam là điểm đến an toàn trong năm 2021.
 
Theo đó, chiều 3/2, tại TPHCM, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài đã đến thăm và chúc tết kiều bào tiêu biểu tại TPHCM.
Tại đây, ông Đặng Minh Khôi cho biết, năm 2020 ảnh hưởng dịch COVID-19 rất nặng nề đến kinh tế, xã hội của cả nước. Tuy nhiên, Việt Nam đã hoàn thành 2 nhiệm vụ được đặt ra từ đầu năm 2020 là kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, tiếp tục phát triển kinh tế, xã hội.
 
 
Môi trường đầu tư Việt Nam đang thu hút doanh nghiệp ngoại - ảnh 2
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài gặp gỡ kiều bào tiêu biểu tại TPHCM
 
“Đến nay, dịch bệnh COVID-19 có bùng phát tại một số địa phương nhưng đang trên đà kiểm soát tốt. Kinh tế tăng trưởng hơn 3%, đó là sự nỗ lực, đóng góp rất lớn của từng người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là lực lượng kiều bào Việt Nam ở nước ngoài. Lượng kiều hối cả nước đạt được 15 tỷ USD, tuy có thấp hơn các năm khác nhưng con số đạt được trong điều kiện khó khăn như năm vừa qua là rất ấn tượng. Kiều bào đang tiếp tục tăng đầu tư về trong nước” – ông Khôi khẳng định và cho biết thêm, điều quan trọng hơn là kiều bào đã đóng góp rất nhiều về chuyển đổi số và phát triển kinh tế - đặc biệt ở TPHCM. Điều này rất quan trọng, góp phần phát triển TPHCM trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước.
 
Theo ông Khôi, để thuận lợi cho kiều bào muốn về quê hương đầu tư, khởi nghiệp, rất cần các sở ban ngành cần tạo cơ chế để hấp dẫn kiều bào trở về, thu hút nguồn lực từ nước ngoài đầu tư phát triển đất nước.
 
Ông Phùng Công Dũng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM cũng cho biết, năm qua dù còn nhiều khó khăn nhưng lượng kiều hối về Thành phố vẫn không sụt giảm mà còn tăng mạnh, đạt hơn 5,5 tỷ USD, tăng 0,82% so với cùng kỳ. “Chúng tôi dự kiến tổ chức hội thảo hiến của kiều bào, đã nhận được 21 đề tài chuyên sâu, đóng góp về xây dựng đô thị thông minh và kêu gọi đầu tư ở TPHCM. Dù chưa tổ chức hội thảo nhưng đã chuyển đến các ban ngành cao nhất của Thành phố” – ông Dũng chia sẻ.
 
Ông Steve Bùi (Việt kiều tại Nhật) cho rằng, Việt Nam có thế mạnh nông sản có thể cạnh tranh trong giai đoạn hiện nay, khi mà dịch bệnh làm cho bản thân bị ảnh hưởng rất nhiều, thay đổi khí hậu… các sản phẩm nông sản Việt Nam nếu được cải tiến, được trồng theo phương thức mới và có hệ thống thì sẽ rất tốt.
 
 “Thời gian vừa qua, chúng tôi đã hỗ trợ rất nhiều cho các trang trại trồng cam như trang trại cam Sơn Nữ ở Tuyên Quang, các trang trại ở Langbiang ở Đà Lạt. Hầu hết các sản phẩm đã được đưa vào các chuỗi của nước ngoài, đồng thời đưa vào hệ thống xuất khẩu ra thế giới. Hy vọng năm nay sẽ có thêm nhiều sản phẩm nông sản Việt được xuất khẩu như vậy” – ông Steve Bùi kỳ vọng.
 
Theo ông Steve Bùi, dù còn khó khăn nhưng kiều bào luôn hướng về quê hương, tổ quốc, luôn cố gắng thúc đẩy việc kinh doanh của chính mình ở bản địa để chuyển về quê hương.
 
“Với cá nhân chúng tôi, luôn là cầu nối để các tập đoàn của Nhật Bản, Hàn Quốc vào đầu tư tại Việt Nam. Chúng tôi nghĩ rằng, năm 2021 Việt Nam sẽ là điểm đến an toàn của các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam. Chúng tôi hy vọng dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát, tạo cơ hội không chỉ cho kiều bào trong nước mà còn các kiều bào ở nước ngoài có cơ hội về Việt Nam dễ hơn, thuận lợi hơn; không chỉ đóng góp vào sản xuất mà còn tạo công ăn việc làm cho những người lao động trong nước” – ông Steve Bùi chia sẻ.
 
Minh Hoa