Một số quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công chưa đáp ứng thực tiễn
Báo cáo của Bộ Tài chính nêu rõ: Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 21/6/2017 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Qua 01 năm triển khai thực hiện, Luật đã được thực hiện một cách chủ động, đồng bộ. Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai, phổ biến, tập huấn các nội dung mới của Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.
Hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc ban hành quy định về phân cấp trong quản lý tài sản công theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP. Vì vậy, việc quyết định trong quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công được thông suốt, tạo sự chủ động cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quản lý, sử dụng tài sản công.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thi hành Luật còn tồn tại một số hạn chế.
Đó là, một số loại tài sản và lĩnh vực còn thiếu các văn bản quy định chi tiết hoặc không còn phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công nhưng chưa được thay thế, sửa đổi, bổ sung, như việc quản lý, khai thác quỹ nhà, đất do Công ty quản lý kinh doanh nhà quản lý, việc chuyển đổi mô hình chợ, tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ, một số loại tài sản kết cấu hạ tầng khác.
Tiến độ ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích trụ sở chuyên dùng, công trình sự nghiệp, máy móc, thiết bị chuyên dùng còn chậm, mới có khoảng 50% bộ, ngành, địa phương ban hành đã ảnh hưởng tới việc đầu tư xây dựng, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo và xử lý tài sản.
Cùng với đó, một số bộ, ngành, địa phương chưa ban hành kịp thời các văn bản phân cấp thẩm quyền; trong đó, một số bộ, ngành, địa phương tiếp tục sử dụng quy định phân cấp đã ban hành trước thời điểm Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực thi hành. Điều này có thể dẫn đến sai thẩm quyền khi quyết định mua sắm, thuê, sử dụng, xử lý tài sản công, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.
Việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP có những hạn chế nhất định như: Chưa bao quát hết các đối tượng; phân cấp thẩm quyền quyết định xử lý nhà, đất còn chưa hợp lý; việc xử lý chuyển tiếp đối với trường hợp nhà, đất thuộc đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định tại các Quyết định số 80/2001/QĐ-TTg, Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg, Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chưa được rõ ràng...
Đáng chú ý, một số quy định được ban hành chưa thực sự đảm bảo đáp ứng với thực tiễn thực hiện như việc quản lý, sử dụng, khai thác các cơ sở nhà, đất do do các Công ty Quản lý, kinh doanh nhà được giao quản lý; việc quản lý, sử dụng, khai thác các loại tài sản kết cấu hạ tầng mà Chính phủ chưa có Nghị định quy định cụ thể như chợ, công viên, khu vui chơi,...
Nguyên nhân của những hạn chế trên được Bộ Tài chính thẳng thắn chỉ rõ, trong đó phải kể đến việc tài sản công ở nước ta có phạm vi rất rộng, do nhiều chủ thể khác nhau quản lý, sử dụng.
Các bộ, ngành chưa ban hành quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo nên không có cơ sở để xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, định mức cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Tài chính sẽ ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó có việc phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện Nghị định quy định về việc thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức Hợp đồng Xây dựng-Chuyển giao.
Đặc biệt, Bộ Tài chính sẽ phối hợp triển khai nội dung của Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật theo hướng đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với thực tiễn.