Muốn 'lấn sân' thị trường 2,2 tỷ dân, doanh nghiệp phải tường tận về RCEP
Hội nghị nhằm cung cấp thông tin về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và các chính sách mới nhất của Việt Nam để thực hiện RCEP đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership - RCEP) là Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa 10 nước ASEAN (trong đó có Việt Nam) và 5 đối tác kinh tế ngoài ASEAN là: Australia, Hàn Quốc, New Zealand, Nhật Bản và Trung Quốc.
Được ký kết vào ngày 15/11/2020, hiệp định có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 sau khi có đủ 6 nước ASEAN và 3 đối tác ngoài ASEAN hoàn tất quá trình phê chuẩn nội bộ.
Theo đó, Hiệp định RCEP tạo nên một thị trường rộng lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới và GDP lên tới 26.200 tỷ USD tương đương 30% GDP toàn cầu. Hơn nữa, RCEP cũng loại bỏ ít nhất 92% dòng thuế nhập khẩu giữa các quốc gia ký kết trong vòng 20 năm, thiết lập các quy tắc chung cho thương mại điện tử, thương mại hàng hóa và quyền sở hữu trí tuệ.
Việt Nam có mối quan hệ thương mại – đầu tư đặc biệt lớn với các nước thành viên ký kết RCEP. So sánh với các FTA khác của khối ASEAN, Hiệp định RCEP có phạm vi cam kết rộng, mức độ tự do hóa mạnh và có tiêu chuẩn cao hơn ở nhiều khía cạnh. Do đó, việc thực thi RCEP được dự báo sẽ có tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế cũng như hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ở Việt Nam.
Văn kiện Hiệp định bao gồm 20 Chương, 4 Phụ lục, với hàng ngàn trang cam kết có nội dung và ngôn ngữ phức tạp. Do đó, việc tìm hiểu nội dung Hiệp định và tận dụng tốt cơ hội từ các cam kết này là thách thức lớn với hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam.
Hội nghị đã làm rõ một số vấn đề liên quan đến Hiệp định RCEP như những nội dung cơ bản Doanh nghiệp cần biết; dự báo một số tác động của RCEP đối với nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam; quy định về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định RCEP (Thông tư 05/2022/TT-BCT ngày 18/2/2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 04/4/2022); một số nội dung về thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt, dịch vụ tài chính và thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại của Việt Nam để thực hiện Hiệp định RCEP.
Trước đó, cuối tháng 3, Cục Phòng vệ Thương mại cũng đã có kế hoạch phối hợp với các hiệp hội và địa phương phổ biến, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp hiểu rõ các quy định về phòng vệ thương mại trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng trong quá trình tham gia Hiệp định.
Nội dung này được đưa ra tại Thông tư hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại trong RCEP mà Bộ Công Thương vừa ban hành nhằm quy định về lĩnh vực phòng vệ thương mại trong Hiệp định RCEP được nêu tại Chương 7; trong đó có một số vấn đề kỹ thuật phức tạp.
Cụ thể như quy định cấm áp dụng phương pháp tính toán quy về 0 (zeroing), nghĩa vụ công bố các dữ kiện trọng yếu và xử lý thông tin mật trong điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp và các cam kết cụ thể về biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp.
Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang các nước RCEP đạt 132,32 tỷ USD, tăng khoảng 16% so với năm 2020 và nhập khẩu 238,5 tỷ USD, tăng 28% so với năm 2020.
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, sau khi RCEP có hiệu lực, Việt Nam sẽ là nước có mức tăng trưởng thương mại và thu nhập cao nhất trong số các thành viên của Hiệp định.
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực mà Hiệp định mang lại, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức như nhập siêu từ khối này còn lớn, nhất là từ Trung Quốc, Hàn Quốc và ASEAN, khả năng hàng hóa xuất khẩu bị áp dụng biện pháp PVTM và các rào cản kỹ thuật khác.
Cho đến nay, Việt Nam đã chịu 93 biện pháp phòng vệ thương mại do các thành viên RCEP điều tra, tác động đến các ngành hàng như thép, sợi, gỗ ... Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đã điều tra 23 vụ việc phòng vệ thương mại đối với các nước RCEP, chủ yếu trong các ngành kim loại, sợi, chất tạo ngọt.