Hiệp định RCEP thúc đẩy vị thế thương mại và đà phục hồi kinh tế của Việt Nam
Hiệp định RCEP được 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 nước đối tác của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand ký kết vào ngày 15/11/2020 bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 do Việt Nam làm Chủ tịch và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. RCEP được kỳ vọng tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, hướng tới xóa bỏ tới 90% thuế quan trong vòng 20 năm giữa các thành viên.
Báo cáo của Standard Chartered nhận định Hiệp định RCEP đang thúc đẩy vị thế thương mại của Việt Nam cũng như và quá trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19. Các mặt hàng xuất khẩu chính được dự báo sẽ hưởng lợi từ RCEP bao gồm công nghệ thông tin, dệt may, da giày, nông nghiệp, ô tô và viễn thông.
Trong dài hạn, hiệp định này sẽ tạo ra nền tảng để tạo dựng một chuỗi cung ứng mới trong khu vực, trong đó vai trò của Việt Nam là hết sức quan trọng; báo cáo nhấn mạnh. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng xuất khẩu hàng năm ở mức 6-7% trong giai đoạn 2021-2030.
“RCEP sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và tiếp cận tốt hơn với các thị trường tiêu dùng lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia. Hiệp định này cũng giúp các nhà sản xuất tại Việt Nam giảm thiểu chi phí và tiếp cận chuỗi cung ứng trên khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Phần lớn nguyên liệu thô phục vụ cho xuất khẩu của Việt Nam được nhập từ các nước tham gia RCEP”, ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam từ Standard Chartered nhận định.
Vị này cũng cho rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn chiếm 98% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam và đóng góp 40% vào GDP, sẽ hưởng lợi khi RCEP mang đến cơ hội giúp các doanh nghiệp phát triển lên những nấc thang cao hơn trong chuỗi cung ứng.
Dù vậy, bên cạnh các yếu tố thuận lợi, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn ở cả trong nước lẫn tại các thị trường xuất khẩu khi RCEP có hiệu lực.
Chẳng hạn, đối với lĩnh vực xuất khẩu, Hiệp định RCEP sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh từ các nước Đông Nam Á, trong đó có một số quốc gia cũng sở hữu thế mạnh về các sản phẩm tương tự như Việt Nam. Nhưng ở một góc nhìn khác, chính sự cạnh tranh như vậy có thể thúc đẩy Việt Nam chuyển đổi sang sản xuất ứng dụng công nghệ cao.
“Qua RCEP, Việt Nam có thể mua các nguyên vật liệu chất lượng cao từ các nước thành viên một cách dễ dàng hơn và tiếp cận tốt hơn với các thị trường để cung cấp các loại hàng hóa có giá trị gia tăng cao", báo cáo của Standard Chartered chỉ ra.
Ở quy mô rộng lớn hơn, RCEP sẽ thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế của Trung Quốc với phần còn lại của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong khi đó, Mỹ không có tên trong RCEP. Theo Standard Chartered, Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi với vai trò là cơ sở sản xuất thay thế khi các doanh nghiệp áp dụng chiến lược Trung Quốc + 1. Tuy nhiên, các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc cũng sẽ có thể tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường Việt Nam, mang đến những thách thức cho các doanh nghiệp nội địa.
Các chuyên gia của Standard Chartered dự báo thặng dư cán cân vãng lai và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI sẽ tiếp tục là những yếu tố quan trọng hỗ trợ cho Việt Nam Đồng (VND) trong dài hạn. Theo đó, Hiệp định RCEP sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam, hỗ trợ cán cân vãng lai và thu hút thêm dòng vốn FDI.
“Tổng cán cân vãng lai và vốn đầu tư trực tiếp ròng vào Việt Nam đạt mức trung bình 19 tỷ USD/năm trong 9 năm qua. Với kết quả này, chúng tôi kỳ vọng VND sẽ tiếp tục tăng giá trong những năm tới. Chúng tôi dự báo tỷ giá USD-VND sẽ đạt 22.500 vào cuối năm 2022 và 22.000 và cuối năm 2023”, ông Divya Devesh, Trưởng nhóm nghiên cứu ngoại hối khu vực ASEAN và Nam Á, Ngân hàng Standard Chartered nhận định.