MWG đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 lạc quan, nhưng SSI Research dự báo thận trọng hơn
MWG gần đây đã tổ chức ĐHCĐ thường niên, thông qua kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2023 lần lượt là 135.000 tỷ đồng và 4.200 tỷ đồng, tăng nhẹ 1-2% so với cùng kỳ.
ĐHCĐ còn thông qua mức cổ tức 5% bằng tiền mặt cho năm tài chính 2022 và kế hoạch mua lại cổ phiếu quỹ tùy thuộc vào dòng tiền của công ty và giá thị trường.
Kế hoạch lạc quan này dường như đi ngược lại một số dự báo Chứng khoán SSI Research trong báo cáo triển vọng doanh nghiệp gần đây. Theo đó, SSI Research đã giảm 11% dự báo lợi nhuận ròng năm 2023 của MWG so với báo cáo trước đó, xuống gần 4.000 tỷ đồng với kỳ vọng lợi nhuận sẽ phục hồi từ quý IV/2023.
Về nguyên nhân hạ dự báo, các chuyên gia lý giải rằng trong quý I, các chỉ số kinh tế vĩ mô kém hơn kỳ vọng, thêm vào đó là doanh thu của ICT & CE (mảng điện thoại và điện máy) ở mức thấp trong 2 tháng đầu năm 2023.
Bộ phận phân tích SSI cho rằng lợi nhuận của doanh nghiệp có thể chạm đáy trong nửa đầu năm 2023 trong bối cảnh lạm phát có thể đạt đỉnh. Tuy nhiên, mức giảm lợi nhuận của MWG trong 2 quý đầu năm có thể không nhiều bằng 2 đối thủ là CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (mã: FRT) và CTCP Thế giới số (mã: DGW) nhờ tỷ trọng đóng góp của điện máy (có tính thiết yếu) của MWG cao hơn.
Kế hoạch kinh doanh từng mảng lạc quan của MWG
Trong năm 2022, MWG đạt doanh thu 134.722 tỷ đồng, tăng 9% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 4.100 tỷ đồng, giảm 16% năm trước. Trong đó, chuỗi di động và điện máy lần lượt đóng góp 35.000 tỷ đồng và 69.000 tỷ đồng doanh thu, cả 2 mảng này chiếm tới 77% thu nhập của tập đoàn.
Tại MWG, mảng ICT & CE dự kiến bị ảnh hưởng trong nửa đầu năm 2023, cùng với những thách thức của nền kinh tế vĩ mô và việc thắt chặt tín dụng của các công ty tài chính tiêu dùng.
Thực tế, kết quả kinh doanh 2 tháng đầu năm của Thế giới Di động (TGDĐ) và Điện máy Xanh (ĐMX) kém hơn dự kiến, giảm 32% so với cùng kỳ khiến công ty phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2023 từ khoảng 4.200-4.700 tỷ đồng, tăng 2-15% so với cùng kỳ xuống 4.200 tỷ đồng, tăng 2% (mức thấp nhất trong dự báo).
Sau 3 tháng đi vào hoạt động, một cửa hàng Erablue - liên doanh mới của MWG tại Indonesia - đã tạo ra doanh thu bình quân tháng là 4 tỷ đồng, tương đương với một cửa hàng ĐMX ở Việt Nam với cùng quy mô. Với mức doanh thu này, các cửa hàng Erablue (khoảng 5 cửa hàng tính ở thời điểm hiện tại) có thể tự trang trải chi phí, nhưng công ty vẫn ghi nhận khoản lỗ cho chuỗi cửa hàng này do chi phí ban đầu khá lớn. Với kết quả khả quan, chuỗi cửa hàng này sẽ được mở rộng từ giữa quý II/2023.
Nhìn chung, ban lãnh đạo MWG dự kiến mảng ICT & CE sẽ phục hồi trở lại từ quý III hoặc quý IV năm nay cùng với sự phục hồi của kênh xuất khẩu, lãi suất hạ nhiệt và nhà nước đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.
Tuy nhiên, từ việc ghi nhận doanh thu kém hơn kỳ vọng ở mảng ICT & CE trong những tháng gần đây, SSI Research đã điều chỉnh giảm dự phóng năm 2023 cho chuỗi ICT & CE từ 105.000 tỷ đồng xuống 89.300 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ. Bộ phận phân tích cho rằng những khó khăn vĩ mô sẽ thuyên giảm từ quý IV/2023, và mức tiêu dùng cũng sẽ phục hồi, do đó doanh thu mảng ICT & CE trong năm 2024 dự báo đạt 97.000 tỷ đồng, tăng 8%.
Với mảng bách hóa, suốt nhiều năm, Bách hoá Xanh (BHX) liên tục ghi nhận lỗ. Số lỗ luỹ kế giai đoạn 2016-2022 đã lên tới 7.395 tỷ đồng, trong đó 2022 lỗ kỷ lục nhất với 2.961 tỷ.
Sau giai đoạn mở rộng nhanh chóng trong giai đoạn 2019-2021, công ty đã ngừng mở mới vào năm 2022 để tập trung hơn vào các hoạt động nội bộ, bao gồm cả việc điều chỉnh danh mục sản phẩm. Theo đó, MWG sẽ tập trung hơn và đầu tư hơn cho thực phẩm tươi sống (chiếm 40% doanh thu bách hóa).
MWG vẫn đặt mục tiêu đạt điểm hòa vốn cho mảng bách hóa vào cuối năm 2023.
Ở góc nhìn thân trong hơn, các chuyên gia SSI cho rằng, điều này là thách thức trong bối cảnh người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và chuyển từ mua sắm từ các minimart sang chợ truyền thống trong giai đoạn suy thoái kinh tế. Thực tế tiêu dùng đã kém hơn kỳ vọng trong 2 tháng đầu năm 2023, SSI Research đã điều chỉnh giảm dự báo doanh thu của BHX từ 29.600 tỷ đồng xuống 27.500 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ, tương đương mỗi cửa hàng thu về 1,3 tỷ đồng/tháng.
Dự báo doanh thu cho năm 2024 của BHX là 31.900 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ với động lực tăng trưởng đến từ việc mở mới và doanh thu tại mỗi cửa hàng được cải thiện. Tuy nhiên, SSI Research dự phóng mảng này có thể vẫn ghi nhận lỗ trong năm 2023-2024.
Về mảng dược phẩm, theo số liệu từ MWG, năm 2022 vừa qua, chuỗi nhà thuốc An Khang đạt doanh thu 1.500 tỷ đồng và báo lỗ 306 tỷ đồng. Con số này cao gấp hàng chục lần số lỗ của năm 2019 (6 tỷ đồng) và năm 2020 (6,4 tỷ đồng). Trong năm 2022, An Khang có sự thay đổi chóng mặt về chiến lược. Trong nửa đầu năm, An Khang mở rộng mạnh mẽ, tăng từ 178 cửa hàng lên 510 cửa hàng chỉ trong 6 tháng. Hiện tại, doanh thu mỗi cửa hàng khoảng 350 triệu đồng.
Để khắc phục tình trạng lỗ kéo dài trong nhiều năm, MWG lên kế hoạch ngừng mở cửa hàng và có thể cần thuê chuyên gia bên ngoài để tham gia tư vấn cho quá trình phát triển trong tương lai.
Với những khó khăn trong việc dự báo nhu cầu ở từng khu vực, chuỗi cửa hàng An Khang phải đối mặt với tình trạng khan hàng. Tuy nhiên, người tiêu dùng có nhu cầu mua thuốc ngay, nên họ sẽ chọn mua ở các cửa hàng còn thuốc thay vì phải đợi 2-3 ngày sau mới nhận được hàng. SSI Research cho rằng MWG cần nghiên cứu lại danh mục sản phẩm ở từng khu vực để đáp ứng nhu cầu, từ đó tăng doanh thu để đạt mức hòa vốn.