MWG đối diện với nhiều thách thức, lãnh đạo vẫn quyết gia tăng cổ phần

Thùy Dương 14:42 | 30/11/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo thông báo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM ngày 29/11, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG) công bố kết quả giao dịch của người nội bộ. Cụ thể, ông Vũ Đăng Linh, Giám Đốc Tài Chính đã mua thành công 60 nghìn cổ phiếu (cp) MWG theo phương thức khớp lệnh trên sàn.

Trước đó, ông Linh nắm giữ hơn 1.308.802 cp tương ứng tỷ lệ 0,089% vốn. Giao dịch thành công đã nâng khối lượng cp của ông Linh lên 1.368.802 cp với tỷ lệ trên vốn chủ sở hữu đạt 0,094%.

Động thái mua vào của lãnh đạo MWG được thực hiện trong bối cảnh các công ty chứng khoán đều chung nhận định rằng suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của MWG trong thời gian tới, khả năng sinh lời thấp hơn kỳ vọng và vẫn trong xu hướng giảm.

Các công ty chứng khoán cũng đã cho ra báo cáo nhận định tình hình kinh doanh sắp tới của MWG.

Theo báo cáo công ty ngày 28/11 từ SSI Research, kết quả kinh doanh trong quý IV/2022 của MWG sẽ bị ảnh hưởng bởi mức tiêu thụ cho các mặt hàng không thiết yếu giảm đi, lãi suất tăng và lỗ tỷ giá.

Ban lãnh đạo công ty dự kiến lợi nhuận ròng năm 2022 sẽ giảm 10% so với cùng kỳ, tương đương với mức tăng trưởng lợi nhuận ròng trong quý IV/2022 giảm 40% so với cùng kỳ.

Đối với năm 2023, MWG dự kiến lợi nhuận của mảng ICT & CE (Công nghệ thông tin và Truyền thông) chỉ cải thiện từ nửa cuối năm. Trong khi đó, khả năng sinh lời của mảng BHX (Bách hóa xanh) đang được cải thiện và mảng này đã ghi nhận EBITDA (Lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao) dương trong tháng 10. Việc huy động vốn cho BHX vẫn đang được tiến hành và dự kiến sẽ hoàn thành vào quý I năm 2023.

Do đó, SSI Research điều chỉnh giảm lần lượt 15% và 19% đối với ước tính lợi nhuận sau thuế năm 2022 và 2023 của MWG xuống 4,37 nghìn tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ và 4,74 nghìn tỷ đồng, tăng 8,4 so với cùng kỳ.

Mặc dù lợi nhuận của mảng ICT & CE có thể giảm trong năm 2023, những sự cải thiện về khả năng sinh lời của mảng BHX, và việc không phát sinh chi phí tái cấu trúc ghi nhận một lần sẽ giúp MWG đạt tăng trưởng lợi nhuận ròng dương vào năm 2023.

Trước đó, ngày 25/11, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đưa ra quan điểm rằng sức mua của người tiêu dùng yếu đi báo hiệu triển vọng không mấy khả quan đối với hàng tiêu dùng không thiết yếu trong năm 2023. Theo đó, việc tiếp tục gia tăng thị phần là chìa khóa giúp MWG vượt trội so với thị trường chung.

Tuy nhiên, do các yếu tố vĩ mô cơ bản khó khăn hơn, BVSC điều chỉnh giảm dự báo doanh thu và lãi ròng năm 2022 của MWG xuống lần lượt là 137.023 tỷ đồng, tăng 11,4% và 4.428 tỷ, giảm 9,6%.

BVSC cũng giảm 14,2% dự báo lãi ròng năm 2023 của MWG xuống 5.402 tỷ, tăng 22% và giữ nguyên dự báo doanh thu thuần năm 2023 là 131.564 tỷ, giảm 4%.

Dự báo tăng trưởng lợi nhuận ròng trong năm 2023 của BVSC chủ yếu đến từ các khoản mục không cốt lõi, bao gồm chi phí tài chính ròng giảm, nhờ quản lý vốn lưu động tốt và lỗ tỷ giá hối đoái, và thiếu vắng chi phí một lần từ việc đóng cửa các cửa hàng hiệu quả thấp của BHX.

Tương tự, đầu tháng 11, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) công bố báo cáo phân tích doanh nghiệp cho rằng khả năng sinh lời của MWG thấp hơn kỳ vọng và vẫn trong xu hướng giảm khi MWG ghi nhận biên lãi ròng 3,4% trong 10 tháng 2022 so với 3,9% trong 10 tháng 2021.

Biên lãi ròng trong tháng 10/2022 của MWG đã cải thiện lên 3,3% từ 2,8% trong quý 3/2022. Dù vậy, biên lợi nhuận ròng nhìn chung vẫn duy trì không đổi so với giai đoạn tháng 3 -5/2022, mà theo các chuyên gia một phần là do khả năng sinh lời của Thế giới Di động và Điện máy xanh giảm do nhu cầu tại Điện máy xanh thấp hơn.

 

Mặt khác, BHX đã đạt được mức hòa vốn EBITDA ở mức độ công ty vào tháng 10/2022, theo ban lãnh đạo. Trong thời gian tới, MWG sẽ ưu tiên tối đa hóa dòng tiền hơn là duy trì khả năng sinh lời, điều này cho thấy công ty có thể sẽ áp dụng các chương trình chiết khấu, khuyến mãi để giải phóng hàng tồn kho nếu cần thiết.

Năm 2023, MWG giảm áp lực lỗ chênh lệch tỷ giá

Theo ban lãnh đạo, MWG đầu tư vào trái phiếu có kỳ hạn từ 3-6 tháng do các ngân hàng lớn phát hành và có tài sản đảm bảo. Số trái phiếu với trị giá khoảng 1,1 nghìn tỷ đồng (trong tổng số hơn 1,6 nghìn tỷ đồng trái phiếu) đã đáo hạn gần đây và công ty đã thu lại đủ các khoản được thanh toán.

Về nợ ngoại tệ, tính đến quý III/2022, MWG có khoản nợ ngoại tệ là 370 triệu USD. USD đã tăng giá 8,7% so với đầu năm, do đó làm giảm đáng kể doanh thu tài chính trong quý IV/2022.

Vào cuối tháng 11, MWG đã hoàn trả khoản vay 120 triệu USD, điều này giúp giảm bớt áp lực lỗ chênh lệch tỷ giá vào năm 2023. Việc tăng lãi suất và cơ cấu lại nợ để kéo dài thời gian đáo hạn cũng sẽ ảnh hưởng đến thu nhập tài chính của công ty.

SSI ước tính chi phí tài chính thuần năm 2022 của MWG là 227 tỷ đồng trong khi năm 2023 giảm xuống còn 95 tỷ đồng nhờ đồng USD giảm giá và dư nợ ngoại tệ giảm.