Mỹ: FDIC đưa ra ba đề xuất về bảo hiểm tiền gửi sau khi First Republic Bank phá sản
FDIC đã đưa ra ba đề xuất: tăng giới hạn bảo hiểm lên mức cao hơn, loại bỏ hoàn toàn giới hạn hoặc chỉ tăng giới hạn bảo hiểm cho các tài khoản kinh doanh, vốn đang được sử dụng để trả lương cho người lao động.
Tuy nhiên, để thực hiện sự thay đổi theo các đề xuất trên, FDIC sẽ cần Quốc hội thông qua luật. Lần gần đây nhất các nhà lập pháp Mỹ tăng giới hạn bảo hiểm tiền gửi là sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Theo Chủ tịch FDIC Martin Gruenberg, việc mở rộng bảo hiểm tiền gửi có khả năng tạo ra rủi ro về mặt nguyên tắc khi khuyến khích các ngân hàng chấp nhận rủi ro cao hơn, song các quy định và việc giám sát chặt chẽ có thể giảm bớt những lo ngại này.
Ông Gruenberg lưu ý các tài khoản thanh toán của doanh nghiệp đặt ra mối lo ngại về sự ổn định tài chính cao hơn so với các tài khoản khác, do việc không thể tiếp cận các tài khoản này có thể dẫn đến những tác động kinh tế lớn hơn. Do đó, mở rộng bảo hiểm tiền gửi cho các tài khoản doanh nghiệp có thể đáp ứng các mục tiêu cơ bản của bảo hiểm tiền gửi với chi phí thấp nhất.
FRB hôm 1/5 đã trở thành ngân hàng lớn thứ hai của Mỹ sụp đổ. FDIC sau đó đã thu hồi tài sản của FRB và sắp xếp bán lại cho JPMorgan Chase, với hy vọng có thể khép lại cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng kéo dài hai tháng qua.
Các cơ quan quản lý Mỹ cũng đang nỗ lực ngăn chặn cuộc khủng hoảng niềm tin vào hệ thống ngân hàng khiến người gửi tiền rút tiền từ các ngân hàng hạng trung có tỷ lệ tiền gửi không được bảo hiểm cao. Các ngân hàng hạng trung được cho là đã thúc giục FDIC bảo hiểm tất cả các khoản tiền gửi trong hai năm để ngăn dòng tiền gửi chảy sang các ngân hàng lớn hơn.