Xuất khẩu tôm trên đà phục hồi, Sao Ta (FMC) thu về gần 4.000 tỷ sau 9 tháng
Theo báo cáo tài chính vừa công bố, trong quý III, FMC ghi nhận 1.793 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng do giá vốn tăng mạnh hơn với 3%, lên mức 1.609 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận gộp doanh nghiệp đạt 184 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận có phần thu hẹp hơn từ 10,9% xuống 10,3%.
Kỳ này, doanh thu tài chính của doanh nghiệp tăng nhẹ lên mức 21 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí tài chính tăng tới 141%, lên mức 32 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí tài chính và quản lý doanh lý được FMC tiết giảm 27% và 25% xuống chỉ còn 67 tỷ đồng và 18 tỷ đồng.
Nhờ đó, FMC công bố lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý III đạt 89 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Riêng lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ đạt 82 tỷ đồng, tăng 6%.
FMC cho biết kết quả này đến từ mảng kinh doanh tôm của công ty thành viên Khang An hoạt động có lãi 7,76 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 20,70 tỷ đồng và được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần FMC đạt 3.935 tỷ đồng, giảm gần 15% và lợi nhuận sau thuế đạt 213,5 tỷ đồng, giảm hơn 11% so với cùng kỳ. Công ty mẹ mang về 194 tỷ đồng.
Năm 2023, công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 5.900 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 400 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm, công ty đã hoàn thành 65% kế hoạch doanh thu và 53% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), xuất khẩu tôm Việt Nam trong tháng 9 năm nay nhìn thấy tín hiệu tích cực từ các thị trường như Mỹ, Australia, Canada, Bỉ, Đài Loan với mức tăng trưởng dương từ 1%-54%. Các thị trường lớn còn lại như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn ghi nhận tăng trưởng âm từ 10%-26% tuy nhiên mức giảm đã thấp hơn so với những tháng trước đó.
Cụ thể, Mỹ (1 trong 3 thị trường lớn nhất của FMC) được coi là quốc gia có xu hướng tích cực về nhập khẩu tôm từ Việt Nam khi kim ngạch tiếp tục tăng trưởng dương trong tháng 9 - đánh dấu tháng thứ 3 liên tiếp tăng trưởng dương. 9 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 520 triệu USD, giảm 23%.
Tính đến cuối quý III, FMC có tổng tài sản đạt 3.595 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với đầu năm. Trong đó, hơn 56 tỷ đồng tiền và tương đương tiền; gần 290 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn. Khoản tăng mạnh cũng đến phải thu ngắn hạn của khách hàng với 662 tỷ đồng, gấp 2,7 lần đầu năm. Hàng tồn kho cũng tăng gần 34%, lên 1.242 tỷ đồng, chủ yếu là thành phẩm.
Tính đến 30/9/2023, nợ phải trả của FMC còn gần 1.450 tỷ đồng, tăng hơn 66%, tương đương 578 tỷ so với đầu năm. Nợ phần lớn là nợ ngắn hạn với 1.152 tỷ đồng, gấp 2,2 lần, chủ yếu nằm tại các ngân hàng Vietcombank chi nhánh Sóc Trăng, VietinBank chi nhánh Sóc Trăng và VIB chi nhánh Cần Thơ.
Trong phân tích đầu tháng 9, SSI Research ước tính tỷ suất lợi nhuận gộp của Thực phẩm Sao Ta trong cả năm nay sẽ ở mức 10,8%, so với mức 11% trong năm 2022, và dự kiến sẽ nâng lên mức 11,2% trong năm 2024. Đặc biệt, việc Thực phẩm Sao Ta đẩy mạnh khai thác thị trường Nhật Bản đang đem lại lợi thế cho doanh nghiệp này.
Thị trường Nhật Bản thường có giá bán tôm bình quân cao hơn các thị trường xuất khẩu tôm khác của Việt Nam. Thị trường này cũng có mức độ cạnh tranh hạn chế và rào cản gia nhập cao do người tiêu dùng ưa chuộng các sản phẩm chế biến sâu - vốn là thế mạnh của ngành tôm Việt Nam nói chung, Thực phẩm Sao Ta nói riêng. Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về sản phẩm giá trị gia tăng so với các nước chủ yếu xuất khẩu sản phẩm tôm nguyên liệu như Ấn Độ và Ecuador.
Thị trường Nhật Bản chiếm 40% tổng thị phần xuất khẩu của Thực phẩm Sao Ta trong nửa đầu năm nay và thị trường này duy trì ổn định so với các thị trường khác. Trong những tháng vừa qua, doanh nghiệp này đã chủ động giảm giá bán bình quân để chia sẻ áp lực với các nhà phân phối tại Nhật Bản do nhu cầu yếu cũng như tỷ giá USD/JPY suy giảm.
Bên cạnh đó, theo phân tích của Vasep, cùng với xu hướng tăng nhập khẩu tôm, dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ cũng khá khả quan. Theo dự báo của IMF, kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,1% trong năm 2023 và 1,5% trong năm 2024, lần lượt tăng 0,3 và 0,5 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 7.
Mỹ là nhà xuất khẩu năng lượng ròng nên thu lợi nhuận nhiều hơn khi giá năng lượng tăng do tác động từ xung đột Nga-Ukraine. Bên cạnh đó, chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ ổn định hơn, ít chịu tác động từ các biện pháp tăng lãi suất do tỷ lệ nợ thế chấp dài hạn cao hơn và các biện pháp hỗ trợ tài chính thời kỳ Covid-19 tại Mỹ cũng “hào phóng” hơn.
Với những tín hiệu tích cực hơn từ các thị trường như Mỹ, Canada, Australia, nhu cầu tôm chế biến sâu có xu hướng tăng vào dịp lễ cuối năm, xuất khẩu tôm Việt Nam trong những tháng cuối năm nay tiếp tục thu hẹp mức giảm và ghi nhận kết quả tích cực hơn nửa đầu năm.