Mỹ và Đức cuống cuồng nạp dầu vào kho dự trữ
Quá trình đấu thầu sẽ bắt đầu vào mùa thu, với mục tiêu bổ sung khoảng 1/3 trong số 180 triệu thùng đã xuất kho sau khi giá dầu tăng mạnh liên quan tới khủng hoảng Nga - Ukraine.
Bộ Năng lượng Mỹ cho biết đã đặt thời gian mua lại và giao hàng tiếp theo khi dự đoán giá dầu sẽ giảm đáng kể.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm cho hay, Kho SPR, nguồn cung cấp khẩn cấp lớn nhất trên thế giới, là một công cụ có giá trị để bảo vệ nền kinh tế Mỹ và người tiêu dùng khỏi sự gián đoạn nguồn cung, cho dù là do các trường hợp khẩn cấp ở trong nước hay nước ngoài.
Bộ Năng lượng Mỹ cho biết sẽ thực hiện các bước nhằm nới lỏng các quy định mua lại để cho phép đưa giá thầu cạnh tranh hơn trong hệ thống định giá theo chỉ số thông thường được sử dụng để bán dầu từ Kho SPR.
Việc mua lại này tách biệt với việc bán dầu từ Kho SPR nhằm tăng doanh thu do Quốc hội Mỹ ủy nhiệm, mà cơ quan này dự đoán sẽ đạt tổng cộng khoảng 265 triệu thùng từ năm tài chính 2023 đến 2031.
Cuối tháng 3/2022, Tổng thống Mỹ Biden đã công bố đợt "giải phóng" lớn nhất từ trước đến nay từ Kho SPR - với 180 triệu thùng trong vòng 6 tháng, để bù đắp mức giá tăng đột biến bắt đầu nhiều tháng trước đó và do chiến sự ở Ukraine.
Trước đó, chính quyền Mỹ đã công bố lượng dầu xuất từ Kho SPR thấp hơn là 30 triệu thùng vào tháng 3/2022 và 50 triệu thùng vào tháng 11/2022.
Dự trữ dầu tại SPR được cho là đang ở mức thấp nhất trong 20 năm, trước khi Tổng thống Biden ngày 31/3 tuyên bố xả một triệu thùng mỗi ngày liên tục trong 6 tháng nhằm bình ổn giá năng lượng leo thang do ảnh hưởng từ khủng hoảng Ukraine.
Đức bắt đầu trữ khí đốt sau khi EU tuyên bố cấm nhập dầu từ Nga
Từ 5/5, Đức bắt đầu bơm khí đốt làm đầy Rehden - cơ sở dự trữ khí đốt lớn nhất châu Âu. Trước đó, Rehden thuộc sở hữu của Gazprom Germania, chi nhánh của tập đoàn Gazprom tại Đức. Vào tháng trước, Gazprom đã từ bỏ hoạt động kinh doanh tại Đức. Sau đó, chính phủ Đức đã chỉ định ủy ban quản trị để tạm thời điều hành Gazprom Germania.
"Từ hôm nay, một lượng nhỏ khí đốt bắt đầu được bơm vào. Chúng tôi đang quyết liệt tìm giải pháp bảo đảm sẽ có nhiều khí đốt hơn được đưa đến cơ sở lưu trữ này", Egbert Laege, người được chính phủ Đức ủy thác quyền quản lý Gazprom Germania, cho biết hôm 5/5.
Rehden có sức chứa khoảng 4 tỷ m3 khí đốt. Tuy nhiên trong suốt mùa đông năm 2021, chỉ một lượng nhỏ khí đốt được đưa đến cơ sở này.
Hiện mức khí đốt tại Rehden là dưới 0,6% sức chứa, thấp hơn rất nhiều so với mức dự trữ trung bình 36% của các cơ sở lưu trữ khí đốt trên toàn nước Đức.
Nhà chức trách Đức cho biết chính phủ sẽ tạm thời kiểm soát Gazprom Germania tới 30/9. Hiện chưa rõ chuyện gì sẽ xảy ra sau thời điểm nói trên.
Trước khi chiến sự bùng phát tại Ukraine, khoảng 50% lượng khí đốt tiêu thụ của Đức đến từ Nga. Hiện nay, con số này đã được giảm xuống còn 35%. Tuy vậy, chính phủ Đức thừa nhận sẽ không thể sớm từ bỏ hoàn toàn nhập khẩu khí đốt Nga.
Ngân hàng Trung ương Đức cảnh báo nước này có thể rơi vào suy thoái kinh tế nêu EU cấm vận khí đốt Nga. Trong kịch bản nguồn cung bị gián đoạn, khí đốt sẽ được ưu tiên cho bệnh viện và người dân, dẫn tới nguy cơ thiếu hụt ở các nhà máy, doanh nghiệp.