Năm 2020 Việt Nam có 22 công ty đa cấp với 800.000 người tham gia, doanh thu hơn 15.300 tỷ đồng
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, năm 2020, kinh doanh đa cấp ở Việt Nam nhìn chung đã có sự khác biệt hơn hẳn về chất so với vài năm trước.
Cụ thể, theo báo cáo của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, năm 2020 toàn quốc có 22 công ty đa cấp, thu hút hơn 800.000 người tham gia, doanh thu cả năm của các đơn vị trên khoảng trên 15.300 tỷ đồng.
Để so sánh, có thể thấy số lượng doanh nghiệp đa cấp trong năm 2020 đã giảm xuống khoảng 3 lần so với 5 năm trước, chỉ còn 22 đơn vị, số người kinh doanh đa cấp cũng giảm, chỉ còn khoảng 800.000 người tham gia.
Doanh nghiệp và lượng người tham gia giảm nhưng doanh thu của các công ty còn trụ lại trên thị trường lại khả quan hơn hẳn. Năm 2020, tổng doanh thu của các công ty đa cấp (15.300 tỷ đồng) đã tăng gấp đôi so với 8.000 tỷ đồng thời điểm 2015. Số tiền nộp cho Ngân sách Nhà nước cũng tăng gấp ba lần từ 588 tỷ đồng lên 1.837 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2015, Việt Nam có 67 doanh nghiệp kinh doanh đa cấp, với 850.000 người tham gia mạng lưới. Năm 2018, số người tham gia kinh doanh đa cấp đạt đỉnh cao, với hơn 1,2 triệu người.
Năm 2019, Việt Nam nằm tốp 5 thị trường thế giới tăng trưởng doanh thu bán hàng đa cấp nhanh nhất năm. Số người bán hàng đa cấp đứng thứ 5 Đông Nam Á, chỉ đứng sau Indonesia, Thái Lan, Philipines và Malaysia.
Hơn 1.800 tỷ đồng tiền nộp vào Ngân sách từ các doanh nghiệp đa cấp
Số doanh nghiệp giảm và tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp trong năm 2020 cho thấy kinh doanh đa cấp tại Việt Nam đã phát triển theo chiều sâu và chất lượng phần nào cũng được cải thiện.
Điều này có lý do từ việc các cơ quan quản lý đã ban hành ra những quy định chặt chẽ, điều kiện pháp lý tương đối chặt đối với hình thức kinh doanh đa cấp. Đây là những biện pháp cần thiết để thanh lọc thị trường, tạo một cơ hội đúng nghĩa cho doanh nghiệp kinh doanh chân chính phát triển.
Tuy nhiên, hiện các cơ quan quản lý đang tiếp tục đối diện và xử lý nhiều biến dạng khác của mô hình đa cấp. Chẳng hạn như đa cấp tiền ảo, đa cấp bất động sản.... đang có dấu hiệu lừa đảo tinh vi hơn, liên quan tới nhiều đối tượng có kinh nghiệm và hiểu biết pháp luật hơn hẳn.
Những biến tướng của các hình thức đa cấp kiểu mới có thể là lợi dụng môi trường mạng và hình thức thương mại điện tử để kêu gọi người tham gia dưới các danh nghĩa như kinh doanh 4.0, công nghệ số, nền tảng số… đây đều là những hoạt động không được sự cho phép của pháp luật, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều cơ quan quản lý liên ngành.
Trong thời gian sắp tới, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục xây dựng hành lang pháp lý, thực hiện các nhóm giải pháp liên quan tới vấn đề quản lý, trợ giúp các địa phương khó khăn trong công tác quản lý bán hàng đa cấp không có địa chỉ hoạt động cố định...
Đa cấp là một hình thức kinh doanh du nhập vào Việt Nam từ những năm 2000. Khi chính thức gia nhập WTO, chấp nhận hình thức kinh doanh này một trong những điều khoản mà các nước yêu cầu Việt Nam. Điều này đã tạo ra một làn sóng mới, thu hút nhiều người thuộc mọi tầng lớp tham gia vào lĩnh vực bán hàng đa cấp mới mẻ thời điểm đó.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển thì đa cấp cũng trở nên biến tướng, là cơ hội để cho những kẻ lừa đảo nhẹ dạ, cả tin. Tiêu biểu năm 2016, nhiều vụ việc liên quan tới doanh nghiệp đa cấp đã gây thiệt hại cho hàng trăm nghìn người tham gia với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng, để lại ấn tượng xấu cho người dân về loại hình này.
H.S
Xem thêm: Bộ Công Thương quy định những gì để công ty nước ngoài được bán hàng đa cấp tại Việt Nam?