Nam giới Nhật Bản được khuyến khích nghỉ phép tối đa 4 tuần để chăm sóc gia đình khi vợ sinh con
Tờ Japan times ngày 3/6 đưa tin rằng, tại phiên họp toàn thể diễn ra cùng ngày tại Tokyo, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua dự luật sửa đổi Luật Nghỉ phép chăm sóc và giáo dục trẻ em, theo đó khuyến khích nam giới nghỉ phép tối đa 4 tuần để chăm sóc gia đình khi vợ sinh con.
Cụ thể trong vòng 8 tuần kể từ khi vợ sinh con các ông bố có thể được phép đăng ký nghỉ tối đa 4 tuần để chăm sóc gia đình, và có thể chia khoảng thời gian này thành 2 nếu muốn.
Các cơ quan, doanh nghiệp phải có trách nhiệm tạo điều kiện tốt nhất giúp nhân viên cân bằng giữa công việc và gia đình.
Dự luật này dự kiến sẽ được bắt đầu triển khai vào tháng 10 năm sau. Thời điểm các ông bố đăng ký nghỉ phép với nơi làm việc là trong khoảng thời gian 1 tháng hoặc 2 tuần trước ngày vợ dự kiến sinh.
Nam giới Nhật Bản được khuyến khích nghỉ tối đa 4 tuần để chăm sóc gia đình sau khi vợ sinh con
Về chế độ tiền lương, khi nam giới nghỉ để chăm sóc gia đình sau khi vợ sinh con sẽ được hưởng lên đến 80% lương trong thời gian nghỉ, do bảo hiểm chi trả.
Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, nhiều ông bố mong muốn được nghỉ chăm con ngay sau khi vợ sinh con, thời điểm mà các bà mẹ thường có xu hướng bị trầm cảm sau khi sinh.
Trong 2019, chỉ có 7,48% nam giới ở Nhật Bản làm việc trong các khu vực kinh tế tư nhân được nghỉ việc để chăm sóc con cái, trong khi tỷ lệ này ở phụ nữ 83%. Chính phủ Nhật Bản hiện đang đặt mục tiêu nâng tỷ lệ nam giới lên 30% vào năm 2025.
Các chuyên gia phúc lợi cho biết Nhật Bản dẫn đầu thế giới về quy định nghỉ phép có lương cho các ông bố. Nhưng văn hóa doanh nghiệp lấy nam giới làm trung tâm của quốc gia này, vốn ủng hộ những người đặt công việc lên trước gia đình, đã khiến việc cân bằng giữa công việc và gia đình của nam giới bị cản trở.
Luật sửa đổi cũng sẽ buộc các công ty phải thông báo cho nhân viên biết về rõ luật này và cam kết thực thi luật này bắt đầu từ tháng 4 năm sau.
Các công ty có quy mô hơn 1.000 nhân viên cũng được yêu cầu phải thông báo tình trạng nhân viên nghỉ chăm sóc gia đình khi vợ sinh con từ tháng 4/2023.
H.A
Xem thêm: Nắm giữ nguyên tắc '3 không' của người Nhật để nhanh 'thoát nghèo'