Nan giải vấn đề thu hút chủ đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội
Theo số liệu từ Bộ Xây dựng cho biết, trong Quý III/2020 số lượng dự án Nhà ở xã hội (NƠXH) hoàn thành đưa vào sử dụng rất ít, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 04 dự án, quy mô xây dựng khoảng hơn 3.630 căn, tương ứng khoảng hơn 181.500 m2 và không có dự án mới được khởi công.
Theo đó nâng tổng số dự án NƠXH đã hoàn thành trên cả nước lên 248 dự án, quy mô xây dựng khoảng hơn 103.500 căn, với tổng diện tích hơn 5.175.000 m2 và có 264 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 216.500 căn, với tổng diện tích khoảng 10.825.000 m2 đang tiếp tục triển khai.
Theo đánh giá của cơ quan quản lý nhà nước và các chuyên gia, nguyên nhân thiếu hụt nguồn cung nhà ở xã hội không chỉ do Covid-19 mà còn do thể chế pháp luật chồng chéo. Điểm nghẽn lớn nhất là đất công xen kẹt trong các dự án hay ưu đãi đối với nhà đầu tư về lợi nhuận định mức, quản lý nguồn vốn ưu đãi cũng chưa được quy định rõ.
Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA), cho rằng: Tại Khoản 1 Điều 21 Nghị định 100/2015, quy định "lợi nhuận định mức của toàn bộ dự án không vượt quá 10% tổng chi phí đầu tư". Mức lợi nhuận như vậy không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở xã hội. Bởi lẽ, nhiều chi phí "không tên", kể cả chi phí thực tế giải phóng mặt bằng đều không được tính đúng, tính đủ vào tổng chi phí đầu tư, dẫn đến chủ đầu tư bị thiệt, thậm chí bị thua lỗ.
Mức lợi nhuận đó cũng không khuyến khích chủ đầu tư dự án ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật, quản lý, để vừa phải đảm bảo chất lượng công trình, gia tăng các tiện ích, dịch vụ, vừa tiết kiệm chi phí, giảm giá thành.
Phân khúc NƠXH đang trở nên thiếu nguồn cung
Cũng theo ông Lê Hoàng Châu, Luật PPP đã quyết định dừng dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (dự án BT) mới, kể từ ngày 1/1/2021 để không để tiếp tục xảy ra tình trạng thất thu ngân sách nhà nước, thất thoát tài sản công, nhất là quỹ đất công, trụ sở làm việc.
Tuy nhiên, HoREA cho rằng có điểm chưa hợp lý là: Trước đây, Hợp đồng BT áp dụng với các dự án nhà ở xã hội; các dự án nhà ở tái định cư; các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, dự án công trình hạ tầng, dịch vụ. Tuy nhiên, Luật PPP đã bãi bỏ hình thức này chỉ vì nguyên nhân "chưa có đầy đủ các quy định pháp luật đồng bộ và hiệu quả để điều chỉnh loại hình dự án BT".
Để khơi thông nguồn cung nhà ở xã hội, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân, Chủ tịch HoREA cho rằng, không vì có một số bất cập, "lỗ hổng", sơ hở, mà phải bãi bỏ hẳn loại hình dự án BT.
Loại hình dự án BT rất cần thiết để huy động nguồn vốn xã hội đầu tư các dự án nhà ở xã hội; các dự án nhà ở tái định cư; các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; các dự án cơ sở hạ tầng, dịch vụ, vừa có lợi cho Nhà nước, cho nhà đầu tư và cho lợi ích cộng đồng.
Cùng với đó, theo đánh giá của HoREA, tình trạng "lệch pha cung-cầu" ngày càng rõ rệt, biểu hiện ở tình trạng rất thiếu nguồn cung nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội, đi đôi với đó là thừa nguồn cung sản phẩm nhà ở cao cấp, sản phẩm lưu trú du lịch (condotel).
Riêng 10 tháng đầu năm 2020, thị trường bất động sản bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, làm trầm trọng thêm những khó khăn sẵn có của thị trường BĐS trong 3 năm gần đây. Thị trường bị sụt giảm cả nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là loại căn hộ có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội.
Theo thống kê, có đến 923 doanh nghiệp BĐS giải thể, tạm ngừng hoạt động do tác động của đại dịch Covid-19, tăng 136% so với cùng kỳ, cao nhất so với các lĩnh vực kinh tế khác; ngân sách nhà nước bị giảm mạnh nguồn thu từ BĐS kể từ năm 2018 đến nay.
Vậy nên việc kích cầu, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc NƠXH đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết?
Hải Đăng