Nâng cao chất lượng nông thủy sản: Cần chính sách hấp dẫn

16:49 | 20/09/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Thực trạng, tiềm năng, giải pháp chính sách và một số kiến nghị cần thiết để duy trì, phát triển ngành chế biến nông, thủy sản là chủ đề được thảo luận tại hội thảo “Chính sách nâng cao chất lượng hàng nông, thủy sản và thực phẩm chế biến” do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng ngày 20/9, tại Hà Nội.

Phát biểu tại hội thảo, bà Lê Thị Bích Thu, chuyên gia của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tốc độ tăng trưởng giá trị ngành công nghiệp chế biến nông sản thời gian qua tăng từ 5-7%/năm, kim ngạch xuất khẩu tăng 8-10%/năm và đạt mức kỷ lục là hơn 40 tỷ USD trong năm 2018.

Nâng cao chất lượng nông thủy sản: Cần chính sách hấp dẫn - ảnh 1
 Dây chuyền sản xuất ngô ngọt xuất khẩu, tại Nhà máy của Công ty Vifoco. Ảnh: Vũ Hữu Sinh.
Hiện, cả nước có 7.500 cơ sở chế biến hàng nông sản xuất khẩu cùng hàng vạn cơ sở nhỏ lẻ, quy mô gia đình, hợp tác xã. Hoạt động chế biến nông, thủy sản nói chung đang sử dụng khoảng 1,6 triệu lao động, với thu nhập ổn định. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, bảo đảm an sinh, đời sống xã hội.
Song, thực tế cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đó là tình trạng lạc hậu của trang thiết bị chuyên dùng, vì chủ yếu là thiết bị cũ hoặc chỉ đạt cấp độ trung bình của khu vực. Tỉ lệ và tần suất được nâng cấp về công nghệ cũng chỉ bằng 30-50% so với yêu cầu hoặc so với mức độ của các nước khác.
Trong khi đó, hoạt động chế biến thủy sản tuy có bước tăng trưởng mạnh, có thị trường tiêu thụ rộng lớn nhưng cũng đối diện một số thách thức, bất lợi gồm: Chất lượng không đồng đều, chưa bảo đảm yêu cầu an toàn thực phẩm và tiêu chí vệ sinh theo yêu cầu của nhà nhập khẩu...
Ngoài ra, tình trạng manh mún, thiếu vốn, hạn chế về trình độ quản trị doanh nghiệp và tính liên kết lỏng lẻo vẫn là những yếu tố bất cập, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành này. Nhìn chung, giá trị gia tăng của ngành chế biến còn thấp, chậm được cải thiện. Ngoài ra, Việt Nam còn là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất về biến đổi khí hậu, gây khó khăn cho mục tiêu tăng trưởng bền vững nói chung.
Đồng quan điểm, ông Vũ Huy Phúc, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn cho rằng: Ngành chế biến nông sản của Việt Nam còn khá nhiều hạn chế. Tỉ trọng ngành công nghiệp chế biến trong chuỗi giá trị, khâu chế biến chỉ sử dụng 5-10% sản lượng nông sản sản xuất ra. Việc chế biến chủ yếu là thủ công, ít nhà máy hiện đại; chưa có nhiều mô hình gắn kết giữa chế biến với vùng sản xuất.
Nâng cao chất lượng nông thủy sản: Cần chính sách hấp dẫn - ảnh 2
 Cơ chế chính sách chưa hấp dẫn nhà đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản.
Các sản phẩm chế biến cũng chưa đa dạng, chủ yểu là các sản phẩm đơn giản như bún, miến, rau quả sấy khô, nước ép… Tỉ lệ chế biến cà phê, một mặt hàng mà Việt Nam là nhà sản xuất vào tốp đầu thế giới, cũng chỉ khoảng 10% và hầu hết là cà phê bột, cà phê tan. Đầu tư cho công nghiệp chế biến chưa tương xứng với tốc độ phát triển của nông nghiệp. Hệ số đổi mới thiết bị trong những năm qua mới chỉ ở mức 7%/năm (bằng 1/2 đến 1/3 mức tối thiểu của các nước khác); điều khoảng 5%, chè 5%, cá tra 10% và cao nhất là tôm, khoảng 40%. Trình độ công nghệ chế biến nhiều mặt hàng nông sản trên 90% là mức độ trung bình và lạc hậu.
Một chi tiết đáng lưu ý khác là việc sản xuất phế, phụ phẩm còn rất hạn chế, chưa khai thác hết tiềm năng. Ví dụ trong sản xuất lúa gạo, với sản lượng trên 40 triệu tấn lúa/ năm, sẽ có khoảng 40 triệu tấn rơm, 8 triệu tấn trấu và 4 triệu tấn cám có thể tạo ra nhiều giá trị gia tăng ngoài gạo như dầu cám, thức ăn chăn nuôi, củi trấu, giá thể nấm…
Đơn cử như trong sản xuất đường, mỗi năm phát sinh 1 triệu tấn bã mía có thể dùng làm nguyên liệu phát điện và 600.000 tấn rỉ mật có thể sản xuất nhiên liệu sinh học. Hay ngành chế biến điều mỗi năm có khoảng 400.000 tấn vỏ thô có thể chế biến ra dầu vỏ điều, song mới sử dụng được rất ít. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến hiệu quả hoạt động ngành này còn thấp được các đại biểu chỉ ra tại hội thảo là nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Có tới 55,63% chủ doanh nghiệp trong lĩnh vực này có trình độ học vấn từ trung cấp trở xuống, trong đó 43,3 chủ doanh nghiệp có trình độ học vấn từ sơ cấp và phổ thông các cấp.
Về lực lượng lao động, có 75% lực lượng lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Việc thực hiện chưa đầy đủ các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động đã làm giảm chất lượng lao động trong khu vực này. Do đó, việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật tiên tiến, hiện đại cũng gặp nhiều khó khăn
Để giải quyết tình trạng này, ông Phúc nhấn mạnh: Cần tiếp tục nâng cao chất lượng nông sản, thực phẩm. Tăng cường năng lực nghiên cứu và dự báo thị trường; đẩy mạnh tiếp thị và đa dạng hóa thị trường; phát triển và bảo vệ vùng nguyên liệu; khai thác hợp lý và có hiệu quả; tập trung đầu tư cho thiết bị, dây chuyền sản xuất tại các cơ sở chế biến mới theo hướng hiện đại; tăng cường mối liên kết giữa khai thác và chế biến...
Ngoài ra, các ngành chức năng cần có nghiên cứu sâu, định hướng cụ thể, lâu dài đối với những mặt hàng có thế mạnh như lúa gạo, cà phê, chè, hạt tiêu, thủy sản. Đồng thời, rà soát, sửa đổi chính sách về thuế giá trị gia tăng; đảm bảo công bằng trong việc đánh thuế VAT giữa hàng xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Xây dựng khung pháp lý và có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến nông sản về đất đai, công nghệ, thị trường tiêu thụ…