Nền kinh tế đối diện ‘màn sương mù’, chuyên gia và doanh nghiệp cùng hiến kế vượt khó

Nhóm PV 16:17 | 02/04/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
TS. Vũ Đình Ánh cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế nhiều sức ép hiện nay, điều mà doanh nghiệp đang căng thẳng nhất là thị trường tiêu thụ, bởi “xuất khẩu tắc đằng xuất khẩu, tiêu thụ trong nước tắc đằng trong nước”. Do đó, cần ưu tiên xử lý vấn đề đầu ra. Trong khi đó, TS. Lê Xuân Nghĩa lại nhấn mạnh sự cần thiết của việc hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trước sự "siêu cạnh tranh" từ các đối thủ lớn mạnh quốc tế.

 

"Tình hình đang rất khó"

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế tư nhân lần II chủ đề “Để kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế” do Hội doanh nhân tư nhân Việt Nam tổ chức sáng 2/4, chuyên gia kinh tế - TS. Vũ Đình Ánh ví von: nền kinh tế Việt Nam dường như đang "đối diện với một màn sương mù".

TS. Ánh viện dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy hết quý I/2023, tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,32%; thấp gần nhất trong suốt giai đoạn 2011-2023, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020. 

“Cái quan trọng nhất là con số tăng trưởng GDP 3,21% trước đó (quý I/2020) là thời điểm chúng ta bắt đầu chịu cú sốc dịch COVID-19 và kéo dài suốt 2 năm. Còn lần này, đáng lo ngại nhất là mức tăng trưởng 3,32% đến trong bối cảnh không có cú sốc nào cả”, vị chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.

Nhìn sâu hơn vào các dữ liệu kinh tế quý I, TS. Vũ Đình Ánh chỉ ra những tín hiệu khiến ông quan ngại. 

Đầu tiên, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I ước giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước trong khi cùng kỳ năm 2022 tăng 6,8%.

Thứ hai, thương mại suy giảm với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 154,27 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 11,9%; nhập khẩu giảm 14,7%. Để so sánh, TS. Ánh nhắc lại thời kỳ 2020-2021, khi kinh tế thế giới đối diện với hàng loạt thách thức từ dịch bệnh và các biện pháp phong tỏa, kiểm dịch làm trì trệ chuỗi cung ứng, xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng trên 10%.

Bên cạnh đó, việc TP. HCM - địa phương vốn được mệnh danh là “đầu tàu kinh tế”, đóng góp 20-25% GDP quốc gia - lại ghi nhận tăng trưởng GRDP quý I chỉ 0,7% là một chỉ báo đáng lưu tâm. Đáng kinh ngạc hơn, theo TS. Ánh, Bắc Ninh - tỉnh trọng điểm công nghiệp phía Bắc - dẫn đầu cả nước về tăng trưởng GRDP kém nhất, với mức tăng trưởng âm tới 11,7%.

Tất cả những tín hiệu đều cho thấy nền kinh tế đang trong một giai đoạn đầy thách thức. 

 TS. Vũ Đình Ánh phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần II sáng 2/4. Ảnh: Nguyễn Triệu.

“Rất nhiều doanh nghiệp nói với tôi rằng bắt đầu từ quý III/2022 là tình hình bắt đầu khó, và sang đến 3 tháng đầu năm nay cũng rất khó… Chưa nói đến doanh nghiệp, tôi hỏi ông sửa xe máy gần nhà tôi rằng tình hình có khó không, ông ấy bảo: ‘Rất khó anh ạ. Rất nhiều người đến sửa xe, bảo thay cái này cái kia đều bảo ko có tiền’ “, TS. Vũ Đình Ánh nói thêm.

Chia sẻ quan ngại này, TS. Phùng Xuân Minh (Chủ tịch HĐQT Saigon Ratings) cũng nhắc đến những dữ liệu kinh tế có dấu hiệu giảm tốc trong quý đầu năm, đặc biệt là việc TP HCM ghi nhận tăng trưởng GRDP 0,7%.

Theo ông Minh, từ đầu năm đến nay, nhiều tổ chức kinh tế trong và ngoài nước đã đưa ra các dự phóng tăng trưởng GDP Việt Nam trong năm nay, với mức tăng trưởng trong khoảng 5,8-7,2%. Tuy nhiên đến thời điểm này, đang có xu hướng theo dõi và có thể điều chỉnh dự báo trong bối cảnh có nhiều yếu tố gia tăng sức ép lên tăng trưởng cũng như lạm phát. “Tôi cho rằng năm nay đạt tăng trưởng 6% là cả một vấn đề”, ông Minh nói.

Gần đây nhất, ngày 31/3, Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và các Thị trường toàn cầu của Ngân hàng UOB điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2023 của Việt Nam xuống mức 6% so với dự báo trước đó là 6,6% sau những dữ liệu kinh tế giảm tốc của quý I.

Trước đó, đầu tháng 3, nhóm nghiên cứu ngân hàng Maybank cũng điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam năm 2023 xuống 4% từ mức dự báo 6,1% trong báo cáo hồi tháng 12/2022 và mức 4,9% trong báo cáo hồi tháng 1/2023.

Chuyên gia, doanh nghiệp cùng “hiến kế” vượt khó

Gỡ khó từ phía đầu ra

Theo TS. Vũ Đình Ánh, đối diện với những thách thức hiện tại, điều mà doanh nghiệp đang căng thẳng nhất là thị trường tiêu thụ, là vấn đề đầu ra, bởi “xuất khẩu tắc đằng xuất khẩu, tiêu thụ trong nước tắc đằng trong nước”.

Tại thị trường trong nước, ông Ánh cho hay dù số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy Tổng mức bán lẻ doanh thu và dịch vụ hàng hoá và dịch vụ toàn xã hội quý I vẫn đạt mức tăng ấn tượng (tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,4%), tuy nhiên thực tế doanh nghiệp vẫn kêu đầu ra rất khó.

“Vấn đề lúc này là xử lý câu chuyện đầu ra như thế nào, chứ đừng loay hoay vào vốn hay các yếu tố khác. Chúng ta đã có rất nhiều diễn đàn về vốn, về đất đai, các yếu tố khoa học kĩ thuật, thậm chí là giảm thuế…”, ông Ánh nhấn mạnh.

Ông Ánh cũng khuyến nghị mỗi doanh nghiệp cần thay đổi tư duy quản trị kinh doanh, thể hiện qua việc chú trọng khâu tìm hiểu phân tích thị trường, đánh giá đầu ra cũng như năng lực cung ứng sản phẩm để tận dụng cơ hội tốt hơn cũng như hướng tới mô hình kinh doanh chuyên nghiệp, bền vững, hiệu quả hơn. Cùng đó, doanh nghiệp khi đề xuất, kiến nghị cần dựa trên nền tảng chung, vấn đề chung, khó khăn riêng thì chủ động giải quyết, “đừng lấy cái riêng ra và bắt thay đổi chính sách chung”. 

Hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân trước sự "siêu cạnh tranh" của thị trường quốc tế

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên tổ tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện nay không chỉ phải đối mặt với sự cạnh tranh thông thường mà là sự "siêu cạnh tranh" ở cả thị trường thế giới và thị trường nội địa, ở cả khâu chất lượng và giá cả nguyên liệu đầu vào, đóng gói, nhãn mác, vận tải logistics, thương hiệu, kỹ năng marketing cho đến hệ thống phân phối tự chủ và cuối cùng là chinh phục người tiêu dùng.

Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên những sân chơi quốc tế có sức mạnh vượt trội không chỉ về tài chính, quản trị và công nghệ, mà còn cả về khả năng ứng phó siêu nhanh với những hỗn loạn thị trường.

Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi chóng mặt và kinh tế tư nhân Việt Nam đang đứng trước những thách thức chưa từng có, ông Nghĩa đề xuất Chính phủ cần có chiến lược phát triển kinh tế tư nhân thực sư, đặc biệt là chính sách thúc đẩy nền sản xuất trong nước. Bỏi sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước là rất khốc liệt, trong đó bước khởi đầu đều cần sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước.

 TS. Lê Xuân Nghĩa. Ảnh: Nguyễn Triệu.

"Một điểm mà khu vực ASEAN còn "thua" so với các nước Đông Bắc Á là việc bảo vệ thương hiệu nội địa. Các bạn cứ đi sang Hàn Quốc mà xem. Từ Tổng thống cho đến dân thường đều đi xe Hyundai, dùng điện thoại Samsung, dùng TV LG.

Người Hàn Quốc không phải là kém hơn người Việt Nam, họ không phải không biết iPhone tốt hơn Samsung, Mercedes tốt hơn Hyundai, nhưng người ta hay hơn chúng ta ở chỗ họ biết rằng nền công nghiệp của họ phải dựa vào sự hỗ trợ của cả Chính phủ và người dân; vì nền công nghiệp của họ non trẻ", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Doanh nghiệp nỗ lực chủ động vượt khó, đừng trông chờ "giải cứu"

Từ góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga khẳng định để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, bản thân doanh nghiệp cũng cần những hỗ trợ mang tính chất định hướng, vĩ mô từ cơ quan quản lý.

Nói cụ thể hơn về hỗ trợ vĩ mô, doanh nhân Nguyễn Thị Nga nhắc đến 3 vấn đề: vốn, công nghệ và quản trị nguồn nhân lực. 

Về vấn đề vốn, bà Nga cho rằng lãi suất hiện nay tại Việt Nam vẫn quá cao và vượt nhiều quốc gia trong khu vực. Mức lãi suất cho vay phải giảm thêm 2-3% nữa thì doanh nghiệp mới dám tiếp cận vốn. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra nhiều gói tín dụng lớn và giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng thương mại cũng rất tích cực với chủ trương của Chính phủ và NHNN. "Tôi tin rằng hiện nay không ngân hàng nào làm trái chủ trương chính sách của Chính phủ để doanh nghiệp bớt khó khăn hơn", bà Nga nói.

Chủ tịch Nguyễn Thị Nga cũng cho hay rất tâm đắc với khuyến nghị của các chuyên gia tại Diễn đàn rằng doanh nghiệp phải đa dạng nguồn cung ứng vốn, không nên quá tập trung vào nguồn vốn tín dụng. Đồng thời, để nguồn vốn không bị bất cập thì các doanh nghiệp nên kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư mới nhất là trong bối cảnh hiện nay.

   Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga. Ảnh: Nguyễn Triệu. 

Về công nghệ, bà Nga cũng đề xuất các cơ quan quản lý hỗ trợ thông qua những chương trình, chính sách cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp phát triển nền tảng công nghệ số, tiếp cận công nghệ số. Chính sách cần cụ thể và thiết thực như đưa cho doanh nghiệp những gói công nghệ để áp dụng phù hợp với quy mô từng nhóm. “Doanh nghiệp lớn thì áp dụng gói gì, doanh nghiệp nhỏ có gói ưu đãi công nghệ gì, hộ kinh doanh cá thể khi lên doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng chính sách, công nghệ gì”, Chủ tịch BRG nói.

Cũng theo bà Nga, doanh nghiệp rất cần xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực chuyên nghiệp, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, quản trị nguồn nhân lực hiện đại, minh bạch. Dù rằng, việc xây dựng hệ thống quản trị và nguồn nhân lực chất lượng không phải điều dễ dàng và phải tích lũy dần theo thời gian và quá trình phát triển của doanh nghiệp.

Cuối cùng, Chủ tịch BRG nhấn mạnh, trước những thách thức, bản thân các doanh nghiệp tư nhân “đừng trông đợi sự giải cứu nào từ bên ngoài”, mà cần nỗ lực, chủ động; dưới sự hỗ trợ và dẫn dắt từ chính sách vĩ mô.