Nga: Tổng thống Vladimir Putin ủng hộ bỏ bản quyền vaccine COVID-19
Chiến dịch vận động gỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine COVID-19 đang ngày một nóng lên khi ngày 6/5, có nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ đối với ý tưởng này. Tổng thống Mỹ, Joe Biden đã ủng hộ việc từ bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ vaccine COVID-19, trái ngược với quan điểm trước đó của nước này. Tiếp đó, lãnh đạo Pháp, Liên minh châu Âu cho biết cũng sẵn sàng thảo luận về đề xuất của Tổng thống Joe Biden.
Tổng thống Vlidimir Putin đã bày tỏ sự ủng hộ với ý tưởng gỡ bỏ bản quyền vaccine COVID-19
Trong một cuộc họp với Phó Thủ tướng Tatiana Golikova, Tổng thống Putin nói: “Tôi được nghe từ châu Âu một ý tưởng mà theo quan điểm của tôi rất đáng để chú ý, đó là dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine COVID-19. Tất nhiên là Nga sẽ ủng hộ cách tiếp cận đó”. Tổng thống Putin đã yêu cầu Phó Thủ tướng Golikova, phụ trách chính sách xã hội, nghiên cứu thêm về việc bãi bỏ bản quyền sáng chế. Ông nói: “Như tôi đã nói nhiều lần. Chúng ta không nên nghĩ làm thế nào để có được nhiều lợi nhuận nhất, mà phải nghĩ làm thế nào để đảm bảo được an toàn cho con người”.
Phe ủng hộ miễn phí bản quyền vaccine COVID-19 cho rằng các nước nghèo đang rất vất vả với việc tiếp cận, sản xuất vaccine trong khi các nước giàu thì bảo vệ quyền sáng chế cho các công ty dược phẩm lớn.
Tại Nga đã có 3 loại vaccine COVID-19 được cấp phép và ngày 6/5 có thêm loại thứ tư có tên Sputnik Light chỉ cần tiêm một mũi.
Moscow đã đưa Sputnik V đi khắp thế giới, với hơn 60 nước đã cấp phép cho sử dụng loại vaccine này.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen cho biết, Liên minh châu Âu (EU) sẽ thảo luận về việc miễn trừ bảo hộ sáng chế vaccine COVID-19 tạm thời, sau khi Mỹ tuyên bố ủng hộ ý tưởng này.
Bộ trưởng phụ trách thương mại quốc tế của Canada, bà Mary Ng, cũng cho biết Canada sẽ tham gia các cuộc đàm phán của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) để xem xét việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine COVID-19. Đề xuất trên còn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Paris, Rome và Vienna.
Tổng Giám đốc WTO, Ngozi Okonjo-Iweala đã lên tiếng thúc giục các thành viên WTO bắt đầu các cuộc đàm phán càng sớm càng tốt. Quyết định của WTO cần sự đồng thuận của tất cả 164 thành viên. Các cuộc đàm phán nhiều khả năng sẽ tập trung vào xây dựng một thỏa thuận từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ có quy mô hẹp và trong thời gian ngắn hơn so với bản đề xuất ban đầu mà Ấn Độ và Nam Phi đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái.
Thu Thắm
Xem thêm: WTO chính thức thảo luận về từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ vaccine COVID-19